Hoạt động các sở, ngành

Hội nghị bàn giải pháp, phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm mật ong Bạc hà

12/04/2018 00:00 115 lượt xem

Chiều ngày 26/3/2018, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị bàn giải pháp, phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm mật ong bạc hà. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT - Đồng chủ trì Hội nghị. Dự có lãnh đạo các Sở: Công thương, Khoa học & Công nghệ, Văn hóa thể thao và Du lịch; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp; Bí thư Huyện ủy, thường trực UBND huyện, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc; lãnh đạo Hội sản xuất và kinh doanh mật ong Cao nguyên đá; các doanh nghiệp, HTX đang sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mật ong Bạc hà trên địa bàn 4 huyện.

 Sản phẩm mật ong Bạc hà là một trong những sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Đến hết năm 2017, tổng đàn ong của 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc là 33.251 tổ, tăng 19.366 tổ. Sản lượng mật năm 2017 đạt 224 tấn, tăng 121 tấn so với nâm 2013. Tổng số tổ chức, cá nhân chăn nuôi ong là 2.522 hộ, trong đó: HTX, doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm mật ong bạc hà là 13 cơ sở; số hộ chăn nuôi hộ gia đình quy mô nhỏ trên 2.500 hộ.  Có 38 tổ hợp tác, nhóm sở thích nuôi ong, 8 cơ sở đăng ký tem, nhãn truy xuất nguồn gốc. Công tác xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm được các doanh nghiệp, HTX tích cực thực hiện tại các Hội chợ trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi của người dân còn hạn chế; việc sản xuất mang tính tự nhiên, quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo được khối lượng hàng hóa lớn để phục vụ nhu cầu thị trường; việc sử dụng nhãn mác cho sản phẩm mật ong tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá chưa thống nhất, gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng; liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX với người dân trong sản xuất, chưa có đơn vị sản xuất con giống tại chỗ để đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi; diện tích cây bạc hà rất khó mở rộng; công tác quản lý đàn ong nhập ngoại từ nơi khác chuyển đến chưa có quy chế và chế tài xử lý cụ thể; công tác tuyên truyền hiệu quả chưa cao; chưa có tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người nuôi ong.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp về thống nhất in và cấp tem, lô gô phải theo quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý dùng cho sản phẩm mật ong bạc hà của tỉnh Hà Giang (4 huyện vùng cao nguyên đá) công tác quản lý chất lượng sản phẩm mật ong và bảo tồn, phát triển diện tích giống cây hoa bạc hà; quản lý, ngăn chặn giống ong từ nơi khác vào khu vực bảo tồn; làm thế nào dễ nhận biết giữa mật ong bạc hà và mật ong thường; nuôi dưỡng ong trong thời gian khan hiếm nguồn mật; đánh giá lại quy hoạch vùng nuôi ong ….

Phát biểu Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh mật ong Bạc hà là sản phẩm đặc thù vùng cao nguyên đá Đồng Văn; mục tiêu đưa sản phẩm mật ong bạc hà tăng 1,5 lần 2018 và tăng 2 lần năm 2019. Do đó, phải có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt của các các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Giao Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, ban hành Quy trình nuôi ong theo hình thức tổ chức sản xuất lại cho người dân theo chuỗi giá trị; tổ chức đào tạo cho các HTX, Tổ hợp tác về phát triển, kinh doanh sản phẩm mật ong Bạc hà; thành lập Tổ công tác phối hợp với các huyện rà soát, quy hoạch lại vùng nuôi ong Bạc hà một cách cụ thể; chỉ đạo Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng tiến hành sản xuất con giống nhằm đảm cung ứng giống cho người dân; rà soát lại kế hoạch bảo tồn giống ong nội tại vùng chỉ dẫn địa lý của tỉnh để bổ sung thêm cơ chế, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cây Bạc hà. Sở Công thương là đơn vị chủ trì, tham mưu giúp tỉnh triển khai xây dựng, phát triển thương hiệu mật ong Bạc hà; nghiên cứu, khảo sát, đưa ra các chủng loại, bao bì, nhãn mác, lô gô phù hợp nhằm kích thích người tiêu dùng; đề xuất giải pháp kiểm soát chất lượng mật ong Bạc hà từ đầu vào đến đầu ra một cách chặt chẽ; xây dựng kế hoạch quảng bá, giới thiệu sản phẩm một cách cụ thể; chủ trì khảo sát, thống nhất mức giá cụ thể đối với sản phẩm mật ong Bạc hà để tiện cho việc quản lý. Sở Khoa học và Công nghệ rà soát 2 đề tài khoa học về ong, sớm nghiệm thu để chuyển giao thực hiện; nghiên cứu, đề xuất đặt hàng các thiết bị tét thử chất lượng và cách nhận biết sản phẩm mật ong Bạc hà một cách thuận lợi nhất. Đối với 4 huyện vùng Cao nguyên đá, tổ chức lại sản xuất, phấn đấu đưa 100% các hộ nuôi ong vào các HTX; UBND huyện phải là đơn vị kết nối, chủ trì ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp, HTX và người nuôi ong trong việc tiêu thụ, chế biến sản phẩm mật ong Bạc hà; tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho người dân về nghề nuôi ong; quản lý chặt chẽ chất lượng mật ong tại các địa phương…


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập