Các điểm du lịch

Di tích Kiến trúc nghệ thuật Phố cổ Đồng Văn

21/11/2022 15:41 1185 lượt xem

Di tích Kiến trúc nghệ thuật Phố cổ Đồng Văn
Phố Cổ Đồng Văn

Một góc Phố cổ Đồng Văn

Đồng Văn nơi địa đầu của Tổ quốc, dễ cho cái cảm giác heo hút miền biên ải, với những dãy núi đá tai mèo sắc nhọn, phía trước là núi đá, hai bên là núi đá và đằng sau cũng là núi đá. Giữa không gian khắc nghiệt là thế nhưng con người đã kiến tạo ra một quần thể kiến trúc phố cổ với những nét kiến trúc đặc sắc, giống như một nét chấm phá của một người hoạ sỹ tài hoa trên bức tranh muôn trùng về đá. Phố cổ Đồng văn nằm giữa bốn bề vách núi sừng sững như một tấm bình phong khổng lồ che mưa chắn bão kéo dài hàng cây số về chân núi.

Khách du lịch chụp ảnh tại Phố Cổ Đồng Văn

Vào năm 1887 thực dân pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng đén các vùng biên giới Việt-Trung. Do Đồng văn có vị trí chiến lược quan trọng thực dân Pháp đã cho xây dựng các hệ thống đồn bốt kiên cố suốt dọc biên giới Việt-Trung  như đồn Đồng văn (nơi xây dựng trụ sở huyện Uỷ - HĐND - UBND huyện Đồng văn ngày nay) và lô cốt đồn cao Đồng văn được xây dựng trên đỉnh núi đá dựng đứng cao trên 100m với nhiều thang, bậc, hầm ngầm chi chít các lỗ châu mai.Vào năm 1905 nhằm khống chế toàn bộ khu vực phố Đồng văn Pháp đã xây dựng nhiều khu hành chính khác (hiện nay vẫn còn một số dấu tích có giá trị về mặt lịch sử, về văn hoá) để chống lại sự nổi dậy của nhân dân và sự xâm lược của ngoại bang. Từ trên cao nhìn xuống là những con đương phố hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông như hình bàn cờ với dãy chợ xếp thành hình chữ U lợp ngói âm dương là hai dãy phố Đồng Tâm và Quyết Tiến chạy vào trong núi.

  1. Đứng tại cổng chợ:

Trung tâm huyện đồng văn,cách thị xã Hà giang 145km. Xưa kia là Tổng Đông Quan thuộc châu Nguyên Bình,phủ Tường Yên, Tỉnh Tuyên Quang. Sau đố tách nhập thuộc châu Bảo Lạc do một thổ quan người tày họ nông ở bảo lạc cai quản như một lãnh địa riêng và hiện nay nơi này thuộc địa phận thị trấn Đồng Văn.

Trên địa bàn thị trấn Đồng Văn có một loại tài sản có ý nghĩa rất lớn trong việc phát huy bản sắc kiến trúc nghệ thuật, đó là các ngôi nhà cổ trên dưới 100 tuổi được thiết kế theo lối kiến trúc mềm mại, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc cổ Trung Quốc và nghệ thuật Việt Nam được sáng tạo và gìn giữ bởi chính những con người ở đồng văn, đó là khu phố cổ. Khu phố cổ gồm khu chợ và dãy nhà thuộc xóm Đồng tâm và quyết tiến, khu phố có hình vòng cung chia thành 2 dãy nhà và kéo dài hàng cây số về chân núi (còn khoảng trên dưới 40 ngôi nhà cổ, cư dân chủ yếu là ngươi Tày).

Nếu so với phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội hay làng cổ Đường Lâm thì phố cổ Đồng Văn có lịch sử ra đời chưa phải là lâu nhất, về quy mô cũng không lớn nhưng phố cổ Đồng Văn lại có sắc thái riêng biệt độc đáo và mang bản sắc riêng của cư dân vùng Cao nguyên đá nơi biên cương của Tổ Quốc còn tồn tại duy nhất của Việt Nam. Để tìm hiểu sắc thái đó xin mời quý khách đi thăm quan.

2. Đứng trước nhà ba cổng: (Nói về lịch sử hình thành của khu phố).

Nhà 3 cổng đã có trên 100 tuổi

Khu vực thị trấn  Đồng Văn xưa kia là nơi cư trú lâu đời của đông bào các dân tộc Tày, Mông ,Hoa, Giáy, LôLô...Chủ yếu do các thổ ty người tày họ Lương và họ Nguyễn cai quản. Đến khi thực dân Pháp tiến đánh Hà Giang 1887, chúng đã chiếm các thổ ty phong kiến địa phương,lập ra bộ máy thống trị từ tỉnh đến các châu, tổng, xã và thưc hiện chính sách “chia để trị”. Đồng Văn được chia làm bốn khu vực, đứng đầu một khu vực là một dòng họ thổ ty nắm giữ. Vùng đất của thị trấn Đồng Văn hiện giờ chủ yếu do thổ ty Nguyễn Chấn Quay cai quản. (vùng Phố Bảng - Sà Phìn do thổ ty Vương Chính Đức cai quản) và phố cổ Đồng Văn được hình thành từ thời bấy giờ.

Ngôi nhà cổ đầu tiên xuất hiện là do một thổ ty người Tày họ Lương , đứng đầu là Lương Trung Nhân vang tiếng một thời đã thuê thợ từ Tứ Xuyên “Trung Quốc” đến thiết kế xây dựng tòa nhà cổ vào năm 1890 (là nhà bà Tân thôn Quyết Tiến bây giờ)  sau đó người giàu có đặc biệt là các thổ ty cũng đã mô phỏng kiên trúc và thuê thợ từ Tứ Xuyên sang xây dựng những ngôi nhà to hơn, đẹp hơn và bề thế hơn.

Nhà ba cổng về đêm

Ngoài ra trong khu phố này còn có một số biệt phủ của các thổ ty khác: Như biệt phủ của thổ ty người tày Nguyễn Đình Cương (1828- 1865) và dòng họ Nguyễn. Người này cho xây dựng tòa nhà vào năm 1920, sau này cho con trai là Nguyễn Chấn Quay sử dụng rồi sau đó bán cho nhà nước vào năm 1958 (từ năm 1960- 1978) là trường cấp 1 xã Đồng Văn, từ năm 1979 đến 1984 là trụ sở UBND xã Đồng Văn và hiện đã bị đánh sập chỉ còn cái nền nhà cũ do ông Nguyễn Văn Khoa sử dụng.

Từ năm 1925-1928 các ngôi nhà ở khu vực phố Đồng Văn lần lượt được các người thợ Tứ Xuyên và những người thợ địa phương xây dựng,đó là tòa nhà UBND xã Đồng Văn cũ (nhà 3 cổng) do Lương Trung Tú cai quản, ngôi nhà bà Phạm Thị Thư cư trú hiện nay xây dựng năm 1925, do ông Tạ Hổ Thần người Trịnh Tây Trung Quốc cai quản, còn rất nhiều ngôi nhà khác nữa hình thành nên một khu phố cổ ngày nay bao gồm rất nhiều ngôi nhà cổ trên dưới 100 tuổi.

Về kiến trúc:

Hầu hết các ngôi nhà cổ ở phố Đồng Văn do những người thợ Trung Quốc và thợ địa phương thiết kế xây dựng, thiết kế phân móng nhà và hàng hiên được xây dựng băng đá xanh, tường thì được trình bằng đất chộn với cát, đất với vôi mật mía và giấy bản hoặc gạch nung hay gạch mộc do đó có độ bền vững. Cửa ra vào và cửa sổ được thiết kế dưới dạng cửa vòm hoặc cửa vuông có ốp đá hay gạch nung ở khung cửa. Đặc biệt cửa sổ thường được làm cao và hẹp do đó luôn giữ được không gian thoáng mát mà vẫn  giữ được sự ấm áp cho ngôi nhà. Cột nhà được xây dựng bằng gạch nung hoặc gỗ nghiến, gỗ thông chắc chắn. Hiện nay một nhà trong khu phố còn giữ lại được chân cột bằng đá có trạm trổ cầu kỳ với nhiều hình dạng khác nhau, chủ yếu là hình trụ bốn cạnh hoặc hình tròn với dáng vẻ của quả hoa Anh Túc. Màu vàng và độ bóng của những cột trụ này là do mài những đồng bạc lên mặt thành. Những người già ở đây cho biết khi mài một đồng bạc già lên mặt trạm trổ trên trụ đá đó sẽ thấy ánh bạc rất đẹp. Trong nhà những sàn gác hai đều được lát băng ván, bằng các loại gỗ quý. Cột kèo được trạm trổ rất kĩ với những nét hoa văn mang bản sắc riêng của vung cao nguyên đá Đồng Văn. Các ngôi nhà được thiết kế xây dựng theo kiểu ba gian, hai mái, mái sau dài hơn mái trước lợp ngói âm dương hoặc nhà vuông ở giữa sân có lát đá. Những ngôi nhà có dáng vẻ oai phong và nét mềm mại tinh sảo của trạm khắc gỗ đá kết hợp hài hòa giữa kiến trúc cổ Trng Quốc và nghệ thuật Việt Nam.

Kiến trúc nhà truyền thống trong khu Phố Cổ

Để tìm hiểu kĩ hơn về văn hóa tôn giáo tín ngưỡng mời quý khách vào thăm quan nhà bà Tân:

Thường thường các ngôi nhà ở phố cổ Đồng Văn đều được trang trí, sắp đặt giống nhau do ảnh hưởng của văn hóa Trung hoa. Gian giữa là gian quan trọng dùng để đặt bàn thờ thẳng cửa ra vào và cũng là nơi để tiếp khách. Sau bàn thờ của gian giữa và 2 gian bên cạnh là buồng ngủ, buồng giữa sau bàn thờ là buồng của những người lớn tuổi trong gia đình. (ông bà hoặc bố mẹ). Hai bên cạnh là buồng của con cháu, hai gian cạnh tùy theo địa hình và cách bố trí của từng gia đình, nếu đất rộng thì làm bếp riêng, nếu hẹp thì bếp được đặt một trong hai gian cạnh đó, còn một bên là để đặt cầu thang lên gác hai. Gác hai có thể coi như là một cái kho để thóc lúa và các vật dụng trong gia đình...Vì vậy không gian trong gia đình rất gọn gàng và thoáng. Hàng năm các cư dân nơi đây có 2 dịp lễ tết lớn là tết Nguyên Đán và rằm tháng 7 âm lịch. Chỉ trong tháng riêng có 2 ngày rằm là ngày 15 và 30, rằm 15 tiếp tục gói bánh trưng là để ôn lại không khí tết vừa là để báo hiệu một mùa tết sắp qua, rằm 30 là rằm tổng kết hết tết cầu chúc cho một năm mới, một mùa vụ mới thành công và may mắn. Ngoài ra còn có rằm 5/5 tết đoan ngọ, 15/8 lúa mới, 15/9 tiếng địa phương gọi là (khẩu rang) nghĩa là mừng lúa đã trổ bông...

Chợ Phố cổ xưa kia

Các ngôi nhà cổ Đồng Văn trải qua nhiều thời đại, nhiều thế hệ sử dụng, do hoàn cảnh lịch sử, thiên tai, quá trình lão hóa của các nguyên vật liệu, sự hủy hoại của môi trường khí hậu khắc nghiệt nơi cao nguyên cộng với chiến tranh biên giới hiện nay nhiều ngôi nhà đã bị hư hại. Vẻ bề thế xưa kia của khu nhà ít nhiều bị giảm làm mất đi một phần sự thâm trầm vốn có của khu phố. Hiện nay các ngôi nhà cổ phần lớn tồn tại dưới dạng chắp vá, nhiều ngôi nhà không có người tu sửa tôn tạo nên đã đổ sập, mất đi vĩnh viễn giá trị nghệ thuât (như tòa nhà UBND xã cũ là khu vực trạm Y Tế hiện nay chỉ còn lại móng nhà) hay như nhà bà Tân thôn Quyết Tiến đã bị sập một phần tường ngôi nhà hoặc một số ngôi nhà do ý thức con ngươi gây ra như nhà ông Khoa do ông Rực lái xe cho công ty thương nghiệp Đồng Văn đâm vào năn 1982, làm sập hàng cột hiên và sửa lại không còn được nguyên vẹn như trước làm mất đi dáng vẻ oai nghiêm của ngôi nhà, như ngôi nhà cung phàng (chỗ trụ sơ Công An huyện hiện nay) do nhà nước xóa bỏ khi chuyển huyện năm 1984. Ngoài ra con do qua trình phát triên đô thi ột cách ồ ạt, ý thức bảo tồn của một số hộ gia đình chưa cao nên quá trình sửa chữa xây dựng đã làm thay đổi hình dáng kiến trúc ban đầu.

Tuy vậy những gì còn lại cũng đủ để chúng ta thấy phần nào của lịch sử, hiện nay UBND đã và đang có những kế hoạch vàg giai pháp thực hiện để bảo tồn khu phố.

3. Khu chợ:

Dưới thời Pháp thuộc thực dân pháp độc quyền về trồng thuốc phiện, khu vực phố cổ Đồng văn ngày nay gồm khu chợ cổ và hai xóm Đồng Tâm, Quyết Tiến trở thành trung tâm sầm uất về buôn bán thuốc phiện. Các thương nhân từ miền xuôi lên theo đường cao bằng sang, từ trung quốc đến để làm ăn buôn bán. Từ đó hình thành con đường  tơ lụa từ Đồng văn sang Cao Bằng rồi xuất đi nước ngoài và trao đổi hàng hoá trở lại Đồng văn buôn bán...Từ đó hình thành khu chợ mà nhân dân nơi đây gọi là (Tòng Puốn) tức Đồng văn ngày nay.

Khu chợ cổ nằm đối diện khu nhà cổ, đây là nơi giao thương của đồng bào các dân tộc. Xưa kia khu chợ này rất sầm uất nhưng nhà chợ chỉ là nhưng quán hàng được lợp bằng gianh,  tre, nứa, lá. Vào tết Nguyên Đán 1923 khu vực Phố cổ Đồng Văn sẩy ra một vụ hỏa hoạn làm cháy hết các ngôi nhà lợp bằng lá. Người Pháp cai trị Đồng Văn thơi đó đã quy hoạch lại và cử một số người Tày, Mông sang thuê thợ từ Trung Quốc sang thiết kế xây dựng khu nhà chợ ngày nay vào năm 1925-1928.

Khu chợ cổ có kết cấu hình chữ U theo lối kiến trúc Việt Hoa, có sự giao thoa kinh tế rất hợp phong thủy miền cao nguyên. Toàn bộ khu chợ này hiện nay vẫn con nguyên vẹn, có những dãy cột đá lớn 3,4 người ôm được đục đẽo rât công phu, vì kèo băng gỗ và toàn bộ phần mái được lợp bằng ngói máng và ngói âm dương.

Để phát huy tiềm năng đó, từ tháng 4 năm 2006 UBND huyện Đồng Văv quyết định tổ chức mỗi tháng “Đêm phố cổ Đông Văn”vào các ngày 15 Âm lịch hàng tháng. Cảnh quan khu phố bao quát một màu rêu phong cổ kính pha trộn với ánh đèn lồng lung linh huyền ảo, lãng mạn, hư hư, thực thực phảng phất những dấu ấn của thời xưa cũ. Mặc dù cường độ ánh sáng giảm đi xong chất men say của thị trấn lãng mạn đã bốc mạnh trong mỗi con người khi đi qua phố cổ. T rong thời gian diễn ra đêm phố cổ tại đây sẽ bao gồm liên hoan ẩm thực với các món ăn đăc trưng của đồng bào các dân tộc, trình diễn văn nghệ dân gian, các nghề truyền thống hay các gian hàng bày bán sản vật của địa phương. Bên cạnh đó, cả khu phố sẽ treo đèn lông đỏ trước cửa nhà và điêu đó đã góp phần tôn thêm sức sống mới cho phố cổ. Trong bầu không khí lãng mạn đó các bạn hãy cảm nhận sự hiện hữu bằng việc nếm một vài món ăn mang hương vị phố núi như: Thắng cố, mèn mén, hay rượu ngô đặc sản...của đồng bào dân tộc nơi đây phục vụ du khách đến với phố cổ.

Đặc biệt du khách đến với phố cổ Đồng văn vào những ngày chợ phiên được tổ chức vào chủ nhật hàng tuần, đây là nơi giao lưu sinh hoạt văn hoá độc đáo của người dân vùng cao. Một không khí ồn ào, tấp nập và huyên náo. Vào các phiên chợ đồng bào thường ăn mặc sặc sỡ đủ các loại màu sắc và đưa cả gia đình đi chợ. Họ có thể đi mất cả nửa ngày đường mới tới chợ, có người đi chợ để mua bán sẩn phẩm hàng hoá. Các bà vợ bà mẹ thì đi chợ mua sắm, các ông chồng đi chợ để giao lưu uống rượu ăn thắng cố, còn các thanh niên nam nữ thì đi đến chợ để giao lưu tìm kiếm bạn tình.đây là những biểu hiện đậm nét bản sắc văn hoá chợ của vùng cao nguyên đá. Chúng ta có thể bắt gặp đâu đó hình ảnh người vợ đứng che ô chờ chồng say rượu ngủ ở góc chợ, lề đường. Đó là hình ảnh đẹp mang đậm bản sắc không nơi nào có được. Góp phần thu hút khách du lịch đến với phố cổ ngày một nhiều hơn và thúc đẩy tiềm năng du lịch của Đồng Văn ngày một phát triển trong tương lai.

Phố cổ Đồng văn không quá sôi động như phố cổ Hội An và cũng không quá trang nghiêm như Cố Đô Huế nhưng nó mang nét độc đáo, riêng biệt mang một vẻ thuần khiết, thu hút những tâm hồn ưa chuộng lãng mạn của những ngày xa xưa.

Với những nét cổ kính rêu phong tồn tại theo dòng chảy của thời gian. Phố cổ Đồng văn đã được công nhận là Di tích Quốc gia, Di tích Kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 4195/QĐ-BVHTTDL ngày 16/11/2009 của Bộ VHTT&DL.

       

                                                 

TTTĐT

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập