Xây dựng Đảng, Chính quyền

Thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đồng Văn giai đoạn 2023-2025 định hướng đến năm 2030

05/09/2023 14:23 38 lượt xem

Cán bộ và công tác cán bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ nói chung và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng. Tư tưởng và sự quan tâm, chăm lo của Người đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam, đến thế hệ trẻ, đến phụ nữ đã trở thành kim chỉ nam và cũng chính là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong suốt quá trình xây dựng, phát triển đất nước và được cụ thể xuyên suốt qua các văn kiện, nghị quyết của Đảng.

 

Nhằm cụ thể hoá các nghị quyết, chủ trương của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện trong những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở thường xuyên quan tâm đến công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiếu số. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Kế hoạch số 110-KH/HU, ngày 04/3/2022 của Huyện uỷ Đồng Văn về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 16/12/2021 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đã xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp của huyện đó là: Quan tâm, chăm lo tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiêu số.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong huyện đã tăng lên về số lượng ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, từ huyện đến cơ sở; trình độ năng lực, nhất là lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn từng bước được nâng cao. Tuy nhiên tỷ lệ cán bộ trẻ chiếm tỷ lệ thấp; năng lực quản lý, tính nhạy bén và kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở cơ sở còn hạn chế; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền; nữ dân tộc thiểu số lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương, ngành còn khiêm tốn.

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới đòi hỏi phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là những hạn chế, bất cập trong công tác phát hiện, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm và tạo nguồn cán bộ từ đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh đảm bảo hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, tình hình của Đảng bộ huyện, để chủ động trong xây dựng đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, có cơ cấu, chất lượng hợp lý, lâu dài, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng các cấp đã đề ra.

Theo ông Triệu Long Giang – Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ cho biết: Số cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện uỷ quản lý hiện có 242 đồng chí. Trong đó: Là nữ có 43 đồng chí, chiếm tỷ lệ 17,7%. Là người dân tộc thiểu số có 180 đồng chí, chiếm tỷ lệ 74,3% (gồm dân tộc Mông 128 đồng chí, dân tộc Tày 35 đồng chí, dân tộc Dao 10 đồng chí, dân tộc Lô Lô 7 đồng chí, còn lại là các dân tộc: Hán, Pu Péo, Cờ Lao, ngạn,….), về độ tuổi: Dưới 40 tuổi có 50 đồng chí.

Quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2025 - 2030: 54 đồng chí. Trong đó: Nữ 15 đồng chí (chiếm 27,8%); dân tộc thiểu số 41 đồng chí chiếm 76%.  Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ 04 đồng chí chiếm 7,4%; đại học 50 đồng chí chiếm 92,6%. Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp 23 đồng chí đạt 42,6%. Độ tuổi: Dưới 40 tuổi 11 đồng chí chiếm 20,4%; từ 40 đến dưới 50 tuổi 38 đồng chí, chiếm 70,3%; trên 50 tuổi 05 đồng chí chiếm 9,25%.

Quy hoạch Ban Thường vụ Huyện ủy, nhiệm kỳ 2025 - 2030: Tổng số 18 đồng chí. Trong đó: Nữ 03 đồng chí chiếm 16,6%; dân tộc thiểu số 10 đồng chí chiếm 55,5%; độ tuổi dưới 40 tuổi 03 đồng chí chiếm 16,6%.

Về ưu điểm: Nhìn chung, đội ngũ cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp của huyện đuợc quan tâm xây dựng, chất lượng về mọi mặt, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã được nâng lên, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn công tác được tăng cường, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp; cơ bản đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần quyết định việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của huyện.

Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, luân chuyển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số đã được quan tâm thực hiện đồng bộ, đây là chủ trương, biện pháp để tạo nguồn và xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý.

Về hạn chế: Công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém đó là: Công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển rèn luyện cán bộ chưa được thực hiện nền nếp, khoa học, chưa đảm bảo tính kế thừa, chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ, tình trạng hẫng hụt cán bộ trẻ, cán bộ nữ trong đội ngũ cán bộ có nguy cơ cao. Công tác thống kê, phát hiện, theo dõi, chọn lọc để đưa vào đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm chưa được thực hiện bài bản, đồng bộ, toàn diện; chưa có kế hoạch, cơ chế và chính sách cụ thể để xây dựng, tạo nguồn đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Cơ cấu ba độ tuổi tham gia cấp ủy, cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp chưa đảm bảo, tuổi bình quân cao, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ là lãnh đạo chủ chốt các cấp còn thấp, cụ thể

- Về độ tuổi cán bộ tham gia cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp:

+ Cấp huyện: Tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện mới đạt 12,1%, chưa đạt tỷ lệ theo Nghị quyết của Trung ương; cán bộ trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ cao 22%; chưa có cán bộ trẻ tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy; cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi ở các cơ quan, đơn vị cấp huyện đạt tỷ lệ thấp 15,1% và phân bố không đều ở các cơ quan, đơn vị.

+ Cấp xã, thị trấn: Tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia Ban Thường vụ mới đạt 5%, chưa đạt tỷ lệ theo Nghị quyết của Trung ương.

- Về tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp:

+ Cấp huyện: Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ ở các cơ quan, đơn vị cấp huyện phân bố không đồng đều ở các cơ quan, đơn vị, cấp trưởng mới đạt 13,7%, trong khi đó cấp phó đạt 65,5%, nhiều cơ quan không có cán bộ lãnh đạo là nữ.

+ Cấp xã, thị trấn: Các chức danh chủ chốt bí thư, phó bí thư là nữ chiếm tỷ lệ thấp 8,5%.

+ Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra.

- Về tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số: Cơ cấu người dân tộc thiểu số là lãnh đạo, quản lý chưa đồng đều. Trong số cán bộ lãnh đạo quản lý người dân tộc thiểu số: Dân tộc Mông chiếm tỷ lệ lớn; dân tộc Tày có tỷ lệ số lượng đông thứ 2 trong số các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, số lượng người dân tộc Dao tham gia ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy chiếm 7,6%, người dân tộc Lô Lô chiếm 7,6% trong tổng số cán bộ người dân tộc thiểu số là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy.

Về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

- Về khách quan: Đồng Văn là huyện vùng cao, biên giới, kinh tế - xã hội, giao thông còn đặc biệt khó khăn. Công tác tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số còn chưa được quan tâm đúng mức.

- Về chủ quan:

Một số cấp ủy đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; chưa quan tâm đúng mức đến công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ; công tác luân chuyển cán bộ còn ít, hiệu quả chưa cao; công tác đánh giá cán bộ chưa sát, còn mang tính hình thức; công tác quản lý cán bộ, đảng viên có lúc, có nơi còn lỏng lẻo, hình thức, chưa được coi trọng. Các chính sách về công tác cán bộ còn chưa đủ mạnh để thu hút người có trình độ cao về công tác tại huyện.

Việc tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý từ đội ngũ cán bộ trẻ chưa được cấp ủy, chính quyền các cấp thực sự quan tâm; công tác quy hoạch ở một số cơ quan, đơn vị chưa đảm bảo, còn mang tính cục bộ, khép kín. Một số cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa thực sự tin tưởng vào năng lực của đội ngũ cán bộ trẻ để bố trí, giao việc và tạo môi trường, điều kiện để đội ngũ này được thử thách, rèn luyện.

Nhận thức về bình đẳng giới của một bộ phận cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương chưa sâu sắc, thiếu tin tưởng vào khả năng của phụ nữ, ngại tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ nữ.

Một bộ phận cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số còn yên phận, thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện, ngại khó, ngại khổ, ngại thay đổi môi trường công tác, chưa thực sự bứt phá để phát triển.

Biên chế và chức danh lãnh đạo của từng ngành, từng cấp có hạn, do đó việc tuyển chọn, luân chuyển, bố trí cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn.

Nhằm xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Cấp uỷ huyện đã đề ra quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ, năng động, sáng tạo cụ thể;

Về quan điểm; Tập trung xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, được xác định là một trong những khâu đột phá của công tác cán bộ. Bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện để cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho huyện, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ban, ngành, cơ quan, đơn vị và cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiêu số là trách nhiệm của cả hệ thông chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu, trong đó cơ quan tổ chức cán bộ là nòng cốt.

Về mục tiêu cụ thể; đối với giai đoạn 2023 - 2025

- Phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ: Đạt từ  20 đến 25% trở lên trong tổng số cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện uỷ quản lý; tham gia cấp ủy viên cấp huyện đạt từ 15 % trở lên; là ủy viên Ban Thường vụ cấp huyện đạt từ 8 đến 10 % trở lên.

- Phấn đấu tỷ lệ cán bộ nữ: Đạt từ  20 % trở lên trong tổng số cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện uỷ quản lý; tham gia cấp ủy viên cấp huyện đạt từ 17 % trở lên. Có cán bộ nữ trong quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý từ cấp xã và tương đương trở lên.

- Phấn đấu tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số: Đạt từ  70 % trở lên trong tổng số cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý; tham gia cấp ủy viên cấp huyện đạt từ  65 % trở lên, với cơ cấu dân tộc phù hợp; tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy có cơ cấu phù hợp.

- Phấn đấu tỷ lệ quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025: Cán bộ trẻ từ 10 % trở lên, cán bộ nữ từ 20 % trở lên; cấp xã, thị trấn phải có cán bộ nữ trong quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý; tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp.

Đối với giai đoạn 2025 -2030

- Phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ: Giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý đạt từ 10 % trở lên trong tổng số cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý và có trình độ tin học, ngoại ngữ chuẩn khung năng lực theo yêu cầu của vị trí việc làm; tham gia cấp ủy viên cấp huyện đạt từ 10 % trở lên; là ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện đạt từ 7% trở lên.

- Phấn đấu tỷ lệ cán bộ nữ giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý đạt từ 20% trở lên; tham gia cấp ủy viên cấp huyện đạt từ 15% trở lên; tiếp tục duy trì tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy.

- Phấn đấu tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số: Giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý đạt từ 50 % trở lên trong tổng số cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý; tham gia cấp ủy viên cấp huyện đạt từ 70% trở lên, với cơ cấu dân tộc phù hợp; phấn đấu tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số có cơ cấu phù hợp tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy; là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và ủy viên Ban Thường vụ Huyện uỷ.

- Phấn đấu tỷ lệ quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2025 - 2030: Cán bộ trẻ từ 20% trở lên, cán bộ nữ từ 25% trở lên; cấp xã, thị trấn và tương đương trở lên phải có cán bộ nữ trong quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý; tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp.

Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đồng Văn giai đoạn 2023-2025 định hướng đến năm 2030 trong thời gian tới theo ông Triệu Long Giang - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ cần phải tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp thiết, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới và công tác xây dựng, tạo nguồn cán bộ từ đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Xác định rõ việc xây dựng và tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, là một trong những tiêu chí đế xem xét thi đua, khen thưởng và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.

  Thứ hai, tập trung thực hiện đồng bộ một số khâu trong công tác cán bộ, tạo bước chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

Về giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đồng Văn giai đoạn 2023-2025 định hướng đến năm 2030 cần tập trung vào các nhóm giải pháp sau:

Nhóm giải pháp về tuyển dụng công chức, viên chức, làm tốt công tác phối hợp với cơ quan chuyên môn nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức thông qua việc phân cấp, phân quyền, cải tiến quy trình, thủ tục tuyển dụng theo quy định, đảm bảo thực chất, công khai, minh bạch và phải bảo đảm tuyển dụng theo vị trí việc làm và tuyển chọn được công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu công việc.

Nhóm giải pháp về quy hoạch, khi xây dựng quy hoạch chức danh lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, cán bộ chủ chốt cấp xã và tương đương, phải đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo chỉ tiêu đã xác định, cấp ủy có thẩm quyền không phê duyệt quy hoạch nếu chưa đảm bảo tỷ lệ nữ, trẻ, dân tộc thiểu số (trừ trường hợp cơ quan, đơn vị đặc thù, không có nguồn cán bộ). Hằng năm, các cấp ủy, tổ chức đảng xem xét, thực hiện quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch thì ưu tiên bổ sung vào quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiếu số nhằm tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý của các phòng, ban, ngành vào cấp ủy, ban thường cấp ủy và các chức danh chủ chốt cấp huyện.

Cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số đã được quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý cần xem xét, lựa chọn, đánh giá, luân chuyển từ huyện về xã, thị trấn và giữa các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị trong huyện nhằm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ và làm cơ sở lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ.

Nhóm giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng, trên cơ sở nguồn cán bộ được quy hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 và nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031, hằng năm tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu đào tạo, lựa chọn, đề xuất danh sách, số lượng người cụ thể cần đào tạo, bồi dưỡng; loại hình, nội dung đào tạo bồi dưỡng. Căn cứ số lượng cụ thể để ưu tiên bổ sung cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số vào danh sách các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo chỉ tiêu của Trung ương, của tỉnh, bảo đảm hài hòa tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Tạo điều kiện để cán bộ trẻ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia các lớp đào tạo lý luận chính trị, nhất là đào tạo cao cấp lý luận chính trị.

Nhóm giải pháp về luân chuyển cán bộ, căn cứ quy định của Trung ương, của tỉnh về luân chuyển cán bộ, các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt mục đích, yêu cầu, quan điểm, phương châm, nguyên tắc về công tác luân chuyển cán bộ; xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, giai đoạn 2023 - 2025. Công tác luân chuyển phải đặc biệt chú trọng đến mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiếu số để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho huyện.

Nhóm giải pháp về công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, tập thể, người đứng đầu cấp uỷ đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xây dựng, giới thiệu nhân sự khi có yêu cầu về điều động, luân chuyển và thực hiện chính sách đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và chủ động giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân trong diện cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số nhằm tạo môi trường làm việc, rèn luyện, thử thách, phát huy năng lực, trình độ, sở trường của cán bộ, đồng thời có trách nhiệm bố trí, sử dụng, nhận xét, đánh giá cán bộ.

Có cơ chế đánh giá, mạnh dạn bố trí, bổ nhiệm đối với số cán bộ đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chức danh, có bản lĩnh, thực sự có năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Thực hiện tốt chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Nhóm giải pháp về đánh giá cán bộ, trên cơ sở quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, các cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ, cụ thể, thiết thực; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp quản lý cán bộ, theo hướng tăng cường phân cấp, tăng thẩm quyền, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong quản lý và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Có cơ chế xem xét đề bạt bổ nhiệm chức vụ cao hơn đối với cán bộ luân chuyển hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…

Nguyễn Văn Hoàn - Ban Tổ chức Huyện uỷ Đồng Văn.

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập