Xây dựng Đảng, Chính quyền

"Giải pháp về đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số cao nguyên đá Đồng Văn"

30/08/2023 08:49 39 lượt xem

 

Đảng, Nhà nước rất quan tâm chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có chính sách hỗ trợ về đất ở đối với hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó, đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là chính sách hợp lòng dân, hợp với quy luật phát triển của đất nước, được các cấp, các ngành quán triệt sâu sắc trong hệ thống chính trị và người dân. Đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước.

 

Đồng Văn là huyện vùng cao núi đá, biên cương, địa đầu của Tổ quốc, thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 97%, địa hình, địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu nằm ở vùng núi đá; tỷ lệ diện tích núi đá lớn chiếm trên 70% diện tích đất tự nhiên, nhu cầu về đất ở của đồng bào các dân tộc là rất lớn, nhưng do đặc thù được thiên nhiên ban tặng cho nơi đây chủ yếu là núi đá, đồi núi, thung lũng hiểm trở, từ xa xưa đồng bào các dân tộc đã biết tận dụng các loại đất, đá để làm nhà ở tập trung theo thôn bản, cụm dân cư. Về đất ở cơ bản được đảm bảo, tuy nhiên chưa đủ diện tích theo quy định nhưng do tập quán và để gìn giữ, bảo vệ an ninh trật tự, chống chọi với thiên nhiên, cho nên đồng bào các dân tộc đã biết sinh sống xen kẽ nhau để kịp thời hỗ trợ giúp đỡ nhau khi cần thiết.

Thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đời sống khó khăn, trong đó quy định mỗi hộ dân được hỗ trợ 300 m3 đất ở và giao cho địa phượng trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp quyết định cụ thể theo quý đất của địa phương, tỉnh có thể giao cao hơn. Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 12/2006/NQ-HĐND ngày 10/7/2006 quy định hạn mức đất ở cho hộ gia đình, cá nhân, trong đó quy định hạn mức giao đất để làm nhà ở đối với khu vực nông thôn là 400m2, đối với khu vực trung tâm huyện lỵ là 200m2, đối với khu vực thị tứ, trung tâm cụm xã là 300m2. Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện đã vận dụng sát với tình hình thực tiễn của địa phương như: Sắp xếp ổn định dân cư xen ghép; di chuyển dân từ nơi có nguy cơ sạt lở, sống không tập trung về nơi an toàn, sống tập trung; khảo sát xây dựng các dự án ổn định dân cư tập trung; sắp xếp ổn định dân cư các xã biên giới. Số hộ được sắp xếp là 3.154 hộ = 35,38 ha, theo phương châm nhân dân hiến đất, nhà nước hỗ trợ kinh phí để làm nhà ở. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 3011/2009/QĐ-UBND ngày 20/8/2009 quy định hạn mức giao đất ở: đối với khu vực trung tâm huyện là 200m2; đối với khu vực thị tứ, trung tâm xã là 300m2; đối với khu vực nông thôn là 400m2. Theo Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND ngày 06/9/2014 của UBND tỉnh Hà Giang quy định hạn mức giao đất ở: Ở khu vực các phường thuộc thành phố Hà Giang diện tích tối đa là 150,0 m2 cho một thửa đất; ở khu vực các thị trấn diện tích tối đa là 200,0 m2 cho một thửa đất; ở khu vực các xã diện tích tối đa là 400,0 m2 cho một thửa đất.

 Tuy nhiên, qua kết quả triển khai thực hiện các chính sách theo Quyết định số 755/QĐ-TTg, Quyết định số 2085/QĐ-TTg và Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, địa bàn Đồng Văn rất khó khăn trong triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ đất ở, do huyện Đồng Văn không có quý đất để giao cho hộ dân làm nhà ở theo quy định, cho nên nội dung này chưa chỉ đạo thực hiện.

Theo Luật đất đai hiện nay thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở phải nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho nên không chỉ chính sách của nhà nước không triển khai thực hiện được mà việc người dân muốn tận dụng những chỗ đất có khả năng làm nhà ở ngày càng trở nên cực kỳ khó khăn, phức tạp. Mặt khác Đồng Văn là vùng lõi của công viên địa chất toàn cầu, việc làm nhà ở trên đá cũng không được. Trong khi việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình được thực hiện từ năm 1998, đến nay có nhiều biến động do tách hộ, tách thửa đất, điều chỉnh diện tích đất do thu hồi để xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng ... Hiện nay số hộ này vẫn đang sử dụng chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ được tách ra để canh tác. Tuy có biến động nhưng diện tích sử dụng đất cơ bản ổn định không thay đổi và không xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các hộ. Song việc xây dựng nhà ở trên đất chưa chuyển mục đích sử dụng và quy hoạch ở các xã vẫn diễn ra, làm cho công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chính dẫn đến thiếu đất ở khó khăn là do điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý chủ yếu là đồi núi đá cao, độ dốc lớn, núi đá chiếm trên 70% tổng diện tích đất tự nhiên, lại thường xuyên bị ảnh của thiên tai như sạt lở đất, đá, mưa lũ đã làm xói mòn diện tích đất; việc đô thị hóa và xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng đã làm cho điện tích đất bị thu hẹp dần theo thời gian.  

Nhưng nhu cầu về đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số là rất lớn, quỹ đất của địa phương lại không có, điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý của Đồng Văn chủ yếu là núi đá nên việc khai phá, mở rộng thêm diện tích đất là rất khó khăn, trong khi đó tỷ lệ tăng dân số về cơ học ở vùng đồng bào thiểu số ở nông thôn còn cao. Tỷ lệ tách hộ gia đình tăng theo quy luật. Địa phương là vùng lõi của địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn cho nên việc là nhà ở trên đá không đúng quy hoạch là vi phạm, đất hẹp người đông, đá cấm.

Vậy, giải pháp nào cho đất ở của đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn hiện nay và tương lai.

 

 

 


 

Tác giả: Dinh Mí Thào - Phòng Dân tộc Đồng Văn

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập