Lịch sử hình thành

Huyện Đồng Văn 115 năm phát triển và trưởng thành (01/01/1906 – 01/01/2021)

28/12/2020 08:52 2294 lượt xem

TTTĐT: Đồng Văn là vùng đất cổ, đã có lịch sử hào hùng, oanh liệt hàng ngàn năm, gắn bó với sự hình thành, phát triển của tỉnh Hà Giang, của dân tộc và của Đất nước Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, mảnh đất Đồng Văn đã để lại những dấu ấn lịch sử có giá trị và ý nghĩa to lớn cả về vật chất và tinh thần. Để hôm nay, chúng ta tự hào cùng ôn lại ý nghĩa lịch sử, tri ân công lao của lớp lớp thế hệ những người đã cống hiến cho sự nghiệp phát triển của Đồng Văn.

Ngược dòng lịch sử, trong suốt các triều đại phong kiến Việt Nam , địa danh Đồng Văn chưa xuất hiện. Thời kỳ Pháp thuộc, ngày 20/8/1891, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định, theo đó vùng đất Hà Giang lúc này thuộc Đạo quan binh 2. Đồng Văn thuộc phủ Tương Yên, đạo quan binh 2 - Hà Giang.

Đến cuối năm 1899, về mặt lãnh thổ, quân đội thực dân Pháp có các quyền lực về dân sự ở 4 đạo quan binh. Theo đó, Hà Giang thuộc về đạo quan binh 3 - Tuyên Quang: gồm các tiểu khu Tuyên Quang, Hà Giang, Vĩnh Tuy. Thời kỳ này, Đồng Văn thuộc đạo quan binh 3 - Hà Giang.

  Về địa danh Đồng Văn, địa danh Đồng Văn được xuất hiện lần đầu tiên tại Nghị định 60 ngày 17/6/1904, do Tướng chỉ huy tối cao quân đội Đông Dương ban hành, lập khu vực Đồng Văn, Lũng Cú và Má Lủng Kha thành công xã, gọi chung là Đồng Văn. Danh giới của công xã Đồng Văn thời điểm này như sau:

           * Ở phía Tây là bộ tộc người Mèo Tia Bình, tiếp đó là biên giới với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc từ Má Là đến Lũng Cú.

  * Ở phía Bắc là đoạn vòng của sông Pon Mei Hồ hoặc còn gọi là sông Nho Quế.

           * Ở phía Đông là từ sông Nho Quế đến tận khe Danh Liếp tức là hẻm vực Mã Pì Lèng hiện nay.

           * Ở phía Nam là đất của bộ tộc người Mèo ở Mèo Vạc.

Đến ngày 28/11/1905, Quyền Toàn quyền Đông Dương, ban hành nghị định kể từ ngày 01/01/1906 thiết lập các trung tâm hành chính tại các Đạo quan binh 2, 3 và 4. Theo đó, tại Đạo quan binh 3 có thêm 4 trung tâm hành chính là:

           * Đồng Văn, gồm tổng Đông Minh và Quang Mậu.

           * Quản Bạ là tổng Yên Bình.

* Hoàng Su Phì là tổng Tụ Nhân.

           * Bắc Quang, gồm các tổng Bằng Hành; Trinh Tường; Mục Hà và Tiên Yên. Năm 1915, Tiểu quân khu Bảo Lạc - thuộc đạo quan binh 2, được chia thành 3 đạo, còn gọi là châu: Đạo Bảo Lạc, do một viên đại úy làm Đại diện chỉ huy và 1 Quan đạo làm trợ lý. Đạo Đồng Văn do một viên đại úy chỉ huy và Đạo Yên Minh do một viên trung úy chỉ huy. Từ ngày 1/7/1921, đạo Yên Minh bị xóa bỏ theo Nghị định số 1461, ngày 18/6/1921 của Thống sứ Bắc Kỳ để sáp nhập vào đạo Đồng Văn và được đặt dưới sự cai quản của Bang tá Đồng Văn.

Đến cuối năm 1929, Đạo quan binh 3 có 4 đơn vị hành chính là Châu Vị Xuyên, châu Bắc Quang, châu Hoàng Su Phì và châu Đồng Văn. Theo đó, Châu Đồng Văn có 2 tổng là: Quang Mậu gồm: 4 xã, 101 làng; Đông Minh gồm 14 xã, 364 làng, cụ thể như sau:

           * Tổng Quang Mậu: 4 xã gồm: Đồng Văn, Sủng Máng, Sơn Vĩ, Niêm Sơn.

           * Tổng Đông Minh 14 xã gồm: Yên Minh, Mậu Duệ, Bạch Đích, Na Khê, Ngam La, Sà Phìn, Mèo Vạc, Lũng Chinh, Lũng Tỉnh, Phó Cáo, Sủng Là, Vần Chải, Đường Thượng, Lũng Phìn.

Trong mỗi đơn vị hành chính trên của Đạo quan binh 3 đều có 1 Tòa án đệ nhất cấp. Tòa án này chỉ có 1 quan tòa, đó chính là người đứng đầu của đơn vị hành chính, như ở Vị Xuyên là Tri phủ; ở Bắc Quang, Hoàng Su Phì và Đồng Văn là các Tri châu; ở Sà Phìn là Bang tá. Tại thành phố Hà Giang, có Tòa án đệ nhị cấp - Tòa cấp tỉnh, do Chánh tòa người Pháp cai quản, dưới sự trợ giúp của Bố chính.

Hiện nay có 1 thị trấn và 5 xã của huyện Đồng Văn thuộc các tổng nêu trên, bao gồm: thị trấn Đồng Văn thuộc tổng Quang Mậu; 5 xã: Sà Phìn, Phố Cáo, Sủng Là, Vần Chải, Lũng Phìn thuộc tổng Đông Minh.

 Như vậy: Từ ngày 01/01/1906 đến cuối năm 1929 mặc dù địa danh Đồng Văn có sự thay đổi, nhưng đến cuối năm 1929 vẫn giữ nguyên 2 tổng là Quang Mậu và Đông Minh.

 

 

 

Hệ thống cai trị thời Pháp thuộc tại huyện Đồng Văn 

Với những chứng cứ tư liệu lịch sử nêu trên, Tại hội thảo khoa học về xác định ngày, tháng, năm thành lập tỉnh Hà Giang và một số huyện thuộc tỉnh do Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức ngày 16/11/2015, ý kiến của các nhà khoa học đã xác định ngày 01/01/1906 là ngày thành lập huyện Đồng Văn, kết quả Hội thảo đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đồng ý tại kết luận số 10-KL/TU ngày 27/11/2015 về kết quả Hội thảo khoa học xác định ngày, tháng, năm thành lập tỉnh Hà Giang và một số huyện thuộc tỉnh.

 

 

Ngày 24/12/2015, Ban Thường vụ Huyện ủy Đồng Văn đã chỉ đạo thông báo kết quả Hội thảo về ngày thành lập huyện trước kỳ họp thứ 11 - HĐND huyện khóa XIX, nhiệm kỳ 2011 – 2016 cho các đại biểu để tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong đại biểu HĐND và các tầng lớp nhân dân.

Từ cuối năm 1929 đến sau cách mạng tháng 8/1945 địa danh Đồng Văn cơ bản không thay đổi, đến năm 1961 địa danh Đồng Văn thay đổi như sau:

* Quyết định số 91-CP ngày 5.7.1961 của Hội đồng Chính phủ: Chia 13 xã thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, khu tự trị Việt Bắc thành những xã mới: tổng 43 xã.

          - Chia xã Đồng Văn thành 4 xã mới là: Xã Lũng Cú, Xã Ma Lé, Đồng Văn, Pải Lủng

        - Chia xã Sà Phìn thành 6 xã mới là: Lũng Táo, Thài Phìn Tủng, Sà Phìn, Sính Lủng, Tả Phìn, Tả Lủng.

        - Chia xã Mèo Vạc thành 5 xã mới là: Thống nhất, Hòa Bình, Đoàn kết, Tự do, Lũng Phù.

          - Chia xã Sơn Vỹ thành 3  xã mới là: Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ.

          - Chia xã Niêm Sơn thành 3 xã mới là: Khâu Vai, Niêm SƠn, Tát Ngà.

          - Chia xã Lũng Chinh thành 2 xã mới là: Sủng Chà, Lũng Chinh.

          - Chia xã Mậu Duệ thành 2 xã mới là: Nậm Ban, Mậu Duệ

          - Chia xã Vần Chải thành 2 xã mới là: Lũng Thầu, Vần Chải

          - Chia xã Lũng Phìn thành 4 xã mới là: Sảng Tủng, Hố Quáng Phìn, Sủng Trái, Lũng Phìn

          - Chia xã Sủng Là thành 1 thị trấn, 2 xã mới là: Thị trấn Phố Bảng, xã Phố Là, Sủng Là.

          - Chia xã Phú Lũng thành 3 xã mới là: Phìn Lồ, Thắng Mố, Sủng Tráng.

          - Chia xã Cán Tý thành 4 xã mới là: Bát Đại Sơn, Cán Tỷ, Lao Và Chải, Lùng Tám.

          - Chia xã Đường Thượng thành 2 xã mới là: Đường Thượng, Lũng Hồ.

** Quyết định số 328-NV ngày 13.12.1962 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Đổi tên các xã dưới đây của tỉnh Hà Giang: trong đó có 4 xã thuộc huyện Đồng Văn:

        - Xã Hòa Bình đổi tên là xã Mèo Vạc

        - Xã Tự Do đổi tên là xã Cán Chú Phìn

        - Xã Thống Nhất đổi tên là xã Pả  Vi

        - Xã Phìn Lồ đổi tên là xã Phú Lũng

  

 

Chợ được hình thành từ những năm 1924, nay là Phố cổ Đồng Văn

*** Quyết định số 211-CP ngày 15.12.1962 của Hội đồng Chính phủ ban hành về Chia và sáp nhập các đơn vị hành chính thuộc tỉnh Hà Giang.

Chia huyện Đồng Văn và huyện Vị Xuyên thành 5 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ và Vị Xuyên.

Theo đó Huyện Đồng Văn, gồm thị trấn Phó Bảng và 19 xã: Thắng Mố, Tả Lủng, Sảng Tủng, Sính Lủng, Lùng Táo, Phố Là, Đồng Văn, Sủng Tráng, Phú Lúng, Lũng Cú, Sà Phìn, Sủng Thải, Má Lé, Sủng Là, Lũng Thầu, Thài Phìn Tủng, Phố Cáo, Vần Chải, Tả Phìn.

**** Ngày 21.10.1982 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 179- HĐBT: Phân vạch địa giới một số xã của các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn và Yên Minh thuộc tỉnh Hà Tuyên. Tách 4 xã: Phú Lũng, Thắng Mố, Sủng Cháng, Sủng Thài của huyện Đồng Văn, để sáp nhập vào huyện Yên Minh cùng tỉnh; tách 3 xã: Hố Quáng Phìn, Sủng Trái, Lũng Phìn của huyện Mèo Vạc được sáp nhập vào huyện Đồng Văn.

Từ năm 1982 đến nay, các đơn vị hành chính cấp xã không có sự thay đổi. Đến nay, toàn huyện có 17 xã và 2 thị trấn với 225 thôn, bản, trong đó có 7 xã và 2 thị trấn giáp biên giới Trung quốc, với chiều dài đường biên giới trên 54km, dân số trên 73 nghìn người, gồm 17 dân tộc cùng sinh sống.

Nằm ở cực bắc địa đầu Tổ quốc, Đồng Văn luôn được xem như "phên dậu" đảm bảo cho biên giới luôn bình yên. Ngay từ buổi đầu dựng nước, vùng đất Đồng Văn đã thường xuyên là địa bàn diễn ra chiến sự ác liệt, chống các thế lực phản động và ngoại bang xâm lược; do đó, nơi đây đã sớm hun đúc truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm.

Vào cuối thể kỷ 11, sau khi đánh bại quân xâm lược nhà Tống, Thái úy Lý Thường Kiệt đã cho treo một lá cờ trấn ải biên thùy tại Lũng Cú, và từ đó, nơi đây được người dân coi như cột mốc cao nhất đánh dấu biên cương lãnh thổ, và sau này, Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng theo vị trí đó đặt trống báo cầm canh.

Thời kỳ Pháp thuộc, lần đầu tiên người Pháp đến Hà Giang vào năm 1886 và phải đến năm 1887 thực dân Pháp mới căn bản chiếm được Hà Giang. Từ khi chiếm đóng Hà Giang, thực dân Pháp đã thiết lập bộ máy thống trị từ Tỉnh đến các Châu, Tổng và Xã. Chúng thi hành chế độ “quân sự quản chế” lập ra đạo quan binh để kiểm soát mọi công việc hành chính ở địa phương.

Trong những năm 1909 - 1913 đã có nhiều cuộc đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp ở Đồng Văn. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh vũ trang của thủ lĩnh người Mông Sùng Mí Chảng, nghĩa quân đã lấy núi Tù Sán làm căn cứ để chống thực dân Pháp. Chỉ trong thời gian ngắn từ đầu năm 1911 đến tháng 3/1911 đã tập hợp được hàng ngàn người, trong đó có gần 200 tay súng. Cuộc khởi nghĩa đã làm cho quan binh thực dân Pháp đã nhiều lần phải điêu đứng bởi liên tục bị các toán quân khởi nghĩa do thủ lĩnh người Mông Sùng Mí Chảng chỉ huy tập kích. Đáng tiếc, khởi nghĩa Sùng Mí Chảng không có điều kiện liên kết rộng rãi với thủ lĩnh dân tộc của các nơi khác trong vùng, lại thiếu chặt chẽ trong tổ chức nên đã bị thực dân Pháp cài người, mua chuộc, phá hoại làm tan rã.

          

 

Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang mở Con đường hạnh phúc, khởi công ngày 10/9/1959 (Theo Dulịch24) 

Vương Chính Đức là một thủ lĩnh có thế lực lớn của người Mông ở Đồng Văn, với tư tưởng “địa phương tự trị” ông thành lập đội quân người Mông, huy động dân chúng kiên quyết chống lại mọi sự xâm lược từ bên ngoài, đặc biệt là đội quân Cờ đen, Quân Tưởng và cả thực dân Pháp. Trước sự đấu tranh kiên cường của đội quân người Mông buộc thực dân Pháp và chính quyền Phong kiến trung ương phải thừa nhận quyền tự trị của người Mông ở Đồng Văn từ tháng 10/1913.

Đến ngày 11/4/1923 Thống sứ Bắc Kỳ ban hành Nghị định số 1123 - I, theo đó Vương Chính Đức - hàm Chánh Bát phẩm Bá hộ được bổ nhiệm với tư cách ngoại lệ làm Bang tá của vùng Sa Phìn, trong khi vẫn giữ ngôi vị thủ lĩnh các bộ tộc Người Mông ở Đồng Văn. Cùng trong năm 1923, vua Khải Định sắc phong tước hiệu “Biên viễn khả phong đại thần” cho Bang tá Vương Chính Đức cùng với bức hoành phi: “Biên Chính Khả Phong” nghĩa là: “chính quyền biên cương”.

Khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, phong trào Việt Minh được gây dựng, phát triển khắp Đồng Văn. Từ đội du kích tự vệ cứu quốc đầu tiên ở Đường Thượng - tháng 9/1944, lực lượng vũ trang các mạng ở Đồng Văn hình thành, tham gia vận động cách mạng, tập hợp quần chúng đứng lên đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp, Phát xít Nhật giành chính quyền về tay nhân dân.

Cách mạng tháng 8 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Vương Chí Sình được Bác Hồ cảm hóa theo cách mạng. Do có tầm ảnh hưởng lớn đối với đồng bào dân tộc Mông ở Đồng Văn, Vương Chí Sình được Hồ Chủ Tịch giao cho làm Chủ tịch ủy ban hành chính huyện và trở thành đại biểu Quốc hội khóa I, khóa II; là chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Đồng Văn từ năm 1946 – 1962.

Như vậy, ở Đồng Văn không có cuộc đấu tranh giành chính quyền như nơi khác mà ta thừa nhận chính quyền của Thổ ty phong kiến để từng bước cải tạo thành chính quyền dân chủ nhân dân.

Do có thế lực quân sự mạnh và tư tưởng “địa phương tự trị” Vương Chí Sình đã giữ được vùng Đồng Văn yên ổn trong gần 10 năm, từ 1946 - 1954 tránh được sự can thiệp của thực dân Pháp - Tưởng trong khi phong trào cách mạng ở các địa phương khác còn nhiều khó khăn. Đây là công lao lớn nhất của Vương Chí Sình đối với phong trào cách mạng ở Đồng Văn.

Bước sang năm 1957, khi xảy ra cuộc bạo loạn tại Nậm Trinh - Trung Quốc, nhân cơ hội này, bọn phản động ở Đồng Văn nổi dậy cướp chính quyền nhưng đã bị ta phát hiện và dập tắt.

Đến năm 1959, bọn phản động ở Đồng Văn đã họp với đặc vụ Quốc dân đảng vạch kế hoạch nổi loạn, chúng phản ứng rất mạnh, kích động quần chúng, đe dọa cán bộ, kích động lôi kéo quần chúng và du kích chống lại cách mạng.

Với sự quyết tâm cao của ta, đến ngày 30 tết Canh Tý - tức ngày  27/01/1960, ta truy quét phỉ đến Mã Sồ xã Lũng Táo, và đến ngày 01/01 tết canh Tý - tức 28/01/1960, ta giải phóng Mã Sồ, chiến dịch tiễu phỉ ở Đồng Văn giành được thắng lợi, vụ bạo loạn cơ bản bị dập tắt, còn một số tên tướng Phỉ ngoan cố lẩn trốn trong rừng sâu, hang đá sau đó phải lần lượt ra hàng hoặc bị bắt.

Vụ bạo loạn ở Đồng Văn được dập tắt, đó là một thắng lợi có ý nghĩa sâu sắc, ta đã đập tan âm mưu muốn tách cao nguyên đá Đồng Văn ra khỏi bản đồ Việt Nam để thành lập “ngũ xã tự trị” của người Mông của bọn phản động, tay sai và thực dân, đến Quốc.

Sau chiến dịch tiễu Phỉ ở Đồng Văn tiểu đội trưởng Công an vũ trang Mai Xuân Hùng được kết nạp ngay vào đảng; huyện đội trưởng Mã Chính Lâm được thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất và được gặp Bác Hồ; xã đội phó xã Vần Chải, Sùng Dúng Lù được Chủ tịch nước tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” ngày 01/01/1967. Biết bao tấm gương tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã trở thành biểu tượng của lẽ sống, niềm tin của nhân dân; nhiều tên đất, tên người đã mãi tạc vào lịch sử; làm vẻ vang truyền thống quê hương Đồng Văn.

Từ sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, trụ sở của huyện Đồng Văn đặt tại Yên Minh, đến cuối năm 1949, cơ quan Huyện ủy, Mặt trận huyện và các tổ chức quần chúng được di chuyển từ Yên Minh lên xã Đồng Văn, khi này Ủy ban hành chính huyện vẫn ở Yên Minh, sau đó cơ quan Huyện ủy, Mặt trận và các tổ chức quần chúng chuyển từ Đồng Văn về Phố Bảng. Cuối năm 1950, ủy ban hành chính huyện chuyển từ Yên Minh lên Phố Bảng.

Giai đoạn 1950 - 1977, trung tâm huyện lỵ đặt tại thị trấn Phố Bảng, đến năm 1978 tình hình an ninh trên tuyến biên giới tỉnh Hà Tuyên xấu đi, trong bối cảnh đó, huyện đã thực hiện di chuyển từ thị trấn Phố Bảng về xã Đồng Văn.

Sau 6 năm trụ sở các cơ quan huyện đặt tại Đồng Văn, đến năm 1984, để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ, huyện sơ tán đến xã Sính Lủng. đến năm 1985 trụ sở huyện chuyển đến thôn Sủng Lỳ xã Lũng Phìn; cuối năm 1989 tiếp tục chuyển từ Sủng Lỳ về thôn Mao Sao Phìn, xã Lũng Phìn vì ở đây có giao thông, đất đai, sinh hoạt tiện lợi hơn, có điều kiện lãnh, chỉ đạo của huyện với các xã biên giới và nội địa tốt hơn.

Đến đầu năm 1993 cơ quan huyện trở lại xã Đồng Văn. Ngày 01/7/1993 huyện Đồng Văn chính thức thông báo địa điểm làm việc của trụ sở mới tại xã Đồng Văn. Đây là lần thứ 5 trong vòng 16 năm, từ năm 1977 - 1993 cơ quan huyện phải di chuyển theo yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ của từng thời kỳ.

Đến nay, trung tâm huyện lỵ đặt tại thị trấn Đồng Văn đã được Đảng, Nhà nước, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng đảm bảo khang trang, sạch đẹp, xứng đáng là vùng lõi, là trung tâm của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.

Trong tiến trình lịch sử đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương Đồng Văn, các thế hệ cư dân sinh sống trên vùng đất Cực bắc đã để lại cho chúng ta rất nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp. Hàng chục nghi thức văn hóa truyền thống được lữu giữ như: lễ cúng tổ tiên của Dân tộc Lô Lô, lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo, lễ cúng thần rừng của dân tộc Cờ Lao; nghệ thuật khèn Mông của dân tộc Mông; lễ cầu mưa, lễ mừng lúa mới của dân tộc Tày; … các làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số…. Các di tích như Phố cổ Đồng Văn, Nhà vương Sà Phìn, Cột cờ Lũng Cú… , các địa danh đã đi vào lịch sử như, núi Tù Sán, Núi Má Sồ, đỉnh cao 1911, Hang Sảo Há xã Vần Chải, đồn cao Đồng Văn… đã tạo nên nét đặc sắc phong phú cho vùng cao nguyên đá. Cùng với nét đặc sắc của địa chất, địa mạo và các di sản địa chất vùng cao nguyên đá như, hóa thạch trùng thoi ở Đồng Văn, bọ ba thùy ở Lũng Cú, hóa thạch tay cuộn ở Ma Lé,… tri thức thổ canh hốc đá của cư dân 4 huyện vùng cao Hà Giang và nghệ thuật khèn của người Mông Hà Giang tiếp tục được bộ văn hóa công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, cụm cây đa Thiên Hương được công nhận cụm cây đa di sản…tháng 10/2010 Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn vinh dự được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và đã 2 lần tái công nhận, là cơ hội mở ra cho 4 huyện vùng cao nguyên đá, cho huyện Đồng Văn trong xây dựng định hướng về bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc, bảo tồn đa dạng sinh học và địa chất, địa mạo, phát triển kinh tế, phát triển du lịch, dịch vụ xóa đói giảm nghèo bền vững. Đến nay, trên địa bàn huyện Đồng Văn có 12 di tích lịch sử văn hóa, 03 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Tỉnh công nhận là tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp Tỉnh trong đó: Có 6 Di tích được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch công nhận:1. Di tích Kiến trúc - nghệ thuật khu nhà Vương - xã Sà Phìn; 2. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cột cờ Lũng Cú; 3. Di tích Kiên trúc nghệ thuật Phố cổ Đồng; 4. Di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh khu vực hóa thạch tay cuộn tại xã Ma Lé; 5. Lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô - xã Lũng Cú; 6. Lễ cúng thần rừng và lễ xuống đồng của người Pu Péo - xã Phố Là. Và 08 di tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh.

Đặc biệt Lễ hội hoa Tam giác mạch lần đầu tiên được tỉnh tổ chức tại Đồng Văn năm 2015 và duy trì thường niên lần thứ V, năm 2019 do huyện Đồng Văn đăng cai đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách trong nước và quốc tế. Đó là niềm tự hào của lớp lớp thế hệ những người sinh ra, lớn lên, những người đã cống hiến cho sự phát triển của Đồng Văn trong 115 năm qua.

   

 

 

Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn

115 xây dựng và trưởng thành, Đồng Văn đã trải qua vô vàn khó khăn, thử thách và đã làm nên những chiến công kỳ vĩ. Trước năm 1959 toàn khu vực cao nguyên Đồng Văn chưa có đường ô tô, phương tiện đi lại chủ yếu bằng ngựa hoặc đi bộ. Ngày 10/9/1959 tuyến đường Hạnh phúc, Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc được khởi công, các xã có trục đường đi qua nhân dân đều tự nguyện tháo dỡ nhà, và dùng mọi phương tiện để tham gia làm đường, đến ngày 12/3/1965 tuyến đường được khánh thành. Lần đầu tiên trong lịch sử, con đường giao thông chiến lược được hoàn thành thành bằng ý chí và sức lao động thủ công là chính, kết quả đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh cho cả 4 huyện vùng cao núi đá.

 

 

Tuyến đường Hạnh phúc chạy qua 6 xã của huyện, các xã còn lại chưa có đường ô tô. Trước thực tế đó, tháng 7/1976 huyện đã huy động dân công khởi công mở mới tuyến đường ô tô từ Sà Phìn - Lũng Táo đi Má Lé tới xã Lũng Cú, sau 3 năm thi công, đến cuối năm 1978 tuyến đường hoàn thành với chiều dài trên 20 km. Tuyến đường ô tô đến xã Lũng Cú còn mang ý nghĩa lớn lao đó là: đất nước thống nhất nối liền một dải từ Lũng Cú đến Mũi Cà Mau, cũng từ đó, huyện Đồng Văn cho dựng lại cột cờ bằng cây Sa mộc trên đỉnh núi rồng và chỉ đạo lực lượng vũ trang cho canh gác ngày đêm để khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia. Năm 2000 cột cờ được xây dựng bê tông, cốt thép thay thế cột cờ cũ, đến năm 2010 được trùng tu, tôn tạo lại như ngày hôm nay.

Giai đoạn 1996 - 2000 huyện đã huy động xây dựng 15 công trình giao thông, trong đó mở mới trên 72km đường ô tô, 29 km đường dân sinh, tổng số trên 17 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp ngày công gần 9 tỷ đồng, với nỗ lực đó, đến năm 2000 huyện Đồng Văn có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Đến năm 2005 có 12/19 xã có đường nhựa tới trung tâm xã; mở mới 106 km  đường giao thông nông thôn loại B, 290 km đường liên thôn. Đến nay, 100% các xã, thị trấn đã có đường nhựa tới trung tâm xã, các tuyến đường liên xã đều đã được mở, các thôn bản đều có đường dân sinh... kết quả đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

115 xây dựng và trưởng thành, mặc dù điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội của huyện còn nhiều khó khăn. Song, Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn đã chủ động vượt qua khó khăn, thử thách cùng với tỉnh Hà Giang và cả nước bước vào thời kỳ đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Đến nay, kinh tế của huyện luôn có sự tăng trưởng ổn định, chuyển dịch tích cực và đúng hướng: Giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa trên cơ sở đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tích cực, năng suất và sản lượng của các cây trồng chính đều tăng, thu nhập bình quân trên một diện tích đất canh tác đạt 37 triệu đồng; Du lịch, dịch vụ có bước phát triển mạnh, năm 2019, Đồng Văn đón 46.327 lượt khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn huyện, trong đó khách nước ngoài 45.958 lượt, tăng 12.275 lượt so với năm 2018; doanh thu từ du lịch, dịch vụ là 175,5 tỷ, tăng 45,5 tỷ so với năm 2018.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Đồng Văn luôn được quan tâm. Ngày 06/01/1948 chi bộ Đảng ở phân khu Yên Minh được thành lập, đây chính là chi bộ đầu tiên của huyện Đồng Văn với 4 đảng viên. Đến ngày 6/3/1949 Tỉnh ủy ra quyết định thành lập Ban Huyện ủy lâm thời huyện Đồng Văn, đến thời điểm này toàn Đảng bộ huyện có 17 đảng viên.

Đầu năm 1954, cả nước dồn sức cho chiến dịch Điện Biên Phủ với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng” dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn cùng với nhân dân cả nước tích cực chuẩn bị chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Sau hòa bình lập lại năm 1954, toàn huyện Đồng Văn còn 13 xã chưa có chính quyền nhân dân, trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ huyện Đồng Văn đã có nhiều biện pháp tích cực khắc phục tình trạng yếu kém về cán bộ trên địa bàn huyện đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng.

Trải qua 72 năm xây dựng và trưởng thành, hiện nay Đảng bộ huyện Đồng Văn có 65 tổ chức cơ sở đảng, trong đó 22 đảng bộ và 43 chi bộ trực thuộc, với dần 5.000 đảng viên. Trong năm 2015, huyện đã chỉ đạo thành công Đại hội Đảng các cấp và tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, năm 2016 huyện đã chỉ đạo thành công bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân các cấp và Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 và đang chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Qua đó, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đổi mới rõ nét. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; dân chủ nhân dân ngày càng được phát huy.

Với những thành tích xuất sắc đó, năm 2003 Công an huyện Đồng Văn vinh dự được đón nhận danh hiệu “anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; năm 2005 huyện Đồng Văn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”, thôn Thiên Hương được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2013 Trung tâm Văn hóa huyện được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Bên cạnh đó có hàng trăm tập thể, cá nhân vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương các loại, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở ngành của tỉnh khen thưởng. Đó là những nhân tố mới, điển hình cho ý chí và sức sáng tạo của người Đồng Văn.

Như vậy, tháng 1 là tháng có nhiều sự kiện trọng đại đối với Đồng Văn: Từ 01/01/1906 là ngày thành lập huyện; và sau 42 năm kể từ ngày thành lập huyện đến ngày 06/01/1948 chi bộ đảng đầu tiên của Đồng Văn được thành lập, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử của huyện Đồng Văn; và sau 54 năm kể từ ngày thành lập huyện, ngày 28/1/1960 kết thúc chiến dịch tiễu Phỉ ở Đồng Văn người dân cao nguyên đá Đồng Văn thật sự được hưởng cuộc sống bình yên.

 

 

Cột cờ Quốc gia xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn

Những thành tựu của ngày hôm nay luôn gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự ủng hộ, hợp tác của bạn bè trong nước và quốc tế, sự lao động hăng say, sáng tạo không ngừng của nhân dân các dân tộc của Châu Đồng Văn xưa kia và huyện Đồng Văn hôm nay trong suốt những năm tháng qua. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Văn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan ở Trung ương; sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các sở, ban ngành của tỉnh và cá nhân các đồng chí lãnh đạo Tỉnh, lãnh đạo huyện Đồng Văn qua các thời kỳ. Cảm ơn các đơn vị kết nghĩa, các tổ chức cá nhân, các nhà hảo tâm, cũng như các huyện bạn đã luôn quan tâm, động viên, giúp đỡ huyện Đồng Văn trong suốt chặng đường phát triển thời gian qua.                                                                                                

 

Huyện Đồng Văn 115 năm phát triển và trưởng thành

Việc xác định được ngày, tháng, năm thành lập huyện có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn, đáp ứng được lòng mong mỏi của bao thế hệ đã đi tìm nguồn cội, sự ra   đời của một địa danh đã đi vào sử sách. Việc xác định được ngày, tháng, năm thành lập huyện đã làm sáng tỏ hơn về truyền thống hào hùng của nhân dân   các dân tộc Châu Đồng Văn xưa kia và huyện Đồng Văn hôm nay, giúp cho  mỗi chúng ta có cách nhìn mới, khách quan về các sự kiện lịch sử của địa phương, là lời lý giải sâu sắc cho tên gọi của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá gắn với địa danh: Đồng Văn.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập