Tài Liệu

Bản tin nội bộ tháng 1/2023

08/11/2023 09:04 43 lượt xem

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

 

* Xuân về nhớ thơ chúc Tết của Bác Hồ

Đã hơn nửa thế kỷ chúng ta không còn có được niềm vui đón nghe thơ Bác mỗi độ Xuân về. Nhưng những vần thơ chúc Tết của Bác hầu như vẫn còn ngân vang trong trí óc nhiều người chúng ta.

Hằng năm, trước Tết 3 tháng, Bác Hồ đã nhắc nhở các cơ quan, ban, ngành chuẩn bị Tết cho nhân dân. Riêng bác cũng tự mình chuẩn bị 3 việc: Tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới; nhắc văn phòng chuẩn bị thiếp chúc mừng năm mới để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo và cán bộ công tác ở nước ngoài; và cuối cùng là lên kế hoạch đi thăm hỏi, chúc Tết nhân dân, các cơ quan, đơn vị (một chương trình riêng mà chỉ Bác và cảnh vệ biết).

Từ lâu, nhân dân ta có thói quen vào đêm Giao thừa ngóng nghe thơ chúc Tết của Bác trên làn sóng phát thanh. Trong bài thơ "Theo chân Bác", nhà thơ Tố Hữu viết: “Bác ơi! Tết đến. Giao thừa đó/Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần/Ríu rít đàn em vui pháo nổ/Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân...”.

Bài thơ chúc Tết đầu tiên của Bác là vào ngày 01/01/1942. Bác viết trên báo Việt Nam độc lập (số 114, ngày 01/01/1942):

Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi,

Nǎm cũ qua rồi, chúc nǎm mới:

Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!

Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!

Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!

Chúc Việt-minh ta càng tấn tới,

Chúc toàn quốc ta trong nǎm này

Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới!

Nǎm này là nǎm Tết vẻ vang,

Cách mệnh thành công khắp thế giới.

Tháng 8 năm ấy, Bác sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng chống Nhật của người Việt Nam ở đó thì bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam ngay gần biên giới. Bị giải qua khoảng 30 nhà lao ở Quảng Tây, Bác chịu biết bao cực khổ, nhưng như Bác tâm sự qua Nhật ký trong tù: Tai ương bản ngã lai đoàn luyện/Sử ngã tinh thần cánh khẩn trương (Nghĩ mình trong bước gian truân/Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng).

Tháng 9/1943 Bác được trả lại tự do và chắp lại liên lạc với Đảng để về nước. Xuân Giáp Thân 1944 Bác viết trên báo Đồng Minh số Xuân:

Năm cũ lịch cũ vừa qua,

Năm mới lịch mới lại tới!

Rót cốc rượu Xuân, mừng cách mạng,

Viết bài chào Tết, chúc thành công!

Tết Độc lập 1946, Bác viết bài Mừng xuân Bính Tuất, đăng trên báo Cứu quốc số 155:

Chúc đồng bào:

Trong nǎm Bính Tuất mới,

Muôn việc đều tiến tới.

Kiến quốc mau thành công,

Kháng chiến mau thắng lợi.

Việt Nam độc lập muôn nǎm!

Từ đó đều đặn năm nào Bác cũng có thơ chúc Tết chiến sĩ, đồng bào. Riêng năm 1955, Bác trở về Thủ đô vào ngày 01 tháng 01. Bác bận rộn với nhân dân Thủ đô sau ngày giải phóng và lo lắng trước việc đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, chuẩn bị gây lại chiến tranh. Năm 1957 và năm 1958, Bác chỉ có thư chúc Tết, không có thơ.

Xuân Mậu Thân 1968, Bác viết:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà,

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!

Xuân Kỷ Dậu 1969, năm cuối cùng Bác còn ăn Tết với nhân dân ta, Bác viết:

Nǎm qua thắng lợi vẻ vang,

Nǎm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.

Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào.

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,

Bắc-Nam sum họp, xuân nào vui hơn!

Lời chúc Tết cuối cùng trước khi Người đi xa đã trở thành hiện thực. Ngày 30/4/1975, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn.

Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét, “Nếu thơ trữ tình được Bác chủ yếu sử dụng chữ Hán, với những lối ví von hình ảnh, uyên thâm thì thơ Tết và thơ cổ động lại được chủ yếu viết theo chữ Quốc ngữ với lối viết giản dị, rõ ràng thể hiện tinh thần mạnh mẽ, ý chí quyết tâm của vị lãnh tụ.

Bài Chúc đồng bào năm 1946 có lời gọn như khẩu hiệu và ý rõ như hiệu triệu. Hiệu triệu mọi việc phải tiến tới. Trong đó, có hai việc lớn là kiến quốc và kháng chiến. Kiến quốc thì mau thành công. Kháng chiến thì mau thắng lợi. Bác Hồ đặt nhiệm vụ kiến quốc trước, kháng chiến sau vì đó là đầu năm 1946, khi kháng chiến mới chỉ xảy ra ở Nam Bộ. Còn sau ngày 19/12/1946, nghĩa là Thơ chúc Tết các năm 1947, 1948, 1949, 1950, 1951, 1952, 1953 thì chỉ nói đến nhiệm vụ kháng chiến. Có nói thêm thi đua và tăng gia sản xuất cũng chỉ là nói đến mấy biện pháp cần làm để kháng chiến mau thành công. Lưu ý cái đích của lời chúc không phải chập chờn giữa Thắng và Thua - phải Thắng, giữa Thành và Bại - phải Thành, mà là rọi vào chữ Mau. Thành và Thắng là cái tất yếu không bàn ở chỗ đó, mà ở chỗ phải Mau, mau đến thành công và mau đến thắng lợi”.

Đã hơn nửa thế kỷ chúng ta không còn có được niềm vui đón nghe thơ của Bác mỗi độ Xuân về. Nhưng những vần thơ chúc Tết của Bác hầu như vẫn còn ngân vang trong trí óc của nhiều người chúng ta đến ngày hôm nay. Đó là tấm lòng của Bác đối với nhân dân, đối với sự nghiệp kháng chiến, bảo vệ đất nước và xây dựng một giang sơn dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

77 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN

NGÀY 06 THÁNG 01 NĂM 1946.

* Không ngừng đổi mới vì lợi ích của dân

Cách đây 77 năm, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trên cả nước. Đây là sự kiện chính trị quan trọng trong lịch sử nước ta khi lần đầu tiên toàn thể nhân dân được hưởng quyền làm chủ trong việc sáng suốt lựa chọn, bầu ra những người đại diện xứng đáng thay mặt nhân dân gánh vác công việc chung của đất nước.

Trải qua 77 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam không ngừng đổi mới trên các lĩnh vực hoạt động, khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ

Ngay sau khi Cách mạng Tháng tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác Hồ đã chỉ đạo phải tập trung tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội).

Bác đã ký Sắc lệnh số 14, ngày 08/9/1945 và Sắc lệnh số 51, ngày 17/10/1945 về tổ chức tổng tuyển cử. Trên cơ sở sắc lệnh đó, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được tiến hành ngày 06/01/1946.

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tiến hành theo nguyên tắc dân chủ, tiến bộ, đó là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử cũng đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đổi mới công tác lập pháp

Kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đến nay, trải qua 16 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội Việt Nam không ngừng trưởng thành, đã đạt được những thành tựu quan trọng trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần to lớn vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Từ Quốc hội khóa I cho đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp (chưa kể các bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung): Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013, qua đó kế thừa và hoàn thiện Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Cùng với sự phát triển lớn mạnh của đất nước, trong 76 năm qua, nhiều đạo luật quan trọng đã được Quốc hội ban hành góp phần thể chế hóa quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện quản lý xã hội theo hiến pháp và pháp luật.

Đặc biệt, bước vào công cuộc đổi mới, việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy (quan liêu, bao cấp) sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước (điều tiết vĩ mô), nay là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi hệ thống luật pháp phải đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế.

Theo Tiến sỹ Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nếu như 7 khóa Quốc hội đầu tiên (từ năm 1946 đến đầu năm 1987), hơn 40 năm Quốc hội chỉ ban hành được 29 đạo luật, thì Quốc hội Khóa VIII (1987-1992), khóa đầu tiên bước vào công cuộc đổi mới, trong 5 năm Quốc hội đã ban hành tới 31 đạo luật; khóa IX là 41 luật và bộ luật; khóa X là 35 đạo luật; khóa XI, Quốc hội đã xây dựng 84 luật; khóa XII chỉ có 4 năm, Quốc hội cũng đã xây dựng được 67 luật và đến khóa XIII là 89 luật. Khóa XIV, từ 2016 đến cuối 2020, Quốc hội thông qua được khoảng 80 đạo luật. Các đạo luật được xây dựng trong công cuộc đổi mới, về nội dung khác đến 90 - 95% so với thời kỳ thực thi nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy. Nhìn chung, tốc độ xây dựng luật của Quốc hội trong công cuộc đổi mới tăng nhanh; chất lượng, nội dung được bảo đảm, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, góp phần đắc lực vào việc thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong quá trình phát triển, Quốc hội đã có nhiều quyết sách quan trọng như quyết định tổ chức và nhân sự cấp cao của Nhà nước; xem xét, thông qua các nghị quyết về nhiệm vụ, các kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm; phê chuẩn các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Quốc hội cũng quyết định chủ trương đầu tư xây dựng các công trình quan trọng quốc gia như: đường Hồ Chí Minh, đường dây truyền tải điện 500kv Bắc - Nam, nhà máy khí điện đạm Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà máy thủy điện Sơn La... tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tại mỗi kỳ họp, Quốc hội dành nhiều thời gian để xem xét, thảo luận về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định; tăng cường giám sát chuyên đề, tập trung vào các vấn đề bức xúc của cuộc sống mà cử tri quan tâm; nâng cao hiệu quả chất vấn và trả lời chất vấn, tạo không khí cởi mở, dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng đã tạo ra động lực để các bộ trưởng, trưởng ngành đổi mới mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Dấu ấn của Quốc hội vì dân

Thực hiện hiệu quả phương châm “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân”, Quốc hội đã đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động. Cách thức điều hành có nhiều thay đổi, việc ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng mạnh mẽ, giúp khoảng cách giữa các đại biểu với cử tri ngày càng được thu hẹp, thực sự là những đại biểu của dân, do dân và vì dân. 

Năm 2019, lần đầu tiên Quốc hội áp dụng công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và trí tuệ nhân tạo trong việc điều hành kỳ họp. Theo đó, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội thí điểm thực hiện, tất cả file âm thanh được chuyển thành chữ chạy trên màn hình của chủ tọa, giúp cho việc điều hành chính xác hơn. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chính thức việc này. Sự đổi mới này là cách để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, xây dựng Quốc hội điện tử.

Đặc biệt, năm 2020, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, một lần nữa, những dấu ấn của Quốc hội vì dân tiếp tục được thể hiện đậm nét. Trong những phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiều lần lưu ý phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Nhà nước, ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng không có nghĩa để mọi việc đình trệ. Công việc vẫn phải thực hiện trôi chảy theo kế hoạch, phải thay đổi phương thức làm việc. Nói là làm, Quốc hội đã thực hiện đổi mới bằng việc lần đầu tiên tổ chức họp trực tuyến.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV mang đấu ấn đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên trong hơn 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày trong đợt 1 (từ ngày 20-28/5). Với hình thức họp trực tuyến, đại biểu tại điểm cầu của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện đăng ký phát biểu, tranh luận qua đường dây nóng. Đại biểu tại Hội trường Diên Hồng đăng ký phát biểu và tranh luận như các kỳ họp trước. Danh sách đăng ký phát biểu được kịp thời cập nhật vào hệ thống điều hành của Đoàn Chủ tịch theo thứ tự đăng ký của đại biểu và được thể hiện trên màn hình tại Hội trường Diên Hồng. Các đại biểu Quốc hội sử dụng phần mềm cài đặt trên máy tính bảng để biểu quyết. Kết quả biểu quyết sẽ được hiện trên màn hình ở Hội trường Diên Hồng. Việc cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội vẫn được duy trì và bảo đảm thực hiện thông qua các phần mềm ứng dụng...

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận, hình thức Quốc hội họp trực tuyến thể hiện sự đổi mới, linh hoạt trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. Theo đánh giá của nhiều đại biểu, hình thức họp trực tuyến không những mang lại hiệu quả cao, mà còn có nhiều lợi thế hơn so với hình thức họp tập trung như giúp tiết kiệm về ngân sách; đại biểu ở địa phương không phải di chuyển nhiều; lãnh đạo địa phương cũng có điều kiện tham gia họp trực tuyến tại nhiều đầu cầu; nhiều cán bộ, công chức hoặc lãnh đạo các văn phòng, sở, ngành… cũng được mời tham gia họp ở các đầu cầu. Cũng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lần đầu tiên trong lịch sử của AIPA, Đại hội đồng AIPA diễn ra từ ngày 8-10/9/2020 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Với sự dẫn dắt, điều hòa của Quốc hội Việt Nam, Đại hội đồng AIPA 41 đã thành công tốt đẹp. Điều này thể hiện qua sự tham gia đông đủ, ủng hộ của các Nghị viện thành viên, các Nghị viện quan sát viên và nhiều tổ chức Nghị viện quốc tế.

Có thể nói, 77 năm qua, Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, hoạt động ngày càng chất lượng, tạo lập được sự tin tưởng và những ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri cả nước. Những thành quả này tiếp tục tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của Quốc hội trong thời gian tới, là cơ sở quan trọng để đảm bảo thành công cho sự phát triển đất nước.

                                                               Theo quốc hội.vn

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA TỈNH

* Chỉ thị số 23-CT/TU, ngày 13/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023 

Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón mừng năm mới 2023 và vui xuân, đón Tết Nguyên đán lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ mục tiêu, giải pháp chủ yếu năm 2023; thực hiện tốt các chương trình về phát triến kinh tế - xã hội; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Chỉ đạo rà soát, thống kê đầy đủ và triển khai thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội cho các gia đình, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều được vui xuân, đón Tết trong không khí yên vui, phấn khởi. Tổ chức tốt việc thăm hỏi, chúc tết các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với nước, các bậc lão thành cách mạng, các đơn vị, các lực lượng làm nhiệm vụ thường trực bảo đảm quốc phòng, an ninh, y tế, điện, nước, môi trường và các đồn biên phòng, các xã biên giới, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu. 

2. Tổ chức đón Xuân Quý Mão 2023, Tết trồng cây đảm bảo thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán của các dân tộc và từng địa phương; không lơ là, chủ quan đối với công tác phòng chống dịch Covid-19. Thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đảm bảo an toàn, tiết kiệm; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội để tụ tập gây rối, tuyên truyền luận điệu xấu, mê tín dị đoan, thu lợi bất chính.                                                      

3. Thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐi/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 16-QĐi/TU, ngày 08/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh, Bí thư cấp ủy các cấp và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh. Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không dự tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không dự các lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan; không sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động lễ hội, vui chơi và các hoạt động cá nhân.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp, lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng tăng cường tổ chức lực lượng duy trì nghiêm chế độ thường trực, chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, sẵn sàng phương án triển khai các biện pháp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, an ninh chính trị, an toàn không gian mạng và trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường đấu tranh, có biện pháp phòng ngừa hiệu quả đối với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, các công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, đối ngoại, văn hóa - xã hội của tỉnh. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ; tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ trên địa bàn. 

Tổ chức tốt các phương án, kế hoạch bảo vệ an toàn các mục tiêu, hoạt động văn hóa, thể thao mừng Đảng, mừng Xuân, đón giao thừa, lễ hội; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phương tiện vận chuyển hàng hóa, hành khách trong dịp Tết.  Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm; tổ chức lực lượng thường trực 24/24h tại các cơ sở y tế, xử lý kịp thời các tình huống ngộ độc thực phẩm, sơ cấp cứu nạn nhân khi có tình huống xảy ra. 

Tăng cường chỉ đạo quản lý tốt thị trường, đảm bảo cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dịp Tết để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá hàng hóa tăng cao bất thường để thu lợi bất chính; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.

Các ngành chức năng, các ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng trên địa bàn bảo đảm giải quyết các thủ tục hành chính thuận lợi, đáp ứng các khoản thanh toán cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trong dịp Tết.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương có kế hoạch bố trí cán bộ, nhân viên trực Tết, thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo tình hình trước, trong và sau Tết  theo quy định; chủ động phối hợp với lực lượng Công an triển khai các phương án, biện  pháp bảo vệ an toàn tuyệt đối trụ sở, tài sản trong các cơ quan, đơn vị.

5. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Y tế và các cơ  quan liên  quan chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy truyền thống “Tương thân, tương ái”; chủ động nắm chắc diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn để tham mưu cho cấp ủy, chính quyên các cấp chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước kịp thời; định hướng thông tin tuyên truyền các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội tạo khí thế vui tươi, lành mạnh, phấn khởi, cổ vũ, động viên nhân dân và cán bộ; tuyên truyền những thành tích đạt được trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sông vật chât, tinh thần cho nhân dân; tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phòng, chống dịch Covid-19; xoá bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong dịp Tết; thực hiện tốt các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, không sản xuất, buôn bán vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo, vật liệu cháy nổ; đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.                                                        

6. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị năm 2023 ngay từ đầu năm và chăm lo Tết cho nhân dân; các cơ quan, đơn vị, địa phương, các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành phải thật sự gương mẫu, nghiêm túc quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này.

Giao Văn phòng Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan nắm tình hình triển khai thực hiện và báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện Chỉ thị.

Chỉ thị này được phổ biến đến các chi bộ.

                                                Nguồn: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang

THÔNG TIN TRONG HUYỆN

* Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai thị sát Cột cờ Quốc gia xã Lũng Cú và tặng quà tại xã Lũng Cú

Hướng tới Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày 17/12/2022, Đoàn công tác do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn đã đến dự Lễ thượng cờ tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú; thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú và trao quà cho một số gia đình chính sách, hộ nghèo, học sinh hiếu học trên địa bàn xã Lũng Cú. Tham gia các hoạt động có các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Tổ chức Trung ương: Mai Văn Chính; Nguyễn Quang Dương; Hoàng Đăng Quang; Nguyễn Thị Thanh. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn; Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải. Về phía tỉnh Hà Giang có các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Cột cờ Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi đây được ví như nóc nhà của Việt Nam, với lá cờ đỏ, sao vàng rộng 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trong cả nước, luôn tung bay kiêu hãnh, khẳng định chủ quyền của dân tộc. Trong không khí trang nghiêm, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và các đại biểu đã đồng thanh hát Quốc ca thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc.

 

Đến thăm và tặng quà cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú, đồng chí Trương Thị Mai chia sẻ khó khăn và đánh giá cao những đóng góp của cán bộ, chiến sỹ trong việc đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến biên giới, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tại đây, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng Đoàn công tác đã trao quà cho các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú; trao 300 suất quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đồng Văn.

                                                                                       Phi Anh

* Ngày 20/12/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị tỉnh Hà Giang do đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh làm Trưởng đoàn có buổi giám sát tại huyện Đồng Văn. Tham gia đoàn có các đồng chí đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh: Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Tráng A Dương, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Vương Thị Hương, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Xín Mần.

Tại huyện Đồng Văn, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế Trường Phổ thông dân tộc Nội trú - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông huyện và làm việc với Ủy ban nhân dân huyện về tình hình thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Qua làm việc cho thấy, huyện đã triển khai đầy đủ, nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật của các cấp về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018; có những thay đổi, đầu tư phù hợp để chuẩn bị sẵn sàng cho công tác đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, huyện cũng gặp một số khó khăn, hạn chế như: cơ sở vật chất chưa đồng bộ, chưa đảm bảo để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; các trường còn thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng; nhiều đồ dùng, trang thiết bị dạy học đã xuống cấp…

Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Lý Thị Lan ghi nhận kết quả đạt được và chia sẻ khó khăn với huyện trong thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại địa phương. Đồng chí đề nghị huyện tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông và chương trình sách giáo khoa mới; tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư cho giáo dục; thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018...

                                                                                       Trần Kế

* Ngày 22/12/2022, Hội đồng nhân dân huyện Đồng Văn tổ chức Kỳ họp thứ 7 khóa XXI, nhiệm kỳ 2021-2026, nhằm đánh giá kết quả tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, xem xét các báo cáo, tờ trình, biểu quyết thông qua các nghị quyết năm 2023. Dự kỳ họp có lãnh đạo Ban Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo Thường trực Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể,  lực lượng vũ trang, và các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân huyện.

Trong năm 2022, với sự điều hành tích cực và quyết liệt của Ủy ban nhân dân huyện, các phòng, ban chuyên môn, và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, đã đạt được những kết quả khá toàn diện các lĩnh vực như: Thực hiện hoàn thành 13/14 chỉ tiêu tỉnh giao, Đối với chi tiêu do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện huyện giao, thực hiện hoàn thành 43/46 chỉ tiêu, các Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai tích cực, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, du lịch phục hồi và tăng trưởng mạnh so với năm 2021, Thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp được 123 vườn, đạt 123% Nghị quyết; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 44,4/72,25 tỷ đồng đạt trên 61% KH tỉnh giao; công tác chuyển đổi số được triển khai tích cực đồng bộ trên 03 phương diện: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số; Chương trình nông thôn mới, đã thực hiện tăng thêm 8 tiêu chí, nâng tổng số tiêu chí đạt được trên địa bàn huyện 224 tiêu chí, bình quân tiêu chí đạt 13,2 tiêu chí/xã, Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở được tiếp tục triển khai hiệu quả, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, đúng quy định, an ninh quốc phòng được giữ vững, đời sống nhân dân được cải thiện...

Tại kỳ họp, các đại biểu Hội đồng nhân dân cũng đã tập trung thảo luận, thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém trong một số ngành, lĩnh vực, và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, kỳ họp cũng đã thực hiện chất vấn trực tiếp đối với thủ trưởng các phòng, ban chuyên môn của huyện, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp được thực hiện tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, dân chủ, thẳng thắn. Với tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận cao, các đại biểu dự kỳ họp cũng đã xem xét và thông qua 11 nghị quyết theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện về Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023, Nghị quyết về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương năm 2023, Nghị quyết về phân bổ ngân sách địa phương năm 2023, Nghị quyết về phân bổ vốn đầu tư công năm 2023, Nghị quyết về danh mục khởi công mới năm 2023.

                                                                                 Đức Chung 

* Ngày 23/12/2023 Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn tổ chức hội nghị tổng kết phong trào thi đua, khen thưởng năm 2022 và phát động phong trào thi đua năm 2023. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện. 

Xác định vai trò quan trọng của phong trào thi đua, khen thưởng ngay từ đầu năm 2022 huyện Đồng Văn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Các nội dung thi đua cụ thể, bám sát vào nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ thực tế của cơ quan, đơn vị theo đúng vị trí việc làm, chức danh công tác của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân lao động. Trong năm, các phong trào thi đua đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân các dân tộc trong toàn huyện, góp phần thực hiện và hoàn thành 12/14 chỉ tiêu tỉnh giao. Trong đó, hoàn thành thu ngân sách trên địa bàn huyện được 16,608 triệu đồng, đạt 107,84% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/người/năm; tị lệ hộ nghèo giảm nghèo được 6,84%; giải quyết việc làm mới cho 7.135 lao động; số trường học đạt chuẩn quốc gia được công nhận trong năm hoặc nâng cao mức đạt chuẩn lên 20 trường; 19/19 xã duy trì và nâng cao các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các phong trào thi đua tại cơ sở, từ đó được phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các gương, mô hình tiên tiến. Dịp này, Ủy ban nhân dân huyện đã tặng giấp khen cho 66 tập thể, 35 cá nhân và 54 hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua năm 2022. Đồng thời, phát động và ký cam kết thực hiện phong trào thi đua đối với các xã, thị trấn năm 2023

                                                                                  Thiện Ngay

 

GƯƠNG NGƯỜI TỐT - VIỆC TỐT

* Ngọn đuốc sáng giữa bản làng

Trong “cuộc chiến” bài trừ hủ tục, xóa bỏ tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh Hà Giang là một trong những lực lượng tiên phong. Nơi miền đá Phố Cáo, nghệ nhân dân gian, người có uy tín Vàng Chá Thào được ví như “ngọn đuốc” giữa bản làng.

Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới, có 19 dân tộc cùng sinh sống; mỗi dân tộc có nền văn hóa khác nhau, tạo nên bức tranh đa sắc màu. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nhiều tập quán đã không còn phù hợp và trở nên lạc hậu, trở thành “rào cản” cho sự phát triển chung của cả cộng đồng và cần loại bỏ. Với quan điểm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, phấn đấu để người dân Hà Giang có đời sống vật chất no đủ, có nếp sống văn minh, ngày 10/5/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Chỉ thị số 09 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang”, giai đoạn 2021-2025; ngày 01/5/2022, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 27 về “Thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là những định hướng vô cùng đúng đắn, kịp thời, góp phần đưa Hà Giang phát triển và hội nhập.

Những năm qua, người có uy tín trên địa bàn tỉnh phát huy tốt vai trò hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, giảm nghèo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Thông qua vai trò, tiếng nói của , người có uy tín, một số hủ tục đã được bài trừ, tư duy của người dân dần đổi thay. Người đi đầu, góp sức đẩy lùi hủ tục ở xã Phố Cáo phải kể đến ông Vàng Chá Thào, sinh năm 1965 - người con của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Giống như nhiều đứa trẻ khác, ngày nhỏ ông được theo học thổi khèn Mông và các bài cúng. Đến năm 13 tuổi, ông đã trở thành thầy dạy khèn, 18 tuổi thành thạo các bài cúng của dân tộc mình. Năm 1986, ông tham gia công tác tại xã Phố Cáo, trải qua nhiều chức vụ như: Phó Bí thư Thường trực, Bí thư Đảng ủy xã; Phó trưởng Ban Dân vận - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đồng Văn; Chủ tịch Hội nghệ nhân dân gian huyện Đồng Văn. Ông rất am hiểu về người Mông và văn hóa dân tộc Mông. Hiện, ông tham gia Tổ tư vấn, sưu tầm các giá trị văn hóa dân tộc của tỉnh; là tác giả của 3 đề tài nghiên cứu tại bảo tàng tỉnh: Lễ đặt tên; lễ vào nhà mới; nguồn gốc cây khèn Mông.

Ông Vàng Chá Thào chia sẻ: “Trong suốt quá trình công tác, tôi nhận thức rõ những cái cần thay đổi trong văn hóa của đồng bào. Đặc biệt, sau khi tham gia một đám tang, tôi thấy thời gian diễn ra quá lâu, quá tốn kém nên đã nung nấu muốn làm gì đó để cải tiến, thay đổi. Năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị 30 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”, trên cơ sở đó, Ban Thường vụ  Huyện ủy Đồng Văn ra Chỉ thị 08 về xây dựng nếp sống văn minh trong việc tang. Tôi cùng với cấp ủy, chính quyền xã Phố Cáo tuyên truyền cho thầy cúng, trưởng dòng họ những gì phải bỏ, những gì cần giữ”.

Ông Thào còn có thời gian ở xã Lũng Phìn khi đó là “điểm nóng” về truyền đạo trái phép, lấy uy tín của mình để nói chuyện với người dân và 6 tháng sau, số người theo đạo đã quay trở lại sinh hoạt bình thường theo phong tục địa phương. Ông còn chủ động tới các đám ma, đám cưới để xem người dân tổ chức và tuyên truyền, vận động bỏ việc rườm rà. Ông Thào tâm sự thêm: “Sống ở thời kỳ giao thoa văn hóa nên nhận thấy rõ hủ tục ban đầu xuất phát từ văn hóa truyền thống của bà con. Ví dụ như quan niệm để người chết lâu ngày không chôn cất là do con cái nghĩ rằng cha, mẹ đã chịu 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, nên khi mất muốn cha, mẹ ở lại lâu hơn với con cháu… Tuy nhiên, theo thời gian, tập quán ấy không còn phù hợp, cần phải thay đổi để hướng tới cuộc sống văn minh hơn”. Vì vậy, đến nay, khi đã nghỉ hưu, là người có uy tín tiêu biểu của huyện, ông thường xuyên đi các xã mạn đàm về văn hóa, phong tục của đồng bào. Năm 2022, ông nhận lời mời của Ban Dân vận Tỉnh ủy lên lớp tại 3 huyện vùng cao để nói chuyện về phong tục, tập quán của bà con. Tuyên truyền cho bà con rút ngắn thời gian, không mang theo trâu, bò, dê khi tổ chức đám cưới, đám ma; hướng dẫn các thầy cúng rút ngắn bài cúng…

Đồng chí Vừ Mí Dính, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phố Cáo cho biết: Trước đây, người dân thường truyền nhau câu nói sau mỗi đám tang “Phải nghèo 3 năm mới trở lại bình thường” vì những hủ tục đã dẫn đến cái đói, cái nghèo đeo bám dai dẳng. Ông Thào là người am hiểu tường tận văn hóa truyền thống của đồng bào Mông và cũng là người có tiếng nói trong cộng đồng nên đã giúp cấp ủy, chính quyền vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục. Toàn xã Phố Cáo có 12 dòng họ, đến nay đã có 7 dòng họ cho người chết vào áo quan; 16/18 thôn rút ngắn thời gian đám tang; 95% đám cưới thực hiện văn minh. Từ khi hủ tục được xóa bỏ, đời sống người dân từng bước nâng lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy đồng chí Dương Ngọc Đức cho biết: Sau khi tỉnh đẩy mạnh thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, huyện Đồng Văn lựa chọn đội ngũ nghệ nhân dân gian, người có uy tín là lực lượng nòng cốt, đi đầu cùng với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền cho nhân dân. Đối với nghệ nhân Vàng Chá Thào, mỗi cuộc nói chuyện ông đều lấy ví dụ một cách thực tế, chính xác nên mọi người rất tin tưởng và nghe theo. Không chỉ tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng đắn về xóa bỏ hủ tục, ông còn định hướng cho họ lối sống hiện đại, văn minh, giúp người dân thay đổi nhận thức; góp phần thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người lên thăm tỉnh Hà Giang: “Đồng bào phải chú ý vệ sinh. Để giữ gìn sức khỏe thì phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch, có sức khỏe thì lao động sản xuất mới tốt”.

Với những cống hiến không ngừng, năm 2019, ông Vàng Chá Thào được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Trước đó, khi là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phố cáo, ông được nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 30; Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 25 về công tác tôn giáo.

Có thể nói, “bóng đen” của những hủ tục suốt hàng trăm năm đã bao trùm lên các thôn, bản vùng cao. Nghệ nhân Vàng Chá Thào được ví như “ngọn đuốc” sáng làm thay đổi nhận thức của người dân nơi đây. Ông thực sự là một “chiến binh” đúng nghĩa trong “cuộc chiến” loại bỏ hục tục, xây dựng nếp sống văn minh. Những nghệ nhân như ông Vàng Chá Thào đã góp phần tích cực trong công cuộc đưa Hà Giang nói chung, huyện Đồng Văn nói riêng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

                                                                                       My Ly

ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

TRỌNG TÂM THÁNG 01/2023

 

1. Tiếp tục tuyên truyền việc học tập, quán triệt các nghị quyết, kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; tuyên truyền các luật, nghị quyết... được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, Kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVIII, Kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân huyện khóa XXI.

2. Tuyên truyền các nội dung trọng tâm Chỉ thị số 23-CT/TU, ngày 13/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023. Tuyên truyền các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm, như: 

3. Tuyên truyền Quy định số 07-QĐ/TU, ngày 05/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, trong đó nhấn mạnh tới phân cấp quản lý cán bộ, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử, bổ nhiệm lại, giới thiệu tái cử, điều động và biệt phái cán bộ; Quy định số 09-QĐ/TU, ngày 16/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các văn bản của Đảng; Nghị quyết số 30- NQ/TU, ngày 02/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2023.

4. Đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh mới gắn với việc tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương nhằm đưa văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; khẳng định vai trò của văn hóa trong sự phát triển của đất nước, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tăng cường tuyên truyền trực quan về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa sức mạnh con người Việt Nam.

5. Tuyên truyền về những kết quả nổi bật trong công tác thu thuế năm 2022; biểu dương người nộp thuế tiêu biểu; hiệu quả của việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử của ngành Thuế đến nhân dân, nhất là cộng đồng doanh nghiệp. Thông tin, tuyên truyền kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2022, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

6. Tiếp tục tuyên truyền 10 thành tựu nổi bật của huyện năm 2022, trong đó nhấn mạnh một số kết quả trong thực hiện các chương trình ký kết phối hợp giữa huyện Đồng Văn với thành phố Hà Giang và thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, gắn với quảng bá, giới thiệu hình ảnh thiên nhiên, văn hóa và con người Hà Giang thông qua tổ chức các hoạt động văn hoá, du lịch, xúc tiến đầu tư giới thiệu sản phẩm địa phương như: Mật ong Bạc Hà, thịt bò, các mặt hàng nông sản của địa phương…

7. Tuyên truyền triển khai gieo trồng và chăm sóc cây trồng vụ Đông đảm bảo kế hoạch; các giải pháp phòng, chống các loại dịch bệnh trên người, vật nuôi, cây trồng trong mùa đông; chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, phòng chống dịch Covid-19, 

8. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định, quy chế khu vực biên giới, không xuất, nhập cảnh trái pháp luật; tích cực tham gia các phong trào bảo vệ đường biên, mốc giới, đảm bảo an ninh trật tự vùng biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. 

9. Tuyên truyền có trọng tâm các sự kiện, ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn diễn ra trong tháng 01, 02/2023: Tuyên truyền 117 năm ngày thành lập Huyện Đồng Văn (01/1/1906- 01/1/2023); 75 năm ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên (06/01/1948-06/01/2023); 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023); 77 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu cử Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2023); 82 năm ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/01/1941 - 28/01/2023); 19 năm ngày truyền thống Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10/01/2004 - 10/01/2023); 50năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2023); kỷ niệm 68 năm ngày thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955-27/02/2023).


 

BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY ĐỒNG VĂN

TTTĐT

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập