Xây dựng Đảng, Chính quyền

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ của lực lượng vũ trang huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang

24/08/2023 09:32 39 lượt xem

TTTĐT - Chi bộ là tế bào của Đảng, lập thành nền tảng của Đảng, là nơi trực tiếp đưa đường lối, chính sách của Đảng đến với quần chúng, nhằm tuyên truyền, vận động, tập hợp, giáo dục, thuyết phục quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà Nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "chi bộ là gốc rễ của Đảng", "là đồn luỹ chiến đấu của Đảng ở trong quần chúng", "là cầu nối giữa Đảng và quần chúng", "chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh".

 

Duy trì sinh hoạt chi bộ là thực hiện chế độ đã được quy định trong Điều lệ Đảng, chi bộ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần hoặc sinh hoạt đột xuất khi cần. Sinh hoạt chi bộ là hoạt động rất quan trọng của chi bộ, có vai trò tác dụng to lớn đối với năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, bảo đảm chi chi bộ và mỗi đảng viên thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chi bộ và là một nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, giúp đảng viên nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng và thực hiện chức năng lãnh đạo, giáo dục của chi bộ. Sinh hoạt chi bộ là cuộc họp toàn thể những đảng viên của chi bộ trên cơ sở những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, nhằm phát huy trí tuệ tập thể, sự thống nhất ý cí và hành động để lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị, giáo dục, quản lý và rèn luyện đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ

Thời gian qua, các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ của lực lượng vũ trang huyện Đồng Văn. Các chi bộ đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp, cách thức sinh hoạt, nhìn chung chất lượng sinh hoạt chi bộ không ngừng được nâng lên, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế.

Đối với chi bộ quân sự xã, thị trấn còn lúng túng trong xác định nhiệm vụ chính trị kết hợp với việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương phát triển kinh tế hộ gia đình, do đó khi đề ra chủ trương và giải pháp để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng gắn với phát triển kinh tế - xã hội chi bộ gặp không ít khó khăn. Nhiều chi bộ lúng túng trong sinh hoạt, nội dung chủ yếu chỉ là quán triệt, triển khai nhiệm vụ của cấp trên giao. Đối với chi bộ cơ quan trực thuộc Đảng bộ Quân sự huyện thường lẫn lộn giữa sinh hoạt đảng với triển khai đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nên rễ sa vào đánh giá kết quả thực hiện công tác chuyên môn của cơ quan mà chưa chú trọng phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên cũng như việc kiểm tra, giám sát đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Trước khi sinh hoạt chi bộ, chi ủy phải họp để chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ. Tuy nhiên, có chi ủy không họp trước khi sinh hoạt chi bộ, chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ còn sơ sài, dàn trải. Việc tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều chi bộ không tổ chức được sinh hoạt chuyên đề, mặc dù đã có hướng dẫn của cấp ủy cấp trên, do chi ủy không chuẩn bị được nội dung. Việc phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Có nơi sinh hoạt chi bộ chỉ có ý kiến của đồng chí lãnh đạo cơ quan và đồng chí trong chi ủy, còn các đảng viên không giữ chức vụ thì thường lắng nghe, nhất trí theo ý kiến của người chủ trì cuộc họp, làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, đơn vị. Một số nơi năng lực cấp uỷ chi bộ còn hạn chế nên việc chuẩn bị nội dung cũng như điều hành sinh hoạt chi bộ còn lúng túng, ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ.

Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan là do chi ủy, nhất là bí thư, phó bí thư chi bộ chưa quan tâm đúng mức, năng lực yếu hoặc do kiêm nhiệm nhiều việc nên thời gian dành cho công tác đảng hạn chế. Nguyên nhân chủ quan là do người chủ trì chi bộ còn đơn giản trong sinh hoạt chi bộ, nặng về công tác chuyên môn hơn công tác đảng; chưa nghiên cứu sâu về nguyên tắc của Đảng và chưa dành thời gian đầu tư suy nghĩ, tìm các biện pháp để đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt. Công tác kiểm tra, giám sát, định hướng nội dung sinh hoạt của cấp ủy cấp trên trực tiếp đối với chi bộ chưa thường xuyên nên chi bộ sinh hoạt có tính chất chiếu lệ.

Do đó để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, bảo đảm cho sinh hoạt của chi bộ đạt được tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu của chi bộ trong lực lượng vũ trang huyện Đòng Văn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng là một đòi hỏi cấp bách.

Một là, Phát huy vai trò lãnh đạo của chi ủy, nhất là đồng chí bí thư chi bộ, phó bí thư. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt ay kém". Đội ngũ chi ủy viên, nhất là bí thư, phó bí thư chi bộ cần được chọn lọc từ những đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, bản lĩnh, nhiệt tình với công tác xây dựng đảng; có khả năng tập hợp, quy tụ được cán bộ, đảng viên. Cấp ủy cấp trên trực tiếp cần đặc biệt quan tâm tới công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cho các chi ủy, bí thư chi bộ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng; chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ bí thư, phó bí thư chi bộ và thực hiện tốt chính sách cán bộ.

Hai là, Việc chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt chi bộ là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng sinh hoạt chi bộ. Chi ủy phải bám sát tình hình thực tế của chi bộ để xây dựng nội dung sinh hoạt, trong đó cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm; thông tin kịp thời về tình hình thời sự trong nước, quốc tế; phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên; tổng hợp đánh giá việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác của chi bộ tháng trước theo nghị quyết chi bộ đã đề ra và thảo luận một số nhiệm vụ trọng tâm đề ra cho tháng tiếp theo. Nghị quyết của chi bộ phải thiết thực, có tính khả thi và quá trình thực hiện phải được kiểm tra kịp thời. Đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phải gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", làm cho mọi đảng viên nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nghị quyết của chi bộ và của cấp ủy cấp trên; bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu để chi bộ thực sự là nơi lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng đảng viên.

Ba là, Phát huy dân chủ trong sinh hoạt. Trong sinh hoạt chi bộ thì người chủ trì phải rất linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; chủ trì các cuộc họp cần có tác phong cởi mở, chân thành, dân chủ, nhưng cần phải quyết đoán, có chính kiến rõ ràng. Trong thảo luận phải thật sự phát huy dân chủ, tạo được không khí đoàn kết, thẳng thắn để các đảng viên thể hiện hết ý kiến của mình, trước khi biểu quyết chung của chi bộ. Từ dự kiến công việc đến phân công công tác cho đảng viên phải được phân tích kỹ lưỡng, có lý, có tình và phải được thảo luận một cách dân chủ. Những ý kiến xây dựng, thẳng thắn, trung thực phải được tôn trọng và động viên, khuyến khích, tiếp thu một cách cầu thị. Cần bình tĩnh lắng nghe những ý kiến trái chiều và phải được thảo luận rất kỹ trong chi bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng phải bảo đảm quyền được bảo lưu của cá nhân. Kịp thời chấn chỉnh, phê phán những cá nhân vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, hoặc có ý kiến thiếu tính xây dựng, bảo thủ trong trao đổi, thảo luận. Chi ủy và đồng chí bí thư, phó bí thư chi bộ lắng nghe, tôn trọng mọi ý kiến của đảng viên, trả lời những chất vấn của đảng viên, tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên giám sát hoạt động của chi bộ. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo cấp ủy cấp trên và trả lời đảng viên trong lần sinh hoạt tiếp theo.

Bốn là, Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của các cấp ủy cấp trên. Các cấp ủy cần nâng cao nhận thức đúng đắn về vị trí và tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ, coi việc đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên có vai trò quan trọng đối với việc định hướng nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ. Cấp ủy cấp trên cần cử cán bộ, cấp ủy viên thường xuyên dự sinh hoạt với các chi bộ để động viên, khuyến khích, giải đáp những kiến nghị, đề xuất của đảng viên, đồng thời cũng nắm chắc chất lượng hoạt động của chi bộ để báo cáo cấp ủy cấp trên chỉ đạo kịp thời.

 


 

Tác giả: Nguyễn Đăng Hanh Chính trị viên phó kiêm CNCT,  Ban CHQS huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập