Các điểm du lịch

Thăm khu di tích Nhà Vương

29/10/2014 00:00 1250 lượt xem

Nhà được xây dựng theo lối kiến trúc đời Thanh, Trung Quốc, có diện tích 1.120m2, được tạo dựng bằng nguyên liệu đá xanh, gỗ thông và ngói đất nung. Xung quanh nhà xây tường bao bằng đá, dày 60-80 cm, cao 2,5-3 m, có cổng đá 15 bậc, xây ghép đá chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ, uy nghi.
Nằm trên một khu đất cao trong khuôn viên rộng ở thung lũng có cây cối um tùm, khu Nhà Vương hiện ra đúng là một di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo của tỉnh Hà Giang ở xã Lũng Phìn, huyện Động Văn. NhàVương là dinh cơ kiêm pháo đài của dòng họ Vương Chính Đức – một Thổ ty lớn nhất của dân tộc Mông, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
 
 
Đường đến khu di tích Nhà Vương bây giờ tương đối thuận lợi, có thể đi bằng ô tô từ thị xã Hà Giang, vượt 125 km qua hai huyện Quản Bạ và Yên Minh với cảnh trí thiên nhiên núi non trùng điệp, hùng vĩ còn nhiều vẻ hoang sơ bên dọc đường. Đến thung lũng Sà Phìn A, xã Lũng Phìn, chúng tôi háo hức bước lên những bậc thềm cao phủ đầy thảm lá và những quả lê rụng để tham quan Nhà Vương. Ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc đời Thanh, Trung Quốc, có diện tích 1.120m2. Người cho xây dựng Nhà Vương là Vương Chính Đức, vốn là người lao động của Thổ ty Hoàng Tự Bình, nhưng lại có uy tín trong vùng nên được Pháp cất nhắc lên làm Chánh Tổng. Khi Hoàng Tự Bình già yếu (vào đầu thế kỷ XX), Vương Chính Đức được cho làm bang tá và đã xây dựng khu Nhà Vương của mình thành một dinh cư phú cường, độc đáo. Kiến trúc Nhà Vương được tạo dựng bằng nguyên liệu đá xanh, gỗ thông và ngói đất nung. Tổng thể khu nhà gồm 4 nhà ngang và 6 nhà dọc đều làm 2 tầng với 64 buồng chia làm Tiền dinh, Trung dinh, Hậu dinh. Tường xây bằng đá, trong ốp ván, cột kèo gỗ, sàn lát gỗ, mái ngói máng, có hàng hiên lợp ngói ống, đầu tiên ngói trang trí hoa văn chữ Thọ. Bố cục ngôi nhà trong 3 lớp cao dần từ ngoài vào trong, hai góc trong cùng xây 2 lô cốt đá xanh, 3 tầng, trong đó tầng một thông với tầng ngầm khu nhà trong cùng. Cách 3 lớp nhà là 3 sân lát đá phiến. Khu nhà dài 56m, rộng 20 m, cao 10 đến 12m, ngoài ra còn có các ngôi nhà phụ như bếp, bể nước và chuồng ngựa… Xung quanh ngôi nhà xây tường bao bằng đá, dày 60 đến 80 cm, cao 2,5m và 3 m, có cổng đá 15 bậc, xây ghép đá chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ, uy nghi. Bên ngoài dinh thự, về phía trái là khu mộ dòng họ Vương.
Ngắm nhìn tổng thể ngôi nhà và đi xem từng gian phòng vẫn còn một số di vật như bàn thờ, tủ quần áo, bàn làm việc, bể nước, gầu, gáo múc nước…, chúng tôi hình dung phần nào văn hoá và nếp sinh hoạt của những con người từng sống ở đây vào những năm 20 của thế kỷ trước. Khu Nhà Vương quả là một di tích kiến trúc nghệ thuật quý hiếm được xây dựng kết hợp hài hoà giữa kiến trúc cổ Trung Hoa và nghệ thuật Việt Nam, có dáng vẻ oai phong mà vẫn có nét mềm mại tinh xảo của chạm khắc gỗ đá. Bởi thế, Khu Nhà Vương đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật và đang có kế hoạch bảo quản trong tổng thể hệ thống di tích của Hà Giang. Tuy nhiên công tác này vẫn còn có những hạn chế.
Anh Hoàng Ngọc Linh, cán bộ huyện uỷ Đồng Văn cho biết, ở huyện Đồng Văn, dân tộc Mông chiếm gần 90% dân số toàn huyện. Vào cuối thế kỷ XIX đến đời Vương Chính Đức- một thủ lĩnh của người Mông- ông xây dựng nên khu di tích này. Cấu trúc của Nhà Vương đã được trùng tu cơ bản.
Anh Linh cũng cho biết, để thu hút khách du lịch đến thăm khu di tích này, huyện Đồng Văn đã cho làm một con đường rải nhựa từ ngã ba Uỷ ban đến chân khu di tích, thuận tiện cho khách du lịch.
Ngành văn hoá, du tích tỉnh Hà Giang cũng đã phối kết hợp để bảo tồn những di tích danh thắng và phát triển du lịch ở vùng cao nguyên đá đặc trưng này, trong đó Nhà Vương được khẳng định là một di tích độc đáo có tiềm năng du lịch. Ông Nguyễn Đình Bảy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Hà Giang nhận định: “Ở Hà Giang mỗi dân tộc có một đặc trưng riêng hiện văn hoá của dân tộc đó. Đồng Văn ai cũng biết là thủ phủ của người Mông, có dinh Sà Phìn – nhà của Vương Chí Sình ngày xưa cũng mang đặc trưng văn hoá rất riêng”.
Với xu thế phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng ở Đồng Văn nói riêng và Hà Giang nói chung, khu di tích Nhà Vương cũng là một trong những tiềm năng còn ngủ yên đang chờ được đánh thức. Ông Bảy cho biết: “Sau khi xây dựng xong mô hình du lịch cộng đồng, chúng tôi sẽ tập huấn đến các làng du lịch cộng đồng để người dân địa phương có thể giữ gìn bản sắc văn hoá của mình”.
Thăm khu Nhà Vương, tôi cảm nhận rõ cái gọi là “hồn của đá” vốn rất đặc trưng của Đồng Văn, Hà Giang. Mong rằng ngày trở lại nơi đây sẽ được nhìn thấy những mở mang khởi sắc trong vấn đề bảo tồn văn hoá và phát triển du lịch./.
 

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập