Chuyện khởi nghiệp

Hỗ trợ khởi nghiệp, cơ hội cho phụ nữ phát triển kinh tế ở huyện Đồng Văn

19/03/2018 00:00 217 lượt xem

TTTĐT - Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, là một trong những nét mới trong phong trào giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của các cấp Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn trong năm 2017. Qua đó, đã thực sự mở ra nhiều cơ hội cho chị em phụ nữ vươn lên, ổn định cuộc sống, khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội.

 Từ khi được Unesco công nhận là CVĐCTCCNĐ Đồng Văn, trong những năm gần đây huyện Đồng Văn đã có nền kinh tế phát triển khá, nhiều chị em phụ nữ đã nhạy bén, biết nắm bắt cơ hội của một huyện được xem là vùng lõi để phát triển kinh tế vươn lên làm giàu chính đáng, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số chị em do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên còn gặp nhiều khó khăn, chưa mạnh dạn và tìm được hướng đi trong phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” trên địa bàn tỉnh Hà Giang, tập trung vào việc tối đa hóa sự trợ giúp nhằm hiện thực hóa các ý tưởng có tính sáng tạo xuất phát từ nhu cầu, giải quyết các vấn đề đang tồn tại của phụ nữ, của cộng đồng, góp phần thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, quan tâm thúc đẩy chị, em hội viên phụ nữ mạnh dạn, tự tin trong lĩnh vực phát triển kinh tế ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Có thể nói, những chương trình hỗ trợ và nhiều chính sách tạo nguồn của Nhà nước nói trên là động lực đã và đang thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của tỉnh nói chung, và khởi nghiệp của phụ nữ huyện Đồng Văn nói riêng và đây được coi như là chìa khóa trao cho chị em để mở ra các cơ hội phát triển kinh tế.

 Trong năm 2017, Hội LHPN huyện Đồng Văn đã vận động, giúp đỡ chị, em phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh 2 HTX may mặc trang phục xã Phố Cáo và giúp đỡ 25 hội viên tham gia, các hội viên chuyên mua vải về cắt may thành quần áo, trang phục dân tộc Mông sau đó mang ra các phiên chợ trong và ngoài huyện để bán nhằm góp phần xóa đói, phảm nghèo bền vững cho các hội viện trong thôn. HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Sà Phìn thành lập đã giúp đỡ được 25 chị em hội viên chuyên gia công sản phẩm và bán ra thị trường, phục vụ khách du lịch. Ngoài ra bằng các hình thức như: hỗ trợ cho vay vốn, tham gia các lớp tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực, trình độ trong quản lý, kinh doanh... Qua đánh giá của Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn, việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và tổ Phụ nữ liên kết được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề như: Trồng rau sạch, Cắt, may trang phục dân tộc, Thêu dệt thổ cẩm dân tôc Lô lô, kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống, Chăn nuôi; Đan Quẩy tấu, Nấu rượu Men lá; Kinh doanh vật liệu xây dựng và các dịch vụ buôn bán nhỏ lẻ khác. Các hoạt động hỗ trợ khác chủ yếu tập trung vào việc giúp đỡ về vốn, tìm kiếm lao động và tạo điều kiện cho các chị được tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về sản xuất kinh doanh, điều hành doanh nghiệp hiệu quả. Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình tiếp tục được đông đảo hội viên hưởng ứng 

 Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” trên địa bàn tỉnh Hà Giang, được triển khai và thực hiện nhằm hiện thực hóa các ý tưởng có tính sáng tạo xuất phát từ nhu cầu, giải quyết các vấn đề đang tồn tại của phụ nữ, góp phần thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, quan tâm thúc đẩy chị, em hội viên phụ nữ mạnh dạn, tự tin trong lĩnh vực phát triển kinh tế ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nhưng đối với tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Đồng Văn nói riêng thì việc thực hiện đề án cũng mới chỉ ở giai đoạn đầu, vẫn còn đó những trăn trở đè nặng lên đôi vai của các nhà quản lý và các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ hay các tổ phụ nữ liên kết.

 Điển hình như chị Nguyễn thị Xây là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đồng Văn, mỗi mùa khô qua đi là những mùa mà không chỉ chị mà cả những bà con nhân dân nơi đây đều khó khăn trong việc tìm kiếm rau sạch, rau an toàn, bởi thói quen canh tác của người dân từ xưa đến nay, chỉ canh tác một vụ, cùng lắm thì có gia đình mạnh dạn trồng thêm ít hoa màu, còn lại đất đều bỏ hoang. Với những trăn trở đó, đã thôi thúc chị cùng các chị em phụ nữ trong thôn cùng nhau trồng rau sạch vừa để phục vụ cho bà con nhân dân, qua đó giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trong 2 năm qua chị đã giúp đỡ được 12 chị em Hội viên tham gia trồng rau sạch, với số lượng rau sạch như hiện nay cung ứng ra thị trường tuy chưa phải là nhiều, nhưng cũng đã góp phần làm phong phú thêm lượng rau củ quả sạch tại các chợ phiên và nhu cầu sử dụng hàng ngày của bà con trong vùng,  mỗi năm cũng cho các họ gia đình thu nhập từ 35 đến 40 triệu đồng/năm.

 Cách trung tâm huyện lỵ 18km, xã Sính Lủng có 2 dân tộc cùng chung sống là dân tộc mông và dân tộc Clao. Tuy điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng cũng như sự quan tâm của nhà nước với nhiều mô hình kinh tế như bò vỗ béo, gia trại gà đen, mô hình nuôi thỏ, nuôi ong, rau bắp cải đã đem hiệu quả kinh tế cao. Mô hình tổ phụ nữ liên kết đan quẩy tấu mới được thành lập từ năm 2016 nên vẫn còn khá mới mẻ, vượt qua thách thức, các chị em phụ nữ nơi đây đã tự động góp vốn cùng làm, cùng hưởng, cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của công việc, vậy nên đây cũng chưa trở thành công việc mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình, ngoài thời gian ở trên nương, các chị lại tập hợp nhau đan quẩy tấu như thế này, sự say mê không biết mỏi đã trở thành bản năng của các chị, sự chịu thương chịu khó luôn được gắn với cái tên “người phụ nữ vùng cao” là thế, không chỉ lưu giữ được những bản sắc văn hóa tốt đẹp vốn có của dân tộc mình, mà còn giúp nhau vượt khó đi lên trên con đường làm giàu chính đáng, được đến tận nơi, được tận mắt chứng kiến những khó khăn vất vả mới thấu hiểu hết được sự kiên trì, bền bỉ của họ.

 Tạm biệt mảnh đất Sính Lủng, chúng tôi đến xã Lũng Cú, nơi đánh dấu điểm địa đầu cực bắc của Tổ quốc Việt Nam, nơi có lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc, điểm du lịch lý tưởng cho bạn bè trong nước và quốc tế, là một trong những xã phấn đấu sẽ là xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018 này. Đến thăm gia đình chị Vàng Thị Huế, tổ trưởng dệt may trang phục dân tộc Lô Lô, chị Huế cũng là chi Hội trưởng hội phụ nữ thôn Lô Lô Chải, chị tâm sự: lúc đầu, ngoài thời gian làm công việc của một Chi hội trưởng và thời gian lên nương rẫy, chị lại ngồi may những cái áo, cái quần cho chồng cho con, cho đến khi trong nhà đã đầy đủ những bộ trang phục cho mỗi người, chị lại suy nghĩ, liệu có thể biến những bộ trang phục này thành những sản phẩm du lịch, bởi lượng khách du lịch đến thăm quan ngày một đông, với suy nghĩ muốn được chia sẻ những khó khăn vất vả của chị em trong thôn, nghĩ đến việc làm sao để thoát nghèo, làm sao để có thể mang lại cho chị em một cuộc sống ổn định hơn, có thể làm chủ cuộc sống, vậy là chị bắt tay vào việc vận động chị em trong thôn thành lập tổ phụ nữ liên kết may mặc trang phục dân tộc Lô Lô kể từ năm 2014, mỗi sản phẩm được bán ra, là nguồn động viên rất lớn về mặt tinh thần, nó cũng là động lực để chị em phụ nữ vượt qua ranh giới của sự phân biệt giữa nam và nữ, dù là chân yếu tay mềm nhưng cũng có thể làm được những việc phù hợp với sức của mình, thậm trí còn có thể hơn thế nữa, để làm được trước hết phải có ý tưởng, những ý tưởng làm thay đổi nhận thức của mọi người về họ, một trong những yếu tố quan trọng hơn cả để phụ nữ khởi nghiệp thành công chính là bản thân người phụ nữ phải vượt lên chính mình, tự tin, bản lĩnh vượt lên những rào cản xã hội để bắt tay khởi nghiệp.

 Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong năm tới, Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn xác định việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sẽ tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong phong trào giúp đỡ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Hội tập trung đẩy mạnh các hoạt động xây dựng và nhân rộng mô hình phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh thực hiện phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, giúp phụ nữ nghèo là chủ hộ thoát nghèo theo tiêu chí thoát nghèo đa chiều. Nhân rộng mô hình tổ liên kết sản xuất kinh doanh. Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nữ; tuyên truyền, tư vấn nghề, việc làm cho phụ nữ. Phấn đấu hàng năm mỗi cơ sở hội có các giải pháp để giúp đỡ ít nhất được 2 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh có địa chỉ cụ thể...

 Với mục tiêu rõ ràng và những bước đi vững chắc, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở huyện Đồng Văn sẽ đạt được kết quả tích cực, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong đời sống xã hội, đồng thời tạo những đột phá trong công tác hội và phong trào phụ nữ trên địa bàn.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập