Văn hóa - Xã hội

Duy trì và phát triển nghề đan lát truyền thống ở Sính Lủng

17/07/2018 00:00 252 lượt xem

 Từ xa xưa, nghề đan lát truyền thống đã trở thành nghề phụ làm lúc nông nhàn của bà con thôn Má Trề, xã Sính Lủng (Đồng Văn). Nghề này được duy trì và gìn giữ từ thời cha ông truyền dạy lại, với nhiều sản phẩm thủ công như: Sàng mèn mén, giỏ đựng muối,… không chỉ giúp người dân địa phương có thêm việc làm, tăng thu nhập, mà còn giúp duy trì và phát triển nghề truyền thống của dân tộc mình.

Đan lát là nghề truyền thống của người Cờ Lao sống tại thôn Má Trề. Đây cũng là nơi khởi nguồn, gắn bó và gìn giữ nghề đan lát truyền thống này đến tận ngày nay. Những đứa trẻ trong thôn mới lên 5, lên 6, đôi tay nhỏ be, thậm chí còn chưa cầm chắc cây bút nhưng đã thoăn thoắt tay đan. Được biết, trước đây, do nhu cầu sử dụng đồ dùng sinh hoạt của mỗi gia đình nên người dân đã nghĩ ra việc dùng tre đan thành những vật dụng cần thiết, những giỏ đựng đồ dùng,... Dần dần, những vật dụng này được bày bán rộng rãi tại các chợ phiên, trở thành đồ thủ công tinh sảo, được người dân ưa chuộng. Trước sự phát triển đó, nhận thấy sự cần thiết của việc gìn giữ nghề đan lát truyền thống, huyện Đồng Văn đã phê duyệt kế hoạch thành lập “Làng nghề đan lát dân tộc Cờ Lao” tại thôn, từ đó giúp tập hợp các nghệ nhân có tay nghề cao cùng chung sức gìn giữ và phát triển nghề này.

Lãnh đạo xã Sính lủng tìm hiểu sản phẩm của nghệ nhân cao tuổi nhất Làng nghề đan lát dân tộc Cờ Lao.
Lãnh đạo xã Sính lủng tìm hiểu sản phẩm của nghệ nhân cao tuổi nhất Làng nghề đan lát dân tộc Cờ Lao.

Sản phẩm đan lát của làng nghề chủ yếu là các vật dụng dùng để đựng đồ gia dụng như: Giỏ đựng muối, giỏ đựng mèn mén, sàng mèn mén. Giá mỗi sản phẩm dao động từ 30 – 40 nghìn đồng/1 chiếc. Được biết, mỗi ngày tranh thủ thời gian rảnh rỗi, các nghệ nhân có thể đan hoàn thiện được 3 – 4 sản phẩm to như: Sàng mèn mén; những giỏ đựng muối và mèn mén loại nhỏ có thể làm được nhiều hơn. Các nghệ nhân thường tự làm ở nhà, hoặc có khi cùng nhau làm tại trụ sở thôn. Nguyên liệu dùng để đan là loại tre địa phương, có độ dẻo và bền hơn loại tre thông thường. Nhà mỗi nghệ nhân trong thôn đều tự trồng ít nhất 1 bụi tre này để phục vụ cho việc đan lát. Sản phẩm hoàn thiện được bán chủ yếu tại chợ Lũng Phìn hoặc tại các điểm trưng bày và bán hàng thủ công, sản phẩm địa phương của huyện. Một số người buôn ở các xã lân cận như Phố Cáo, Mậu Duệ (Yên Minh) cũng đến tận nơi tìm mua và mang đi bán tại nhiều địa phương khác.

Làng nghề hiện có khoảng 15 nghệ nhân tham gia đan lát thường xuyên. Ông Vần Chá Pó, năm nay 61 tuổi, chia sẻ: Tôi bắt đầu học đan từ khi còn bé, đến lúc 15, 16 tuổi là đã đan thành thạo và đẹp, có thể mang ra chợ bán được. Bây giờ, mỗi ngày tranh thủ làm cũng được 3 chiếc, các con mang bán hộ ở chợ, hoặc có người đến tận nhà mua. Mỗi tháng cũng có thêm một khoản tiền khoảng 2 triệu đồng, đỡ đần thêm cho con, cháu. Anh Sình Mí Mình, Trưởng thôn Má Trề cho biết thêm: Làm nghề đan lát không tốn nhiều sức và chi phí. Các nghệ nhân hầu hết đã cao tuổi và tay nghề lâu năm nên cần mẫn, tỉ mỉ, các sản phẩm làm ra cũng được khách hàng đánh giá rất cao. Nghề đan lát này đã giúp cho người dân trong thôn không chỉ có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn giúp họ giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc mình. Chính vì vậy, chúng tôi cũng đang khuyến khích các cháu nhỏ, ngoài thời gian đi học sẽ đến đây để các nghệ nhân truyền dạy lại, để nghề truyền thống không bị mai một.

Chia sẻ về những định hướng cho việc phát triển Làng nghề đan lát dân tộc Cờ Lao, anh Thào Mí Lầu, Phó Chủ tịch UBND xã Sính Lủng cho biết: Hiện, toàn xã có khoảng 15% người dân là đồng bào dân tộc Cờ Lao, tập trung chủ yếu ở thôn Má Trề. Chính vì vậy, việc định hướng cho việc gìn giữ và phát triển nghề truyền thống có ý nghĩa về nhiều mặt. Chúng tôi cũng đã cử nghệ nhân của Làng nghề đi học tập kinh nghiệm tại làng Vạn Phúc – Hà Nội; tổ chức các lớp truyền dạy nghề cho các cháu nhỏ. Hiện tại, xã đang có những định hướng mới như cải thiện mẫu mã, tạo thêm những mẫu nhỏ gọn, phù hợp để khách du lịch mua làm quà. Đồng thời, bằng việc phối hợp với Phòng Công thương, Trung tâm VH&DL, từng bước hỗ trợ người dân trong việc quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm.

Được biết, Làng nghề đan lát dân tộc Cờ Lao đã được hỗ trợ 3 máy chẻ nan theo Quyết định 755/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Với sự hỗ trợ đó, mong muốn làng nghề sẽ ngày càng phát triển, giữ gìn giá trị truyền thống của dân tộc mình.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập