Tài Liệu

Bản tin nội bộ Tháng 3/2021

17/08/2021 07:55 81 lượt xem

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 46 NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC 30/4/1975 - 30/4/2021 VÀ NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5

Cách đây 46 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.

Vào cuối năm 1974 - đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: “thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang, đây là những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông.

Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đại thắng mùa xuân 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, cả nước cùng tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi ở những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới của đất nước, chúng ta mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông ta đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam, vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc ta, của quân đội ta. Mỗi người dân Việt Nam nguyện tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng đề ra.

Ngày Quốc tế Lao động hay ngày 1 tháng 5 là ngày lễ Kỷ niệm và ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động.

Năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: "...Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ". Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.

Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mit-tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ "Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!" Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia.

Ngày 1/5 được xem là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ngày 1/5 cũng là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.

Ngày nay, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

THÔNG TIN TRONG HUYỆN

* “Trích” Kết luận số 01-KL/BCĐ, ngày 05/3/2021 của đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện - Trưởng Ban chỉ đạo, tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp; Chương trình xây dựng nhà ở cho người có công, hộ cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện (giai đoạn 2); Kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới

Chiều ngày 25/02/2021, tại Hội trường lớn, ủy ban nhân dân huyện. Ban Chỉ đạo thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững quý I năm 2021; Chương trình xây dựng nhà ở cho người có công, hộ cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện (giai đoạn 2); Chương trình xây dựng nông thôn mới tổ chức Hội nghị giao ban quý I/2021.

Đồng chí Hoàng Văn Thịnh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo và đồng chí Dinh Chí Thành, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo - chủ trì Hội nghị

Tham dự Hội nghị: Lãnh đạo Thường trực Huyện ủy; Thường trực Hội đồng nhân dân; Thường trực Ủy ban nhân dân huyện; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy; các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị. Bí thư, Chủ tịch và cán bộ công chức địa chính nông nghiệp, công chức Lao động Thương binh và xã hội các xã, thị trấn.

Sau khi nghe cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo trình bày dự thảo báo cáo kết quả triển khai, thực hiện và các ý kiến tham gia, thảo luận của các đồng chí tham gia tại Hội nghị giao ban. Đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy kết luận chỉ đạo một số nội dung sau:

1. Một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:

1.1. Đối với Chương trình cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững.

- Giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy: Tăng cường nắm bắt thông tin dư luận; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, cơ chế tỉnh, huyện về chương trình cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện; thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện; hàng tháng tổng hợp, đánh giá các gương điển hình, cách làm hay của cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn.

- Giao Ủy ban nhân dân huyện: Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo huyện: chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng cụ thể trong từng vườn hộ; quy hoạch vùng sản xuất cho phù hợp cải tạo vườn tạp gắn với định hướng vùng chuyên canh rau các loại như: thôn Séo Lủng A, Séo Lủng B xã Sảng Tủng, thôn Lán Xì B xã Phố Cáo, thôn Lùng Lú Thị Trấn Đồng Văn...; lông ghép các nguồn vốn, đề xuất hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, cây, con giống để phát triển và liên hệ, kết nối đầu ra cho các sản phẩm; phối hợp với Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi Phố Bảng cung cấp, cây, con giống, đồng thời chịu trách nhiệm về chất lượng, tiêu chuẩn giống theo hợp đồng.

- Giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện: Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách của Nhà nước về cải tạo vườn tạp; tập trung tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất lâu đời của người dân, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên phạm vi toàn huyện trong cải tạo vườn tạp; kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đồng hành, hỗ trợ thực hiện cải tạo vườn tạp.

- Giao các thành viên Ban chỉ đạo huyện, các cơ quan, đơn vị của huyện: Thường xuyên quan tâm, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện các mô hình cải tạo vườn tạp tại các xã, thị trấn được phân công phụ trách, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc về Ban chỉ đạo (qua Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tổng hợp) trước ngày 20 hàng tháng để có biện pháp giải quyết và làm căn cứ đánh giá quyết liệt hay không quyết liệt của cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn. Hàng tháng cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo huyện tổng hợp kết qủa báo cáo phiên họp Ban Thường vụ Huyện ủy. Một quý Ban Chỉ đạo cải tạo vườn tạp huyện tổ chức giao ban 01 lần vào tháng cuối quý theo quy chế hoạt động.

- Giao Ban chỉ đạo cải tạo vườn tạp các xã, thị trấn: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phân công nhiệm vụ cụ thể từng đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách từng vườn hộ. Tranh thủ lực lượng lao động hiện nay do dịch bệnh Covid-19 không đi lao động làm thuê được, đang ở nhà để tập chung cải tạo vườn tạp. Lựa chọn hộ có nhận thức, ý chí làm giàu để thực hiện theo quan điểm "“không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau” phấn đấu thực hiện cải tạo 225 vườn/225 thôn bản, tổ dân phố gắn với chào mừng cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

- Đối với các Mô hình trồng rau cần xác định thời gian, mùa vụ theo từng loại giống cây trồng để đưa vào cải tạo vườn và hỗ trợ các loại giống rau phù hợp (chú ý trồng rau trái vụ, chuyên canh); tiêu chí lựa chọn thực hiện cải tạo vườn tạp không nhất thiết phải liền kề với nhà ở; quy mô cải tạo vườn tạp theo hộ gia đình, theo khu, nhóm hộ,...; vận dụng bằng nhiều hình thức khác nhau trong cải tạo vườn (có thể cải tạo bằng cách, xếp đá, san đất, xếp đất tạo mặt bằng; Làm hàng rào bằng các loại cây xanh, cây dược liệu như ngũ ra bì; Mô hình vườn chăn nuôi kết hợp: Nuôi gia cầm kết hợp với nuôi giun quế làm thức ăn; Nuôi gia cầm dưới vườn cây ăn qủa; Nuôi ong lấy mật trong vườn được cải tạo; Chuyên đổi diện tích cây trồng có gía trị kinh tế thấp sang bố trí, xắp xếp giống cây trồng có gía trị kinh tế cao).

- Đối với những hộ nghèo, cận nghèo tuyên truyền vay vốn từ 10 đến 30 triệu đồng theo chương trình hỗ trợ lãi suất của tỉnh, nếu hộ không có nhu cầu vay vốn yêu cầu phải có biên bản với hộ gia đình và kêu gọi, huy động các nguồn lực hỗ trợ về cây giống, ngày công giúp gia đình. Đối với các hộ gia đình từ trung bình trở lên hỗ trợ ngày công, kỹ thuật.

1.2. Chương trình xây dựng nhà ở cho người có công, hộ cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện (giai đoạn 2)

- Giao Phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện: Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ tiếp nhận kinh phí hỗ trợ (500 ưiệu đồng) từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Tuyên Quang (VietcomBank) xong trước ngày 05/3/2021. Chủ động tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, Thường trưc Hội đồng nhân dân huyện, Trường trực Ủy ban nhân dân huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy gắn biển, bàn giao các hộ gia đình đã hoàn thành nhà để đưa vào sử dụng.

- Giao Ban chỉ đạo các xã, thị trấn đôn đốc các hộ được hỗ trợ kinh phí khẩn trương chuẩn bị vật liệu và khởi công xây dựng nhà ở mới.

- Các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo của huyện được phân công phụ trách các xã, thị trấn quan tâm đôn đốc chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành 53/110 nhà, đạt 100% số nhà trong Quý 1/2021 (đã hoàn thành 57 nhà trước Tết Nguyên Đán).

1.3. Về thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới.

  • Giao cho Ban chỉ đạo các xã: Căn cứ 19 tiêu chí nông thôn mới; các chỉ tiêu Nghị quyết, kế hoạch huyện giao xây dựng Nghị quyết, kế hoạch của xã để cụ thể hóa triển khai thực hiện, có phân công nhiệm vụ phụ trách cho các thành viên Ban chỉ đạo xã theo dõi, tổ chức thực hiện.

- Giao cho các Thành viên Ban chỉ đạo huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện của ngành phụ trách tiêu chí, lĩnh vực; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các xã thực hiện.

Trên đây là Kết luận của đồng chí Bí thư Huyện ủy - Trưởng Ban chỉ đạo, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện. Giao cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo (Ủy ban nhân dân huyện) đôn đốc thực hiện và tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo theo Quy chế làm việc. 

                                               Nguồn: BCĐ hỗ trợ nhà ở, cải tạo vườn tạp 

                                                    và xây dựng NTM huyện Đồng Văn

 * Chiều ngày 15/32021, Huyện ủy Đồng Văn tổ chức Lễ phát động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, Cựu chiến binh nghèo và hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, giai đoạn II. Dự buổi lễ có đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy; các đồng chí Thường trực Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện; lãnh đạo, cán bộ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của huyện; lãnh đạo cấp ủy 19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Xác định chương trình xây dựng nhà ở cho người dân là một trong những chương trình trọng tâm của tỉnh và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, huyện Đồng Văn đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng đơn vị phụ trách từng gia đình. Trong giai đoạn I, trên địa bàn huyện Đồng Văn đã hỗ trợ xây nhà ở cho 420 hộ người có công, Cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo. Qua khảo sát, hiện trên địa bàn huyện có gần 400 nhà ở của hộ nghèo đã dột nát, có nhu cầu hỗ trợ xây mới đảm bảo an toàn. Để giải quyết vấn đề trên, huyện cần nguồn kinh phí hỗ trợ lớn để tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở giai đoạn II. Tại buổi lễ, đã huy động cán bộ, công chức, viện chức; cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang của huyện đóng góp, ủng hộ được trên 570 triệu đồng.

                                                                          Đức Chung

* Chiều 17/3/2021, Ủy ban nhân huyện Đồng Văn tổ chức Lễ công bố xã Lũng Cú đạt chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có đồng chí Sùng Minh Sính, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; Các đồng chí Thường trực Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành huyện cùng đông đảo bà con nhân dân xã Lũng Cú.

Lũng Cú là xã vùng cao địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Xã có 9 thôn, trong đó 7 thôn biên giới, với điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, xuất phát điểm thấp. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Lũng Cú với quyết tâm chính trị cao, chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí của Nông thôn mới đề ra; đồng thời huy động toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới với phương châm “Phát huy tối đa mọi nguồn lực đoàn kết 1 lòng”. Kết quả trong xây dựng Nông thôn mới của xã, tổng nguồn vốn huy động 173.269 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước 56.474 triệu đồng, người dân đóng góp 10.289 triệu đồng và nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác. Kết cầu hạ tầng được đầu tư, đường từ huyện vào trung tâm xã được mở rộng từ 5,5 m lên thành 7 m; 87% đường thôn, liên thôn được cứng hóa; các trường học được đầu tư xây mới khang trang, sạch đẹp đáp ứng tốt việc dạy và học;  9/9 thôn có nhà văn hóa khang trang. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12%, xã không còn hộ có nhà tạm…

Phát biểu tại buổi lễ Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Sùng Minh Sính biểu dương những kết quả đạt được của xã Lũng Cú trong xây dựng Nông thôn mới. Đồng chí đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lũng Cú tiếp tục phát huy tiềm năm thế mạnh của địa phương, vận động nhân dân tích cực xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu…

Tại buổi lễ, các cá nhân, tập thể và hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong xây dựng xã Lũng cú đạt chuẩn Nông thôn mới được khen thưởng, cụ thể: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 5 cá nhân và 6 hộ gia đình; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tặng giấy khen cho 8 tập thể và 25 cá nhân.

                                                                                 Đức Ninh

THÔNG TIN CHUNG VỀ BỆNH COVID-19

 1. Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19) là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Phòng bệnh chủ yếu dựa vào biện pháp vệ sinh cá nhân, phát hiện và cách ly sớm, giám sát chặt chẽ các trường hợp bệnh nghi ngờ, phòng chống lây truyền tại cộng đồng và vệ sinh môi trường. 

2. Đường lây truyền, thời gian ủ bệnh 

- Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

 - Thời gian ủ bệnh trong vòng 14 ngày. Người mang vi rút Corona có khả năng truyền vi rút cho những người xung quanh.

 - Khi tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người như nhà ga, bến tàu xe, sân bay, lễ hội, trên phương tiện giao thông công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch,... sẽ tạo điều kiện cho vi rút lây lan. 

3. Triệu chứng biểu hiện bệnh 

- Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính: sốt, ho, khó thở, có trường hợp viêm phổi, viêm phổi nặng, có thể gây suy hô hấp cấp và nguy cơ tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo.

 - Một số người nhiễm vi rút nCoV có thể có biểu hiện lâm sàng nhẹ không rõ triệu chứng nên gây khó khăn cho việc phát hiện.

 - Trường hợp nghi ngờ mắc bệnh là trường hợp có ít nhất một trong các triệu chứng như: sốt hoặc ho hoặc khó thở hoặc viêm phổi và có một trong các yếu tố dịch tễ sau: đến Việt Nam từ các quốc gia đang có dịch bệnh trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh; có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh; có tiền sử đến/ở/về từ ổ dịch đang hoạt động trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh. 

- Trường hợp bệnh xác định là trường hợp bệnh nghi ngờ có xét nghiệm khẳng định nhiễm vi rút Corona. 

5. Các nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao - Bao gồm nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch, xét nghiệm, điều trị hoặc ứng phó với các trường hợp khẩn cấp y tế liên quan đến những người bị nhiễm vi-rút. 

- Người lao động làm việc trong môi trường có nguy cơ tiếp xúc cao nơi công cộng: nhân viên hàng không; thuyền viên, nhân viên đường sắt; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phục vụ mục đích công cộng (người điều khiển phương tiện giao thông công cộng và sử dụng ứng dụng kết nối); người lao động làm việc tại các khu dịch vụ (trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch, ngân hàng), nhân viên môi trường đô thị, v.v... 

- Cán bộ, nhân viên các lực lượng làm việc tại khu vực cửa khẩu (Hải quan, kiểm hóa, biên phòng; an ninh hàng không, kỹ thuật mặt đất; cảng vụ, hoa tiêu, đại lý hàng hải; kiểm dịch y tế biên giới, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật; đơn vị y tế tại cửa khẩu). 

6. Phạm vi, đối tượng áp dụng của hướng dẫn 

6.1. Phạm vi 

- Nơi làm việc bao gồm cơ sở lao động, văn phòng, cơ sở sản xuất kinh doanh, nơi làm việc khu dịch vụ (trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch, ngân hàng). 

- Ký túc xá hoặc nơi lưu trú tập trung cho người lao động sau đây đây gọi chung là ký túc xá cho người lao động. 

6.2. Đối tượng 

- Người lao động và người sử dụng lao động. 

- Bộ phận y tế, người làm công tác y tế tại cơ sở lao động. 

- Hướng dẫn này không áp dụng cho các cơ sở y tế, cơ sở khám, chữa bệnh. 

* Đối với nhân viên y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện theo Quyết định số 468/QĐ-BYT, ngày 19/02/2020 về việc ban hành hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Conona 2019 (COVID19) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

HƯỚNG DẪN PHÒNG CHỐNG LÂY NHIỄM TẠI NƠI LÀM VIỆC VÀ KÝ TÚC XÁ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

I- TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG 

1. Trước khi đến nơi làm việc 

1.1. Hướng dẫn chung khi ở nhà/ký túc xá cho người lao động 

- Tự theo dõi sức khỏe bản thân nếu có sốt hoặc ho, khó thở, mệt mỏi thì chủ động ở nhà, theo dõi sức khỏe và thông báo cho đơn vị quản lý/ban quản lý ký túc xá của người lao động.

 - Không được đi làm nếu đang trong thời gian cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan y tế. 

- Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế (rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn trên 60% nồng độ cồn khi không có điều kiện rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh khi ho, hắt hơi...), thường xuyên súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng, đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng; Hạn chế tiếp xúc với vật nuôi, động vật hoang dã.

 - Chuẩn bị các trang bị cá nhân cần thiết cho thời gian làm việc như nước uống hợp vệ sinh và cốc uống dùng riêng (đảm bảo vệ sinh); khăn giấy, khẩu trang, găng tay, dung dịch sát khuẩn trên 60% nồng độ cồn khi không có điều kiện rửa tay bằng xà phòng trong quá trình làm việc; quần áo sử dụng riêng khi làm việc, túi đựng rác (nếu cần)…

 1.2. Đối với người lao động phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 

- Tham khảo thông tin về tình hình dịch trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế http://www.moh.gov.vn để đánh giá lợi ích và nguy cơ của chuyến công tác. 

- Người lao động có bệnh mạn tính (như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và bệnh phổi,...) cần cân nhắc khi đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

 - Tìm hiểu thông tin và các biện pháp dự phòng lây nhiễm từ người làm công tác y tế/cơ quan y tế địa phương. 

- Chuẩn bị các dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn và các vật dụng cần thiết tạo điều kiện cho việc rửa tay thường xuyên và vệ sinh cá nhân khi đi công tác. 

1.3. Lưu ý khi thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, ký túc xá theo hướng dẫn của cơ quan y tế 

- Chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú, ký túc xá đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú, ký túc xá không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 mét. 

- Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng, nơi cách ly.

- Tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày; ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày. 

- Hàng ngày hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú, ký túc xá cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác. 

- Hàng ngày thông báo cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng, chiều về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân. 

- Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở. 

- Không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú, ký túc xá.

 - Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly.

 - Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú, ký túc xá. 

 2. Tại nơi làm việc

 2.1. Các khuyến cáo chung cho người lao động 

Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân để phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế: 

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn khi không có điều kiện rửa tay với xà phòng và nước sạch. Rửa tay tại các thời điểm: trước khi vào làm việc, sau giờ nghỉ giải lao, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. 

- Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào túi đóng kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay với xà phòng. 

- Tránh đưa tay lên mũi, miệng và dụi mắt để tránh lây nhiễm bệnh. Nghiêm cấm hành vi khạc, nhổ tại nơi làm việc. 

- Giữ ấm cơ thể, duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể; ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay,… 

- Nếu phát hiện bản thân hoặc người cùng làm việc/khách hàng có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở thì bản thân hoặc hướng dẫn người cùng làm việc/khách hàng hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh và phải báo cho người quản lý và người làm công tác y tế tại nơi làm việc để được tư vấn và điều trị kịp thời. 

- Không nên có thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc đối với các trường hợp đã hoàn thành việc cách ly y tế hoặc phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

 2.2. Đối với người lao động làm nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao Ngoài các khuyến cáo chung ở trên, người lao động làm nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao cần lưu ý:

 - Người làm việc tại các vị trí phải tiếp xúc với khách hàng, người dân: cần đeo khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

- Sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết. Nếu không sử dụng găng tay, phải rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây, dùng giấy lau tay sử dụng một lần để làm khô tay; hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn. 

- Sử dụng bộ quần áo phòng hộ (bao gồm cả khẩu trang, kính, mũ, găng tay) khi phải tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. 

- Hạn chế bắt tay, tiếp xúc với khách hàng trong khoảng cách dưới 1m (nếu có thể). 

- Không mua bán, tiếp xúc, chuyên chở các loại động vật hoang dã. 

- Tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp. 

2.3. Đối với người lao động phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 

- Tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của chính quyền địa phương nơi đến công tác. 

- Rửa tay thường xuyên, giữ gìn vệ sinh cá nhân khi ho, hắt hơi. Tránh xa ít nhất 01 mét đối với những người đang ho hoặc hắt hơi. 

- Khi có các biểu hiện sốt, ho, khó thở trong khi đi công tác, cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với những người xung quanh, thông báo với người quản lý và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời. 

3. Khi kết thúc ca làm việc

 3.1. Đảm bảo vệ sinh phòng chống lây nhiễm 

- Dọn vệ sinh và vứt bỏ túi chứa khăn giấy, khẩu trang, vật dụng đã sử dụng vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay bằng xà phòng. 

- Không mặc quần áo sử dụng khi làm việc về nhà/ký túc xá/nơi lưu trú. Để quần áo, vật dụng (đối với khẩu trang, găng tay sử dụng nhiều lần) đã sử dụng trong túi kín và giặt sạch sau mỗi ca làm việc.

 3.2. Sau khi đi công tác về từ khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19

 - Người lao động tự theo dõi các triệu chứng trong 14 ngày và đo nhiệt độ hai lần một ngày. 

- Nếu bị sốt hoặc ho, khó thở người lao động nên thông báo ngay cho cơ sở y tế để được hướng dẫn và cách ly chặt chẽ tại cơ sở y tế. Trong thời gian trước khi được cách ly, cần đeo khẩu trang y tế và hạn chế tối đa tiếp xúc với người khác. Thông báo cho người quản lý và người làm công tác y tế tại nơi làm việc để thông báo cho những người tiếp xúc gần tại nơi làm việc tự theo dõi sức khỏe và đến cơ sở y tế khi cần thiết. 

4. Thực hiện việc tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cho gia đình và cộng đồng. 

5. Tham gia tích cực các hoạt động vệ sinh môi trường, các hoạt động phòng chống dịch tại nơi làm việc. 

                                              Nguồn: Cục quản lý Môi trường Bộ Y tế 

                                                                           (Còn nữa)

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

* Chi bộ điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác

Khắc sâu lời dạy của Bác, những năm qua, Chi bộ thôn Lán Xì B, xã Phố Cáo luôn phát huy tinh thần đoàn kết của cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" bằng những việc làm thiết thực. Qua đó góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh; có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao.

 Chi bộ thôn Lán Xì B là một thôn nội địa xã Phố Cáo có 23 hộ 110 nhân khẩu, 6 đảng viên. Trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng, nhà nước; đặc biệt sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền xã, chi bộ thôn Lán Xì B đã có những bước chuyển biến tích cực; trình độ dân trí được nâng lên rõ dệt, tình hình phát triển kinh tế từng bước tăng trưởng, quốc phòng - an ninh của thôn luôn được đảm bảo; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên thôn bản luôn được quan tâm đúng mức, triển khai và thực hiện tốt các chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên; thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch nhà nước giao năm 2020 đưa thôn Lán Xì B là thôn đầu tiên của xã về đích nông thôn mới. 

Thực hiện việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hàng năm chi bộ quán triệt đăng ký và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến từng đảng viên trong chi bộ. hàng năm mỗi cán bộ, đảng viên xây dựng bản đăng ký học tập và chọn 1-2 nội dung cụ thể, thiết thực phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương để thực hiện và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cá nhân, nhất là vai trò của người đứng đầu trong việc nêu gương; mạnh dạn đóng góp ý kiến trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đặc biệt là quan tâm bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng viên mới. Chi bộ bản cũng luôn xác định rõ vai trò của mình trong việc lãnh đạo, quản lý theo dõi nhiệm vụ đảng viên, từ đó có cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xem đây là một trong những yếu tố để đánh giá xếp loại cuối năm. Hàng tháng, chi bộ thực hiện quy định sinh hoạt định kỳ và đưa nội dung học tập và làm theo Bác lồng ghép vào các buổi họp để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân trong thôn; gắn việc học tập và làm theo Bác với các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, các chương trình an sinh xã hội. Là một thôn thuần nông, nguồn thu nhập chính của các hộ dân là từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Hàng năm, căn cứ nghị quyết của Đảng ủy xã, các quyết định của Ủy ban nhân dân xã về phân bổ các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chi bộ đã cụ thể hóa bằng nghị quyết của chi bộ để tổ chức thực hiện; tích cực lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.  

Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến nay, chi bộ đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật váo sản xuất, sử dựng cây con giống mới có giá trị kinh tế cao, như: trồng cây lê, rau trái vụ, rau chuyên canh, cây dược liệu; phát triển các mô hình chăn nuôi có hiệu quả. Điển hình như mô hình chăn nuôi gà đen hộ gia đình anh Vi Văn Sính với quy mô nuôi 2 lứa/năm duy trì từ 650 - 700 con/lứa, trừ chi phí cho thu nhập 70 - 80 triệu đồng; hộ gia đình anh Vi Học Lần với mô hình trồng rau chuyên canh (rau sạch), nuôi 03 con trâu, trên 10 con lợn mỗi năm; trồng 0,5 ha cây lê trừ chi phí cho thu nhập 50 - 60 triệu đồng/năm…

Kết quả từ năm 2016 đến nay, đã vận động nhân dân trồng được trên 8 ha cây lê, lũy kế các năm trước được trên 11 ha, hiện đã có trên 5 ha cho thu hoạch, cho thu nhập từ cây lê được từ 50 đến 60 triệu đồng/ha; hằng năm vận động nhân dân trồng từ 2 đến 03 ha rau chuyên canh (rau sạch); vận động nhân dân cho thuê đất trồng 03 ha cây dược liệu, do Trung tâm giống cây trồng và gia súc hị trấn Phố Bảng thực hiện trên địa bàn thôn để nhân dân học tập và làm theo, từng bước chuyển đổi cách nghĩ, cách làm trong nhân dân. Triển khai thực hiện tốt việc việc tăng hệ số sử dụng đất bằng việc vận động nhân dân thực hiện xen canh, tăng vụ để góp phần tạo việc làm tại chỗ và tăng thêm thu nhập cho nhân dân, như trồng rau, đậu các loại sau khi thu hoạch ngô…

Chi bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Do vậy trong những năm qua địa bàn thôn không xảy tình trạng chặt phá rừng làm củi, không xảy ra cháy rừng; tỷ lệ độ che phủ rừng của thôn chiến trên 80%. Đồng thời triển khai thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là thực hiện mô hình nhà sạch vườn đẹp. Đến nay 100% các hộ gia đình trong thôn đã thực láng nền nhà, có nhà tắm, nhà vệ sinh, sân bê tông, xây ngăn chuồng trại…cuối năm 2020 thôn đã được huyện công nhận thôn đạt chuẩn nông thôn mới.

Luôn luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cho con, em trong độ tuổi đến trường đi học đầy đủ. Trong đó, phần lớn số học sinh cấp I, cấp II đều học tại trường Tiểu học và trường Phổ thông dân tộc nội trú Phố Bảng, các cháu Mầm non học tại điểm trường thôn Lán Xì A. Kết quả trong những năm qua, thôn không có tình trạng học sinh bỏ học. Do đó, tỷ lệ người dân biết nói tiếng phổ thông đạt 100%, tỷ lệ người dân biết viết chữ phổ thông đạt trên 95% (trừ những người đã có độ tuổi trên 80 tuổi). Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 21/23 hộ, chiếm 91,30%. 

Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt Chỉ thị 08 của Huyện ủy Đồng Văn về thực hiện nếp sống văn minh trong đám tang. 100% nhân dân trong thôn không tổ chức đám tang kéo dài ngày, các đám tang trong thôn chỉ kéo dài không quá 1,5 ngày, đồng thời tổ chức ăn uống đảm bảo vệ sinh bằng việc ăn trên mâm, có đầy đủ bát đũa, thức ăn được thực hiện tùy theo điều kiện của hộ gia đình.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đi khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã và bệnh viện huyện khi có ốm đau được thực hiện tốt. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, do đó tình trạng các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ từ 2016 đến nay không có hộ gia đình nào sinh con thứ 3 trở lên. Công tác an sinh xã hội luôn được đảm bảo, kết quả thực hiện công tác giảm nghèo đến nay giảm xuống còn 9% (giảm 38,2% so với năm 2016). Thực hiện tốt công tác rà soát, đề nghị cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho nhân dân. Từ 2016 đến nay, nhân dân trong thôn luôn nhận được 100% thẻ bảo hiểm y tế.

Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thôn luôn ổn định; không xảy điểm nóng, trộm cắt tài sản, gây rối trật tự… Hằng năm vận động 100% nhân dân thực hiện ký kết chấp hành luật giao thông đường bộ, không để con em chưa đủ tuổi tham gia giao thông; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống tảo hôn và kết hôn nhân cận huyết thống. Do vậy, từ năm 2016 đến nay thôn không có trường hợp nào tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; thực hiện tốt công tác vận động nhân dân đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn; đăng ký kết hôn khi đã đủ tuổi kết hôn.

Việc triển khai thực hiên xây dựng chương trình công tác trọng tâm và chương trình hành động cá nhân, hằng năm 100% các đồng chí đảng viên đã nghiêm túc xây dựng chương trình hành động cá nhân và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Qua đánh giá hằng năm cho thấy, công việc và nhiệm vụ được giao của từng đồng chí đảng viên từng bước được nâng lên và có hiệu quả rõ nét, trách nhiệm nêu gương của từng đồng chí đảng viên được khẳng định qua việc đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên hằng năm.

Với những cách làm thiết thực, hiệu quả; chi bộ thôn Lán Sì B luôn phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của thôn ngày càng phát triển. Từ những kết quả đã đạt được, hàng năm chi bộ đều đạt chi bộ trong sạch vững mạnh và đã được Tỉnh ủy tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục; Đảng ủy xã tặng Giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liền .

                                                                           Nguyễn Hòa 

 

* Những tấm gương đi đầu cải tạo vườn tạp ở Đồng Văn

Đồng Văn đã thay đổi tư duy; từ khi Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh triển khai đến từng người dân, Bà con mừng vui, phấn khởi, cùng đồng lòng quyết tâm cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, rau màu có giá trị kinh tế để nâng cao đời sống.

Đồng Văn, huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, đá giăng trùng điệp, xen kẽ là những mảnh vườn tạp bỏ hoang hay chỉ trồng ngô truyền thống, ít giá trị kinh tế; người dân luôn trong tình trạng thiếu thốn. Nghị quyết 05 được triển khai vào cuộc sống, nhiều địa phương trong toàn huyện, người dân đang nô nức thi đua, cùng nhau góp sức cải tạo vườn tạp; có nhiều cá nhân tiêu biểu đi đầu về thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả, giúp nâng tầm đời sống. Trong đó, phải nhắc đến gia đình anh Vừ Mí Cấu, thôn Sà Tủng Chứ, xã Tả Phìn là 1 trong những hộ tiên phong đi đầu thực hiện chuyển đổi 1.800 m² trồng củ cải sang trồng 80 cây lê Đài Loan; là giống cây ôn đới thích hợp với khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng của địa phương, sau 1 thời gian, cây lê sinh trưởng, phát triển tốt. Dự kiến gần 3 năm nữa sẽ cho thu hoạch quả, sản lượng 2,5 tấn, với giá 20.000 đồng/kg, lợi nhuận mang lại 40 triệu đồng/năm. Anh Cấu tâm sự: Từ khi Nghị quyết 05 triển khai, tôi đã nghiên cứu và thấy nhiều lợi ích. Gia đình đã mạnh dạn phá bỏ cây trồng kém hiệu quả sang trồng những giống mới, có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, các thành viên trong gia đình đã không còn phải đi làm ăn xa, mà cùng nhau chuyên tâm vào chăm sóc vườn lê Đài Loan; đặt  hy vọng vào sự dẫn lối, chỉ đường của Đảng.

Gia đình chị Mua Thị Máy, thôn Há Đề, xã Sính Lủng cũng là 1 trong những hộ tiêu biểu về thay đổi suy nghĩ, mạnh dạn cải tạo vườn tạp. Với 1.100 m² vườn để hoang sang trồng những loại rau như: Bắp cải, Su hào, Súp lơ… phục vụ nhu cầu sinh hoạt, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Nhờ sự vận động của cấp ủy, chính quyền, gia đình chị Máy đã chăm chỉ lao động để có được công việc ổn định trên chính mảnh vườn của mình. Chị Máy thổ lộ: Ngày trước, gia đình tôi không chú tâm vào trồng trọt, các thành viên thường lên núi lấy củi xuống chợ bán, cuộc sống nghèo khó không đủ ăn. Nhưng được sự vận động của huyện, xã về cải tạo vườn tạp đầy thiết thực, nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế bền vững; được hỗ trợ cây giống, nguồn vốn vay ưu đãi; hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, bao tiêu sản phẩm... gia đình đã xóa bỏ những thói quen cổ hủ trong canh tác.

Hiện nay có 20 hộ tiêu biểu đi đầu trong thực hiện cải tạo vườn tạp với tổng diện tích 15.765 m², người dân đã thấu hiểu được những lợi ích vốn có về phát triển kinh tế hộ gia đình. Chuyển đổi những cây trồng không mang lại hiệu quả sang trồng những cây có giá trị cao, giúp người dân ổn định đời sống, tạo công việc ổn định. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả, rau màu vững trãi trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

                                                                                          Đức Ninh

ĐỊNH HƯỚNG TUYÊN TRUYỀN TRỌNG TÂM

THÁNG 3/2021

1. Tập trung tuyên truyền việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025.

2. Tăng cường tuyên truyền Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó trọng tâm vào các nội dung: Ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về lãnh đạo, tổ chức Cuộc bầu cử; các quy định của pháp luật liên quan đến bầu cử, nhất là Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2015 (được bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (được bổ sung một sổ điều theo Luật số 47/2019/QH14), Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015; các hội nghị hiệp thương; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tuyên truyền việc phát động và triển khai thực hiện các phong trào thi đua chào mừng Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tuyên truyền về những thành tựu của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp qua các thời kỳ...

3. Tuyên truyền kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2021, nhiệm vụ những tháng tiếp theo của đất nước, của tỉnh , huyện và các địa phương; công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của huyện trong thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Chú trọng tuyên truyền nội dung cốt lõi, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 -NQ/TU, ngày 01/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững.

4. Tuyên truyền thực hiện các giải pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; công tác phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm...

5. Tuyên truyền về thuế và chính sách, pháp luật thuế; việc thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ và của tỉnh... Tiếp tục tuyên truyền các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lại, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay đối với khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid -19 gây ra; triển khai hỗ trợ khách hàng với các gói tín dụng.

6. Đẩy mạnh tuyên truyền về gương điển hình tiên tiến, cách làm sáng tạo của tập thể, cá nhân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh’” gắn với việc học tập và làm theo 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang. Đặc biệt, tuyên truyền kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ lên thăm Hà Giang (26/3/1961 - 26/3/2021) và Hội thảo khoa học 60 năm Hà Giang thực hiện 8 lời căn dặn của Bác Hồ (26/3/1961 - 26/3/2021).

7. Tiếp tục tuyên truyền có chất lượng, hiệu quả việc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền về xây dựng Nông thôn mới, trọng tâm là các giải pháp đạt và giữ các tiêu chí đã đạt được trong xây dựng Nông thôn mới.

8. Tuyên truyền quảng bá hình ảnh Huyện Đồng Văn với những nét văn hóa dân tộc độc đáo, vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền tạo điểm nhấn về du lịch tại một số địa phương trong huyện nhằm thu hút khách du lịch đến với Đồng Văn.

9. Tiếp tục tuyên truyền thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 28/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; Công văn số 394-CV/HU, ngày 07/02/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy Đồng Văn“Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19”; chú trọng thông tin kịp thời, chính xác diễn biến của dịch bệnh Covid-19, nêu gương điển hình thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội; phê phán các hành vi không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân thực hiện tốt khai báo y tế...

10. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý thức trách nhiệm của toàn dân, của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là nhân dân khu vực biên giới về công tác bảo vệ, quản lý đường biên giới, mốc giới, đảm bảo an ninh trật tự vùng biên giới, gắn với tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam với những cơ sở, chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tuyên truyền Lễ giao nhận quân năm 2021 trên địa bàn huyện.

11. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện quan trọng diễn ra trong tháng 3/2021, như: Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021); 111 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/191008/3/2021); 62 năm ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng (03/3/1959-03/3/2021), 32 năm ngày Biên phòng toàn dân (03/3/1989 - 03/3/2021).

Ngoài những nội dung trọng tâm nêu trên, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương bám sát nhiệm vụ chính trị và thực tiễn địa phương để lựa chọn, bổ sung các nội dung tuyên truyền phù hợp, hiệu quả.

BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY ĐỒNG VĂN

 

Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập