Văn hóa - Xã hội

Sẵn sàng cho tái đánh giá Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn

21/06/2018 00:00 170 lượt xem

  “Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trong huyện, đến thời điểm hiện tại, huyện Đồng Văn đã cơ bản thực hiện tốt các kế hoạch của tỉnh về nhiệm vụ xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị của Công viên Địa chất (CVĐC) toàn cầu – Cao nguyên đá Đồng Văn. Những khuyến cáo từ chuyên gia đã từng bước được khắc phục kịp thời; công tác tuyên truyền được thực hiện sâu, rộng đến mọi người dân. Đến thời điểm này, từ công tác thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển CVĐC, Đồng Văn đang sẵn sàng cho công tác tái đánh giá (TĐG) sắp tới”. Ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết.

Cán bộ Trung tâm Văn hóa và Du lịch huyện Đồng Văn tuyên truyền về công viên Địa chất tại xã Sà Phìn.
Cán bộ Trung tâm Văn hóa và Du lịch huyện Đồng Văn tuyên truyền về công viên Địa chất tại xã Sà Phìn.

Năm 2018 là năm tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng và phát triển CVĐC và chuẩn bị cho chu kỳ tái đánh giá tư cách thành viên. Ngay từ đầu năm, huyện Đồng Văn đã xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ phục vụ công tác TĐG. Xác định được 11 đầu điểm nhiệm vụ cần triển khai thực hiện và đến hiện tại đã cơ bản hoàn thành như: Bố trí, sắp xếp, dọn vệ sinh; sơn kẻ vạch các điểm dừng, đỗ xe; san gạt tạo mặt bằng khu vực thủy điện Séo Hồ, nhà cổ dân tộc Giấy xã Ma Lé; xây dựng mới các bãi đỗ xe; sửa chữa, thay mới các biển quảng cáo, pa-nô thông tin về CVĐC tại 6 điểm chốt; vệ sinh môi trường tại các điểm di sản; chỉnh trang khu vực phố cổ... Huyện cũng tích cực kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng các hạng mục với hình thức xã hội hóa một số điểm như: Điểm dừng chân tại xã Ma Lé, dốc Thẩm Mã,... và dự kiến hoàn thiện trước ngày 30.6. Huyện cũng đã vận động nhân dân đóng góp được trên 43 hiện vật như: Trang phục dân tộc Mông, Lô Lô; các loại nhạc cụ: Khèn, sáo, đàn môi; các dụng cụ sản xuất: Lưỡi cày, quẩy tấu, cối đá,... sẽ được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng văn hóa các dân tộc ngay sau khi Bảo tàng hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Đặc biệt, xác định việc tuyên truyền cho người dân để họ có nhận thức đúng đắn và chung sức bảo vệ CVĐC là hêt sức cần thiết, vì vậy, huyện chú trọng tuyên truyền đến từng người dân, ở từng độ tuổi, thông qua các buổi tuyên truyền tại chợ phiên; tại các thôn, bản; các đơn vị trường học trên địa bàn huyện; tổ chức văn nghệ, giao lưu tuyên truyền trực tiếp với người dân tại các xã, thị trấn. Cụ thể, Trung tâm Văn hóa và du lịch huyện đã thành lập tổ tuyên truyền lưu động, thực hiện tuyên truyền tại hầu hết các xã với trên 40 buổi, thu hút trên 10.800 lượt người nghe và xem; đến từng hộ dân cung cấp tài liệu. Đồng thời, in 10.000 bản tài liệu cam kết giữ gìn và phát huy giá trị của CVĐC, phát đến từng người dân, khách du lịch. Tại các trường học, chủ trương đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy, để học sinh được truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống như: Múa khèn, hát các làn điệu dân ca; tìm hiểu về CVĐC, ý nghĩa của việc bảo vệ CVĐC. Thường xuyên cho các em học sinh tham quan, trải nghiệm các điểm di tích lịch sử địa phương.

Chị Sùng Thị Say, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Du lịch huyện Đồng Văn, cho biết: Khi nhận nhiệm vụ tuyên truyền, Trung tâm đã lên kế hoạch chi tiết về nội dung và hình thức, thực hiện các buổi tuyên truyền lưu động tại 19/19 xã, thị trấn, đặc biệt tại một số xã như Sà Phìn, Lũng Cú. Cho đến nay, hầu hết người dân ở các xã khi được tuyên truyền đã có những hiểu biết cơ bản về CVĐC, ý thức được tầm quan trọng của CVĐC với phát triển du lịch huyện, từ đó chung tay cùng nhau giữ gìn, bảo vệ Cao nguyên đá Đồng Văn.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập