Văn hóa - Xã hội

Đồng Văn chú trọng đào tạo nhân lực phục vụ du lịch

14/06/2018 00:00 88 lượt xem

Là vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, huyện Đồng Văn có rất nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và các điểm du lịch (DL) hấp dẫn; hàng năm thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm. Để thúc đẩy phát triển DL trên địa bàn, huyện đã có những chủ trương, chính sách cụ thể. Trong đó, việc chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho DL chính là “chìa khóa” để phát triển DL bền vững.

 Hàng năm, thực hiện theo kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho DL của tỉnh, huyện đều cử lao động trong ngành DL đi học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, như: Bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên DL, quản lý khách sạn, nhà hàng, lễ tân, phục vụ... Trung bình mỗi năm, có khoảng từ 3 – 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ với sự tham gia của trên 200 học viên là lao động trong ngành DL. Với lượng nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng ngày càng phát triển, huyện đã chú trọng tới việc đào tạo đội ngũ phục vụ, lễ tân tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng mềm, cách ứng xử khi giao tiếp với khách đảm bảo có thái độ chuyên nghiệp, đúng mực, và tạo ấn tượng đối với du khách đến ăn, nghỉ. Đặc biệt chú trọng tới việc đào tạo đội ngũ có trình độ ngoại ngữ để giao tiếp với khách nước ngoài...

Với đặc thù phát triển DL tại các điểm di tích, do đó, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các điểm là lực lượng chính. Họ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo hứng khởi cho du khách trong chuyến tham quan và là cầu nối khách DL với điểm DL. Vì vậy, trình độ, kiến thức, kỹ năng của hướng dẫn viên quyết định một phần thành công trong toàn bộ chuyến thăm. Hiện nay, huyện Đồng Văn có 12 hướng dẫn viên thuộc sự quản lý của Trung tâm Văn hóa huyện và chủ yếu hướng dẫn ở 3 điểm DL chính là: Dinh thự nhà Vương (xã Sà Phìn); Cột cờ Quốc gia Lũng Cú (xã Lũng Cú) và tại Phố cổ Đồng Văn (thị trấn Đồng Văn). Các hướng dẫn viên chính tại các điểm đều có trình độ chuyên môn cao đẳng trở lên và có kinh nghiệm thực tế, kỹ năng tốt. Huyện đã có những chính sách ưu tiên, tạo điều kiện cho con em là người địa phương đi học tập và về phục vụ tại quê hương để có sự gắn bó hơn trong công việc.

Tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, chị Lục Thị Quỳnh Anh, sinh ra và lớn lên tại thị trấn Đồng Văn; sau khi tốt nghiệp đại học về và làm hướng dẫn viên được 3 năm. Hiện, chị hướng dẫn tại điểm DL Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, chị chia sẻ: Bản thân được đào tạo bài bản về DL và có sự gắn bó với đồng bào nơi đây và có những hiểu biết về văn hóa, lịch sử nên trong quá trình giới thiệu cho khách là rất thuận lợi. Hàng năm, hướng dẫn viên DL đều được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ để nắm bắt kịp thời những cách dẫn mới và trau dồi kỹ năng… Ngoài chuyên môn chính là hướng dẫn viên, chúng tôi còn học thêm một số lớp năng khiếu như múa, hát các bài múa, bài hát của đồng bào vùng cao để giới thiệu cho du khách; vì thế, hầu hết các hướng dẫn viên đều rất “đa di năng” trong công việc.

Chị Sùng Thị Say, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Đồng Văn cho biết: Thực hiện theo kế hoạch của tỉnh, huyện và cũng là theo thực tế nguồn nhân lực tại địa phương; hàng năm, chúng tôi đều cử nhân viên đi học các lớp tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn. Đồng thời, mỗi hướng dẫn viên, thuyết minh viên đều sẽ được luân chuyển đi các điểm để đảm bảo luôn có những hiểu biết sâu về tất cả các di tích lịch sử, các điểm tham quan trên địa bàn huyện. Hiện tại, tại mỗi điểm DL chính của huyện chỉ có 4 hướng dẫn viên; vì vậy, vào những ngày cuối tuần mọi người cũng khá vất vả. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ mở rộng liên kết để bồi dưỡng, đào tạo thêm nhân lực để phục vụ tốt hơn cho hoạt động DL.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập