Văn hóa - Xã hội

Sẻ chia khó khăn với học sinh vùng cao

15/03/2023 17:31 68 lượt xem

 

 TTTĐT - Chiều 13.3, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và ông Đỗ Hoàng Lộc - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Lộc Thành Phát, đã trao tặng 165 bộ bàn ghế học sinh, 16 máy vi tính đã qua sử dụng, 50 đệm nằm, 100 chiếu nhựa và 20 chăn (trị giá gần 300 triệu đồng) cho Học sinh hai Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và Trung học cơ sở xã Sảng Tủng và xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Sẻ chia khó khăn với học sinh vùng cao
Lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng BIDV thành phố Hồ Chí Minh vàCông ty TNHH Thương mại dịch vụ Lộc Thành Phát trao tặng một số trang thiết bị cho nhà trường xã Vần Chải

ảnh lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng BIDV Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Lộc Thành Phát trao tặng máy tính cho nhà trường xã Vần Chải

Xã Sảng Tủng và xã Vần Chải đều là hai xã nội địa rất khó khăn của huyện vùng cao núi đá Đồng Văn, cách khá xa trung tâm huyện: xã Vần Chải cách trung tâm huyện gần 40km và xã Sảng Tủng gần 30km. 100% người dân nơi đây là đồng bào dân tộc Mông; sống không tập trung, rải rác trên các đỉnh núi. Địa hình chia cắt mạnh, giao thông đi lại rất khó khăn. Thời tiết khí hậu khắc nghiệt, mùa đông có năm có tuyết, băng giá và sương muối. Kinh tế của người dân chủ yếu vẫn dựa vào những nương ngô, đậu tương, và chăn nuôi bò, lợn. Thời gian qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, đời sống đồng bào các dân tộc đã có những đổi thay tích cực. Tuy nhiên, về tổng thể đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo của hai xã còn rất cao; trong đó xã Vần Chải chiếm 79,4%, xã Sảng Tủng chiếm 67,8%.

Trường PT DTBT Tiểu học và THCS xã Sảng Tủng

ảnh lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng BIDV thành phố Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Lộc Thành Phát trao tặng máy tính cho nhà trường xã Sảng Tủng

Theo bà Trần Thị Lâm, phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn cho biết: Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và Trung học cơ sở xã Sảng Tủng và xã Vần Chải, tổng hai trường gồm có 69 lớp học, với trên 2.000 học sinh, trong đó có 1.039 là học sinh nghèo. 100% là con em đồng bào dân tộc Mông. Thời gian qua, với sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương và của các nhà thiện nguyện, các trường học đã được đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, tuy nhiên, cơ sở vật chất của các trường học trên địa bàn toàn huyện nói chung và hai trường Vần Chải và xã Sảng Tủng nói riêng, nhất là trang thiết bị như giường, chăn ấm, thiết bị đựng nước sinh hoạt cho học sinh bán trú còn thiếu thốn, đặc biệt là trang thiết bị dạy và học môn Tin học cho học sinh chưa đáp ứng được nhu cầu.

Thầy Phạm Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và Trung học cơ sở xã Vần Chải xúc động và gửi lời cảm ơn lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng BIDV thành phố Hồ Chí Minh và ông Đỗ Hoàng Lộc - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Lộc Thành Phát, đã đến thăm hỗ trợ những món quà vô cùng ý nghĩa, thiết thực đối với nhà trường, giúp cho các em an tâm học hành hơn, đồng thời có điều kiện tiếp cận với thiết bị máy tính phục vụ học tập tốt hơn.

Thông qua hoạt động hỗ trợ đã kịp thời khích lệ, động viên, giúp đỡ, sẻ chia với những khó khăn, giúp cho các em học sinh khu vực vùng cao núi đá Hà Giang có thêm điều kiện, động lực để vươn lên trong cuộc sống và học tập.

Ông Lê Xuân Quang, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng BIDV thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, đơn vị luôn quan tâm đóng góp hỗ trợ cộng đồng. Trong thời gian qua Chi nhánh Ngân hàng BIDV thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện hỗ trợ hàng chục tỷ đồng thực hiện an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ xây dựng một số trường học, cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp nhiều khó khăn”.

Thời gian tới, Ngân hàng BIDV Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục gắn kinh doanh với trách nhiệm xã hội cộng đồng, thực hiện an sinh xã hội cùng chung tay “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhất là những nơi khó khăn như tỉnh Hà Giang có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Bài, ảnh: Dương Ngọc Đức (Đồng Văn)

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập