Xây dựng Đảng, Chính quyền

Đồng Văn Tổ chức, hoạt động của công đoàn cơ sở xã, thị trấn  

25/08/2023 11:40 301 lượt xem

                                                                     Thực trạng và giải pháp

 

1. THỰC TRẠNG VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ XÃ, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐỒNG VĂN

Chúng ta đều biết, xã là cấp cơ sở trong hệ thống hành chính nhà nước. Công đoàn cơ sở (CĐCS) xã, thị trấn không tổ chức theo hệ thống như tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã, thị trấn. Đối tượng để phát triển đoàn viên công đoàn ở xã, thị trấn không có trong các thôn, tổ dân phố như các đoàn thể chính trị - xã hội khác của xã, thị trấn. Đối tượng của tổ chức CĐCS xã, thị trấn là những người lao động, cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã (theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22/10/2009 của Chính phủ), đó cũng là đối tượng phát triển, kết nạp đoàn viên (theo Hướng dẫn số 1902/HD-TLĐ, ngày 10 tháng 11 năm 2009 của Tổng LĐLĐ Việt Nam). Mặc dù CĐCS xã, thị trấn không có đối tượng công đoàn trong nhân dân xã, thị trấn nhưng vẫn có tác động tích cực, dù không trực tiếp đến nhân dân trong xã, thị trấn. Đó là tác động qua những cán bộ chủ chốt (Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân...), là những đoàn viên công đoàn mà CĐCS xã, thị trấn có trách nhiệm vận động, giáo dục, rèn luyện để thực hiện tốt nhiệm vụ của người đoàn viên công đoàn, phát huy vai trò người công dân gương mẫu, vai trò người cán bộ, công chức, thực hiện tốt nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ trong chính quyền hoặc đoàn thể của xã. 

Trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hoạt động của CĐCS xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đồng Văn đã có những khởi sắc; đã bám vào Điều lệ Công đoàn Việt Nam và nghị quyết của cấp ủy đảng, chương trình hành động của công đoàn cấp trên để cụ thể hóa tổ chức thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, góp phần vào việc nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Bà Tráng Thị Mai - nguyên Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Đồng Văn cho biết: thực hiện Quyết định số 974/QĐ-TLĐ, ngày 29/6/2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, V/v ban hành Quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của CĐCS xã, phường, thị trấn; Liên đoàn lao động (LĐLĐ) huyện Đồng Văn đã tuyên truyền vận động và thành lập được 19/19 CĐCS xã, thị trấn với 508 đoàn viên. 

Đặc biệt là từ khi có Hướng dẫn số 1902/HD-TLĐ, ngày 10 tháng 11 năm 2009 của Tổng LĐLĐ Việt Nam  “Về tổ chức và hoạt động của CĐCS cơ quan xã, phường, thị trấn”, hoạt động của các CĐCS xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đồng Văn dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ đảng xã, thị trấn và LĐLĐ huyện đã từng bước đi vào chiều sâu và dần đổi mới; mọi hoạt động của công đoàn đã bám vào Điều lệ Công đoàn, chủ trương, nghị quyết của các cấp uỷ đảng, hướng dẫn của LĐLĐ huyện để cụ thể hoá thành chương trình hoạt động sát với tình hình thực tế của từng địa phương theo từng giai đoạn. Công đoàn đã chủ động phối hợp với chính quyền, các tổ đoàn thể xã, thị trấn chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên; tham gia quản lý kinh tế- xã hội; tuyên truyền giáo dục đoàn viên tích cực học tập, công tác, phát huy nội lực, huy động sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo; góp phần quan trọng vào việc xây dựng và củng cố khối liên minh Công - Nông - trí thức và khối đại đoàn kết toàn dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Tuy nhiên, một vài nơi, cấp uỷ đảng xã, thị trấn chưa thường xuyên quan tâm công tác lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc và định hướng hoạt động cho CĐCS; hoạt động của CĐCS các xã, thị trấn chưa thực sự bám sát vào Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam; hoạt động không có kế hoạch, thụ động và mang tính hình thức, chưa định hướng được nội dung công việc cần làm trong từng tháng, quý, năm, từng giai đoạn. Nội dung hoạt động còn sơ sài, hời hợt. Thiếu quy chế phối hợp với ủy ban nhân dân và mặt trận tổ quốc, các đoàn thể trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan xã, thị trấn còn hình thức và nhiều lúng túng. 

2. GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CĐCS XÃ, THỊ TRẤN.

Nội dung hoạt động chủ yếu của CĐCS xã, thị trấn là thực hiện tốt các chức năng công đoàn: chú trọng các nội dung, biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, người lao động; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đến từng cán bộ, đoàn viên công đoàn; vận động họ tích cực thi đua trong công tác, học tập, lao động sản xuất, nâng cao thu nhập cho bản thân và góp phần tích cực phát triển kinh tế tại địa phương. Để đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của CĐCS xã, thị trấn trên địa bàn huyện trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi tổ chức công đoàn huyện Đồng Văn thực hiện tốt, đồng bộ các nội dung sau:

Thứ nhất, đổi mới nội dung, hình thức bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ CĐCS xã, thị trấn. 

Đội ngũ cán bộ công đoàn ở xã, thị trấn hiện nay có vai trò quan trọng, có tính quyết định đến phong trào công đoàn ở xã, thị trấn. Cán bộ công đoàn xã, thị trấn hiện nay nhiệt tình, hăng hái trong hoạt động công đoàn. Song, không ít cán bộ công đoàn xã, thị trấn chưa hội đủ các tiêu chuẩn, một số cán bộ còn lúng túng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chưa cao. Do đó, thường xuyên làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng đội ngũ; bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ công tác công đoàn của cán bộ CĐCS xã, thị trấn là công việc không thể thiếu trong nội dung hoạt động ở công đoàn xã, thị trấn.

Trong công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ công đoàn xã, thị trấn cần thực hiện tốt nội dung, hình thức sau:

Về nội dung: phổ biến đường lối của Đảng, nghị quyết của công đoàn các cấp, giới thiệu những chính sách, pháp luật mới có liên quan đến cán bộ, công chức, người lao động xã, thị trấn; giới thiệu những vấn đề về lý luận, nghiệp vụ công tác công đoàn. Các phương pháp hoạt động chủ yếu của CĐCS; phương pháp công tác của chủ tịch CĐCS và nội dung, chương trình, cách thức tổ chức hội nghị, hội thảo; phương pháp, kỹ năng soạn thảo văn bản.

Về hình thức: mở lớp bồi dưỡng ngắn ngày, từ một buổi đến vài ngày, mời giảng viên có kinh nghiệm để truyền đạt, trao đổi.

Tiến hành sơ kết, tổng kết các hoạt động của CĐCS, rút ra những bài học, kinh nghiệm tốt để phổ biến cho đội ngũ cán bộ CĐCS xã, thị trấn học tập, vận dụng, khắc phục những yếu kém, tồn tại, hạn chế trong hoạt động công đoàn.

Ngoài ra còn có thể sử dụng hình thức tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Công đoàn, về các chế độ chính sách, pháp luật, về khả năng ứng xử ... nhân các ngày lễ, ngày truyền thống của đất nước.

Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục; nâng cao năng lực làm chủ của cán bộ, đoàn viên.

Tuyên truyền, giáo dục CNVC LĐ là một trong những chức năng cơ bản của tổ chức Công đoàn, là điều kiện xã hội để Công đoàn chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC LĐ và tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

Đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đoàn viên công đoàn xã, thị trấn về đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Đa dạng và linh hoạt hình thức tuyên truyền, trong đó coi trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý.

Tổ chức tốt các hoạt động “Tháng công nhân” hàng năm; tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật, giúp cán bộ, đoàn viên hiểu biết về kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật. 

Tuyên truyền cho cán bộ, đoàn viên công đoàn xã, thị trấn hiểu rõ yêu cầu cấp thiết phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nắm vững tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, chủ động đề xuất, kiến nghị với chính quyền, các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trong các mối quan hệ, đảm bảo hài hoà lợi ích của cán bộ, đoàn viên, của tập thể cơ quan và của Nhà nước. 

Tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đoàn viên xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; giáo dục về lối sống văn hoá, tác phong văn hóa công sở; xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hoá, phục vụ đời sống tinh thần cho cán bộ, đoàn viên. Xây dựng môi trường văn hóa xã hội lành mạnh trên chính địa bàn xã, thị trấn; CĐCS xã, thị trấn phối hợp với chính quyền quan tâm chăm lo đời sống văn hóa cho cán bộ, công chức, người lao động ở cơ sở mình hoạt động; tổ chức cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đoàn viên là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết hiện nay của CĐCS xã, thị trấn nói riêng, của cả hệ thống Công đoàn nói chung. Do vậy cần tăng cường đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp với từng đối tượng, trình độ và điều kiện sống, làm việc của cán bộ, đoàn viên. 

Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên.

CĐCS xã, thị trấn chủ động tham gia xây dựng nội quy, quy chế làm việc của cơ quan xã, thị trấn; quy chế quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi cán bộ, công chức xã; tham gia xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, đồng thời vận động cán bộ, đoàn viên thực hiện tốt nội quy, quy chế đã đề ra.

Thuyết phục Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi nhất để Ban Thanh tra nhân dân (BTTND) cơ sở thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn BTTND kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nội quy, quy chế của cơ quan, giám sát việc quản lý, điều hành ngân sách của chính quyền và hoạt động của kế toán đơn vị.

Thứ tư, đổi mới công tác tham gia quản lý.

Tổ chức tốt hội nghị cán bộ, công chức hàng năm. CĐCS xã, thị trấn chủ động xin ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ các nội dung, điều kiện để tổ chức hội nghị cán bộ, công chức theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2016/TT-BNV, của Bộ Nội vụ.

Tổ chức tốt các phong trào thi đua trong cán bộ, đoàn viên công đoàn. CĐCS xã, thị trấn có trách nhiệm tham gia với ủy ban nhân dân và các tổ chức đoàn thể xã, thị trấn phối hợp tổ chức, chỉ đạo các hoạt động phát huy sáng kiến ở cơ sở; chủ động phối hợp với ủy ban nhân dân căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch nhà nước giao để xây dựng kế hoạch tổ chức phong trào thi đua và phát động tới toàn thể cán bộ, đoàn viên; đồng thời tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên đăng ký thi đua. Ban Chấp hành CĐCS tham gia xét duyệt, đề nghị công nhận danh hiệu lao động giỏi hàng năm, tổng kết kinh nghiệm tổ chức phong trào.

Vận động cán bộ, đoàn viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao, có tinh thần tự lực cánh sinh, đoàn kết giúp đỡ nhau trong công tác. Đồng thời động viên cán bộ, đoàn viên thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hóa, phong trào thi đua người tốt, việc tốt trong cơ quan xã, thị trấn.

Tổ chức CĐCS xã, thị trấn vững mạnh, biết hoạt động và hoạt động tốt sẽ góp phần trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân; phát huy quyền dân chủ của nhân dân, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể xã, thị trấn trong sạch, vững mạnh. Do đó mà việc đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của CĐCS xã, thị trấn trong giai đoạn hiện nay là điều hết sức cần thiết, góp phần vào việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang thực hiện trên địa bàn huyện Đồng Văn.

 


 

Nguyễn Công Văn- Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập