Các điểm du lịch

CỘT CỜ LŨNG CÚ

21/11/2022 10:17 1621 lượt xem

CỘT CỜ LŨNG CÚ
Cột cờ Quốc gia Lũng Cú

 

Các cán bộ, chiến sĩ đồn Lũng Cú tiến hành thượng cờ

Cột cờ Lũng Cú được xây dựng trên địa phận của làng Thèn Pả, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Nơi đây cách thị trấn Đồng Văn 24km, và cách Thành phố Hà Giang 154km. Quý vị đi từ tỉnh A, B, C...để lên được Cột cờ Lũng Cú chắc rằng đã phải đi qua hơn ...Km để đến được nơi đây. Xã Lũng Cú hiện tại có 5 thành phần dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc H’Mông chiếm đa số với trên 92% trong tổng số 4.111 nhân khẩu của toàn xã. Tên gọi Lũng Cú được lý giải theo nhiều cách khác nhau, mỗi một cách gọi đều mang đậm trong mình tính nhân văn sâu sắc, có cách gọi theo lý giải của sự logic, có cách gọi lại nhuốm màu huyền thoại sắc nét. Theo bà con người H’Mông, tên gọi Lũng Cú bắt nguồn từ tiếng nói của dân tộc mình. Trong tiếng H’Mông, Cú có nghĩa là Ngô, Lũng Cú có thể được hiểu là vùng đất thấp trồng Ngô. Chắc hẳn tất cả chúng ta ai cũng rõ, không chỉ là ở thời xa xưa mà cho tới tận cuộc sống hàng ngày bây giờ, lương thực chính trong bữa ăn hàng ngày của bà con vẫn là các món ăn được chế biến từ hạt Ngô. Cho nên tên gọi của vùng đất này gắn liền với cây Ngô, gắn liền với hình thức canh tác nông nghiệp nơi đây cũng là điều không khó lý giải. Ngoài đông đảo bà con người H’Mông ra, ở Lũng Cú còn có một bộ phận không nhỏ đồng bào Lô Lô cùng sinh sống nơi đây. Người Lô Lô nơi đây gọi Lũng Cú là Loong Cư (nơi Rồng ở). Ngọn núi này mang tên núi Rồng, khu vực quanh đây là nơi Rồng ở. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì trong cộng đồng bà con Lô Lô nơi đây có lưu truyền một truyền thuyết được các cụ già trong làng kể lại từ đời này qua đời khác: “ Từ ngày xửa ngày xưa, không biết tự phương trời nào bỗng nhiên có một con Rồng bay đến đây và đậu lại ngọn núi cao nhất đầu làng ngắm cảnh, đó cũng chính là núi Rồng ngày nay. Trước khi bay lại về trời, Rồng tiên nhận thấy cảnh sắc nơi đây cực kỳ hùng vỹ. Thế nhưng nhìn lại, thấp thoáng sau làn khói bếp lách mình qua mái ngói cổ của các hộ gia đình dưới chân núi kia là cả một cuộc sống rất đỗi cơ cực, bần hàn. Cơ cực vì thiếu đất canh tác, càng bần hàn hơn vì thiếu nước sinh hoạt, sản xuất trầm trọng. Động lòng trắc ẩn, Rồng tiên đã để lại nơi đây đôi mắt của mình và rồi từ đó biến thành hai hồ nước ngọt trong xanh hai bên núi. Kỳ lạ thay, giữa muôn trùng núi đá vôi trùng điệp khô cằn, đón nhận cái gió, cái nắng khắc nghiệt của miền cao nguyên đá này qua 5,6 tháng trời của mùa khô hàng năm như vậy, mực nước của hai hồ Mắt Rồng vẫn luôn sấp xỉ bằng nhau và không bao giờ cạn. Cũng từ khi có hai hồ nước, cuộc sống của đồng bào nơi đây đỡ vất vả, đời sống sung túc hơn bội phần”.

Các cô gái dân tộc Lô Lô sinh sống dưới dân Cột cờ Lũng Cú

Tới lũng Cú để một lần cảm nhận sự hùng vĩ bởi cảnh quan, nơi mà người ta thường gọi là vùng đất “ cúi mặt chạm đá, ngửa mặt chạm trời”. Đến nơi đây để thấy được sức sống mãnh liệt, tinh thần bám trụ, vượt lên khó khăn, hăng say lao động sản xuất của cộng đồng các dân tộc vùng biên ải của tổ quốc. Một lần thôi được đặt chân lên điểm cao nhất, miền đất được gọi là vầng trán kiêu hãnh của tổ quốc. Để một lần được ôm trọn vào lòng lá cờ đỏ sao vàng đang ngày đêm tung bay đón nắng, đón gió biên thùy. Tạm xa những ồn ào của cuộc sống thường nhật để lắng nghe hai tiếng Việt Nam ngân vọng từ trái tim mỗi người con đất việt.

Bọ Ba Thùy:

Đồng Văn là một huyện vùng cao phía bắc tỉnh Hà Giang, cùng với 3 huyện khác là Quản Bạ, Yên Minh và Mèo Vạc từ xa xưa đã được biết đến với tên gọi chung là Cao nguyên đá Đồng Văn. Nơi đây vào ngày 03/10/2010 đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (Viết tắt là UNESCO) chính thức công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích là 2.356,8 Km2 . Trong lòng CVĐC của chúng ta có...Trong đó cũng rất may mắn là tại vị trí này, ngay bên cạnh đường đi lên cột cờ, phát hiện thấy hóa thạch phần đuôi của bọ Ba Thùy. Bọ Ba Thùy (tên khoa học là Trilobita) là một nhóm/lớp các loài cổ sinh vật thuộc nghành chân khớp, chúng xuất hiện và có niên đại sống cách bay giờ trên 500 triệu năm về trước, tức là ở kỷ cambri giữa và muộn. Điều đặc biệt của loài này là môi trường sống của chúng, bọ Ba Thùy chỉ sống ở các đại dương. Trilobita có 2 dạng sống chính, một số loài sống bám vào các vỉa đá, các rặng san hô nơi đáy biển để ăn mồi, ăn xác chết và lọc nước biển để lấy thức ăn. Một số loài sống ở tầng mặt ăn những sinh vật phiêu sinh. Loài chúng ta phát hiện hóa thạch tại đây có môi trường sống dưới đáy đại dương cộng thêm một số các hóa thạch của các loài cổ sinh vật khách cùng có môi trường sống ở biển khác như: Huệ Biển ở Lũng Pù_Mèo Vạc; Tay Cuộn ở Ma Lé_Đồng Văn; Tảo cổ, San Hô vách đáy, San hô bốn tia, Thực vật thủy sinh...ở các địa phương khác trong quần thể Công viên địa chất. Cùng với các nghiên cứu về địa tầng, địa mạo, sự vận động của vỏ trái đất qua các thời kỳ đi đến kết luận của các nhà khoa học: Vùng đất này cách đây trên 500 triệu năm về trước hoàn toàn là đáy biển. Đồng thời những phiến đá vôi trước mặt chúng ta đây cũng được khẳng định là hình thành cách đây trên 500 triệu năm về trước. Để có đươc kết quả nghiên cứu trên các nhà khoa học dựa vào tuổi cacbon của đá, cùng với việc xác định được độ tuổi của các hóa thạch có sẵn trên đó mà ở đây cụ thể là hóa thạch phần đuôi của Bọ Ba Thùy. Các nhà nghiên cứu xếp các phiến đá vôi này vào hệ tầng đá vôi cổ Chang Pung – Hệ tầng đá vôi có tuổi cổ nhất trên Cao nguyên đá Đồng Văn, được tạo thành bởi những mặt đứt gãy theo hướng ĐB-TN với tiêu biểu là hình thái đá “ Cóc mẹ cõng Cóc con lên núi” cực kỳ đặc sắc ngay trước mắt quý vị đây.

Hóa thạch Bọ Ba Thùy

Trước khi lên với Cột cờ Lũng Cú, ghé thăm khu di tích kiến trúc nghệ thuật, lịch sử nhà Vương để lại ấn tượng là những hàng cây Sao Mộc cỏ thụ hai, ba người ôm chạy thẳng tắp vào khu dinh thự. Những cây Sao Mộc đó được cụ Vương Chính Đức- người mà chúng ta biết đến với tên gọi Vua Mèo mang từ Vân Nam , Trung Quốc về trồng. tính đến nay những hàng cây đó chúng đã suýt soát trăm tuổi rồi. hai cây Thông Đỏ trên đường lên cột cờ cũng vậy, căn cứ vào đường đồng vị trên thân cây và qua sự khẳng định của bà con nơi đây. Hai cây thông đây cũng cùng tầm tuổi với các cây Sao Mộc ở nhà họ Vương. Trong hơn 300 loài Thông có ở Việt Nam, Thông Đỏ được xếp vào hàng cực kỳ quý hiếm đẫ được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Giá trị lớn nhất của loài này là ở khía cạnh y học. triết xuất từ cây Thông Đỏ sẽ cho chúng ta một vị thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh ung thư vô cùng hiệu quả. Tôi gửi tới quý vị những thông tin về cây Thông Đỏ ở đây một phần cũng là để chúng ta thấy rõ được sự phong phú và đa dạng của các tài nguyên thiên với các hệ tầng thực vật với nguồn gen quý hiếm trên Công viên địa chất. Qua đó dễ thấy được ý thức bảo vệ môi trường sống của bà con nơi đây, trải qua gần trăm năm, dẫu biết được giá trị lớn lao của chúng  nhưng tới tận bây giờ những tài nguyên đó vẫn được bà con bảo tồn, bảo vệ.

Chân Cột:

Chinh phục được đỉnh núi Rồng với độ cao là 1468,73m so với mặt nước biển. Vị trí đoàn chúng ta đứng đây có tọa độ là 23o21’75’’ vĩ độ Bắc, 105018’97’’ kinh độ Đông. Nếu đi từ chân núi lên tới đỉnh Cột cờ quý vị sẽ phải bước qua 839 bậc thang, trong đó từ chân núi lên đến Nhà chờ là 425 bậc, từ Nhà chờ lên chân cột là 279 bậc. Còn 135 bậc thang nữa nằm trong lòng cột đi theo hình trôn ốc đi lên đang chờ chúng ta cùng khám phá.

Có thể nói chinh phục được đỉnh núi Rồng này thì cũng được coi như đã đặt chân lên miền đất cao nhất theo vĩ độ của dải đất hình chữ S. Bởi lẽ trên bản đồ Việt Nam, Lũng Cú là một dấu chấm nhỏ nơi điểm chóp nón cực bắc tổ quốc nếu tính chính xác hơn vị trí  cột cờ Lũng Cú chưa phải là điểm cao nhất phía bắc đất nước. Hướng tấm bia đá có gắn Quốc huy và một số thông tin về Cột cờ đây chỉ thẳng hướng chính bắc, chắc chắn rồi, phía bắc của chúng ta tiếp giáp với nước CHDCND Trung Hoa, nhưng điểm cao nhất phần lãnh thổ trên đất liền của chúng ta còn cách cột cờ Lũng Cú hơn 2km nữa cơ ạ. Nhìn trên bản đồ quý vị cũng có thể thấy rõ ngoài phía bắc ra, cả phía đông và phía tây Lũng Cú đều tiếp giáp với Trung Quốc. Nhân dân cùng Đồn Biên phòng Lũng Cú, hay còn gọi là Đồn Biên phòng 169 chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ hơn 16 km đường biên giới, trong đó có 8 km biên giới là đường bộ và hơn 8 km là đường sông. Về biên giới là đường bộ, dưới chân núi có con đường là để bộ đội cùng nhân dân mình đi tuần tra mốc giới được dễ dàng hơn, thứ nữa đây cũng là con đường đi vào bản Séo Lủng ( bản làng được coi là bản làng cực bắc nhất của tổ quốc). Đi hết đường này, là cột mốc 422. Ở khu vực này, cột mốc mang số chẵn là cột do phía Việt Nam dựng, cột mang số lẻ là cột Trung Quốc dựng. Từ cột 422 đó chúng ta có thể đi dọc theo đường tuần tra qua mốc 423,424,425,426,427 đến mốc số 428 ngay sát bờ sông Nho Quế. Mốc 428 cũng chính là vị trí đánh dấu điểm cực bắc của chúng ta.

Từ ngàn đời nay, núi Rồng đã có một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh của của bà con các dân tộc nơi đây, hàng năm cứ mỗi độ tết đến xuân về nhân dân quanh vùng vẫn đem các sản vật hàng năm mình làm được lên ngọn núi này để thờ cúng. Vượt lên trên sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu nơi đây, tự ngàn đời núi Rồng vẫn hiên ngang sừng sững che chắn mưa giông bão táp cho các bản làng quang mình.

Thêm vào đó, về mặt phong thủy ngọn núi này có một vị trí rất đắc địa. Vượt qua từng con dốc dựng đứng với một bên là bờ  đá cao vút, một bên là vực sâu hun hút, ta bất chợt bắt gặp một thung lũng rộng lớn hiện ra trước mắt, ở giữa đó tự nhiên có một ngọn núi sừng sững nhô cao, hai bên lại có hai hồ nước trong xanh không bao giờ cạn. Tìm khắp trong vùng thật khó để thấy thêm được một vị trí tốt hơn với việc phù hợp cho xây dựng các công trình lớn.

Có một vị trí địa lý đặc biệt nơi tiền tiêu đất nước, về mặt phong thủy có thể gọi là đắc địa. Cũng bởi lẽ đó hơn một nghìn năm trước, khi hồi quân về trấn ải miền đất biên thùy này, Thái úy Lý Thường kiệt đã cho treo một lá cờ ngay tại đỉnh ngọn núi Rồng này để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ, lá cờ tung bay phần phật nơi đây như thể tiếng nhạc đệm cho từng lời thơ bất hủ vang lên từ phòng tuyến sông Như Nguyệt sau này:

Nam quốc sơn hà Nam Đế cư

Tuyệt thiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”

Cùng nhận thấy được tầm quan trọng của vùng đất phên dậu này đối với an ninh quốc gia, sau khi đại thắng quân xâm lược, vua Quang Trung đã cho đúc một chiếc Trống đồng lớn đem lên đặt tại vọng gác biên ải này, mỗi một canh đêm tiếng Trống đồng lại đều đặn vang lên như một sự khẳng định mạnh mẽ bất di bất dịch về chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

Dựa trên những sự tích xưa gắn liền với những minh chứng lịch sử theo quãng thời gian dựng nước và giữ nước của cha ông ta ngàn đời để lại. Năm 1978, quân và dân xã Lũng Cú đã dựng một cây Sao Mộc lên đỉnh núi Rồng để dựng Côt cờ, cột cao 10 m, đường kính gốc 20 cm, lá cờ rộng 1,2m2. Trước đây đường vào Lũng Cú khó khăn hiểm trở vô cùng, chúng ta đã phải tốn rất nhiều công sức trong 5 năm để mở cung đường từ trung tâm huyện vào xã. Để chào mừng sự kiện khánh thành cung đường, đến năm 2000 Cột cờ bằng bê tông cốt thép được xây dựng thay thế cho cột cờ bằng gỗ hỗi xưa, cột có 6 măt, để tương xứng với tầm vóc của Cột cờ mới, lá cớ rộng 54m2 cũng được ra đời từ đó. Con số 54m2 tượng trưng cho tinh thần đoàn kết của 54 dân tộc anh em Việt Nam .

Đến năm 2002, chúng ta tiến hành trùng tu, xây dựng mới và nâng cấp một số hạng mục: đường lên Cột cờ được rải nhựa ôm theo triền núi, xây thêm khu đỗ xe ngay dưới chân núi...

Ngày 19/01/2010, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng nước ta khi lên thăm Cột cờ đã đồng ý cho trùng tu, xây dựng lại Cột cờ trên đúng vị trí cột cũ. Công tác xây dựng bắt đầu được khởi công ngày 08/3/2010 đến ngày 02/9/2010 thì cắt băng khánh thành chào mừng đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI. Cột cờ mới có tổng chiều cao là 34,85m, trong đó từ chân cột đến sàn thay cờ là 20,6m, phần cán cờ tính từ sàn lên đến đỉnh cột là 14,25m. Đường kính ngoài cột là 3,80m, trong cột là 3m. Cột xây theo hình bát giác, với phần chân là 8 mặt trống đồng gợi liên tưởng tới chiếc trống vua Quang Trung cho đúc từng vang vọng nơi đây. Tiếp đến là 8 bức phù điêu đá xanh miêu tả những chặng đường dựng nước, giữ nước và phát triển của dân tộc xen lẫn những nét văn hóa các vùng miền:

Mặt 1: Truyền thuyết núi rồng và sự hình thành của Di tích có ý nghĩa tên gọi Lũng Cú:

Lũng Cú theo tiếng mông lũng ngô, vùng đất trồng nhiều ngô, bên cạnh đó còn nhiều huyền thoại liên quan đến địa danh này. Truyền thuyết kể rằng thời Tây Sơn sau đại thắng quân xâm lược hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng…ở trạm gác vùng biên ải hiểm trở này của đất nước cứ mỗi canh tiếng trống lại vang lên ba hồi đĩnh đạc vang xa mấy dặm như một sự khẳng định một sự chủ quyền đất nước chính vì thế Lũng Cú khi đọc chếch sang tiếng mông là Long Cổ tức là trống của vua. Người ta nói rằng nơi đặt chiếc trống của nhà vua cũng là trạm biên phòng đầu tiên Lũng Cú bây giờ.

Ngày nay đồng bào Lô Lô ở Lũng Cú đều sử dụng thành thạo trống đồng, trong khi đó các nhà nghiên cứu khẳng định trống đồng của đồng bào lô có nguồn gốc là trống đồng Đông Sơn. Chính vì thế khi xây dựng cột cờ trên đỉnh núi rồng Nhà nước ta đã cho làm phù điêu trên chân và bệ cột cờ mang nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn.

Mặt 2: Truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc như giữ gìn điểm cực bắc thiêng liêng này, cụ thể đó là thời lý khi vua Lý Thường Kiệt hồi quân trấn ải biên thuỳ đã cho treo một lá cờ tại vị trí cột cờ hiện tại để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ.

Mặt 3: Đất nước những chặng đường lịch sử:  Những hình ảnh tượng trưng như một mốc chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, như sứ mạng chủ quyền quốc gia trong biểu tượng hồn thiêng sông núi.

Mặt 4: Toàn dân làm theo lời Bác: Cùng nhau hướng tới ánh sáng ngọn cờ dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng để xây dựng đất nước, bảo vệ quê hương, tô điểm cho vườn hoa muôn màu của tổ quốc.

Mặt 5: Đất nước trên con đường phát triển: Đất nước đã im tiếng súng đạn, những người lính không lùi về hậu phương mà vẫn cầm chắc tay súng nơI miền biên ảI cùng nhân dân làm nên những công trình lớn, xây dựng đất nước để tồn tại nơI núi rừng khắc nghiệt. Một trong những hình ảnh vững vàng trên đá, đó chính là hình ảnh cây thông và cây xa mộc.

Mặt 6: Sông núi Hà Giang: Cách đây 44 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm đồng bào các dân tộc Hà Giang, đến nay những lời dạy của người vẫn luôn là nguồn động viên khích lệ quân và dân Hà Giang thi đua yêu nước xây dựng và bảo vệ biên cương tổ quốc như non sông mãi mãi trường tồn.

Mặt 7: Niềm vui cuộc sống mới: Cùng với những nét văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc như: Mông, Lô Lô, Pu Péo vui tươi trong cuộc sống thanh bình những lễ hội mùa xuân rộn ràng khơi tiếng đàn tâm tình gọi bạn, tiếng khèn mông say mê và tiếng giã gạo vang lên bếp lửa bập bùng.

Mặt 8: Hà Giang trong tương lai: Chúng tôi tin tưởng rằng với sự quyết tâm cao độ, niềm tin vững chắc vào đường lối của Đảng và bằng sự nỗ lực của mỗi người, Hà Giang của chúng tôi sẽ ngày càng đi lên trên con đường phát triển.

Thưa quý đoàn, chúng ta đều nhận thấy là đứng ở vị trí chân cột này thật khó để có được tầm nhìn xa, rộng nhất để quan sát toàn bộ khu vực. Ngay bây giờ, tôi mời đoàn ta tiếp tục chuyến tham quan bằng việc di chuyển qua 135 bậc thang ở trong lòng cột để đi lên phía đỉnh Cột cờ, khoảng cách giữa các bậc chỉ là 18 – 20cm thôi, rất vừa tầm bước, kèm theo đó là một lan can chạy dọc theo tường để đoàn chúng ta thuận tiện sải bước.

Trên đỉnh cột:

Trải qua bao khó khăn về khoảng cách, vượt qua biết bao cung đường đèo dốc hiểm trở, ngay bây giờ đây chúng ta đang được đứng dưới bóng cờ thiêng của dân tộc nơi địa đầu cực bắc tổ quốc. Phóng tầm mắt ra xa, chắc hẳn trong mỗi chúng ta đều thấy được sự hùng vĩ của non sông gấm vóc, cảm nhận được sự tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc với dòng máu Việt đang chảy trong huyết quản mỗi người.

 

TTTĐT

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập