Kinh tế

Đồng Văn : Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững

17/08/2021 03:36 44 lượt xem

TTTĐT - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2021 – 2026 xác định rõ phát triển chăn nuôi là một trong những hướng đi chủ lực, có yếu tố then chốt trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian qua, bên cạnh việc tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân vừa phát triển chăn nuôi theo hướng hóa, huyện Đồng Văn cũng chủ động xây dựng các phương án chăn nuôi an toàn, đảm bảo đàn vật nuôi phát triển bền vững.

Đồng Văn : Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững
Mô hình lơn nái của Vừ Thị Mai

Tiêu biểu trong việc thực hiện đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn là hộ gia đình chị Thào Thị Mai, thôn Cờ Lá, xã Lũng Phìn. Sau nhiều đợt dịch xảy ra, gia đình đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong chăn nuôi, không còn chạy theo số lượng, mà tập trung vào chất lượng đặc biệt là chất lượng giống và quy trình chăm sóc. Do vậy, đàn lợn luôn phát triển ổn định, không bị bệnh, hiện đang trong thời kỳ chuẩn bị xuất bán.

Mô hình lợn Sủng Trái

Là địa phương có nhiều lợi thế phát triển chăn nuôi, xã Sủng Trái đã tập trung tuyên truyền người dân phát triển chăn nuôi theo quy mô hàng hóa. Trong đó, đã có hơn 100 hộ dân, tại các thôn Tủng Tỉnh, Há Pia, Sủng Của, đã cùng nhau thành lập các nhóm sở thích về chăn nuôi, như: nhóm sở thích chăn nuôi lợn nái sinh sản, nuôi bò vỗ béo, mô hình nuôi ong Bạc hà,...Đặc biệt từ khi các nhóm sở thích hoạt động, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn được kiểm soát, đảm bảo ổn định về đầu ra. Bình quân mỗi gia đình tham gia đều có thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng, một năm.

Là huyện vùng cao, huyện Đồng Văn xác định ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo, trong việc phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện. Do đó, bên cạnh các nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, của tỉnh, huyện Đồng Văn cũng chủ động, xây dựng các chương trình, dự án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn. Trong đó, chủ động các phương án phòng chống dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất, xây dựng môi trường chăn nuôi an toàn. Đến nay, trên địa bàn huyện Đồng Văn đã có trên 80 gia trại, trong đó có 14 gia trại bò, 42 gia trại nuôi lợn, 19 gia trại chăn nuôi gà với tổng đàn gia súc trên 110 nghìn con. 

Với việc chủ động các phương án chăm sóc đàn vật nuôi theo hướng an toàn, không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi, mà còn là hướng đi quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện Đồng Văn, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh trên đàn vật nuôi bùng phát tại nhiều địa phương như hiện nay./.

Thiện Ngay - TTVH,TT&DL

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập