Văn hóa - Xã hội

“Cuộc cách mạng” di dời chuồng trại

18/01/2024 08:41 63 lượt xem

TTTĐT - Đối với người dân vùng cao họ quan niệm chuồng trại chăn nuôi đặt gần nhà ở sẽ thuận lợi cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như tránh bị mất trộm. Song, bằng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong việc vận động người dân di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở trên địa bàn huyện Đồng Văn đã trở thành một cuộc cách mạng thay đổi tư duy và nhận thức. Đến nay, trên địa bàn huyện Đồng Văn đã xây dựng và hình thành lên các làng văn hóa du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách từ “cuộc cách mạng” di dời chuồng trại để phát triển du lịch.

“Cuộc cách mạng” di dời chuồng trại
Cán bộ công chức, viên chức và nhân dân thôn Lán Xì, xã Phố Cáo di dời chuồng trại ra xa nhà ở

Thôn Lán Xì, xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn nằm dọc theo Quốc lộ 4C thôn có vị trí thuận lợi nằm ngay cửa ngõ dẫn vào trung tâm huyện. Hiện, toàn thôn Lán Xì hiện có 74 hộ, với trên 90% người dân là đồng bào Mông. Hiện, người dân trong thôn vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc, đặc biệt là kiến trúc truyền thống nhà trình tường, mái lợp ngói âm dương. Nơi đây có điều kiện rất thuận lợi cho phát triển du lịch cộng đồng. Thời gian qua, bên cạnh các nguồn lực hỗ trợ, cấp ủy chính quyền cũng đã chủ động tuyên truyền, hỗ trợ người dân di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở để tập trung phát triển du lịch. 

Đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Bí thư huyện ủy Đồng Văn kiểm tra hoạt động di dời chuồng trại tại thôn Lán Xì, xã Phố Cáo. 

Ông Giàng Mí Say, Chủ tịch UBND xã Phố Cáo cho biết: Để phát triển du lịch cộng đồng thời cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, tập trung hỗ trợ nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng. Đồng thời, tổ chức huy động cán bộ công chức, viên chức hỗ trợ giúp người dân di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở. Đến nay, người dân trong thôn cũng đã từng bước nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Hầu hết các chuồng nuôi nhốt bò di chuyển và được xây mới đã được người dân di dời cách xa khu vực nhà ở từ 20 đến 25 mét trở lên. Hiện, toàn thôn Lán Xì đã di dời được 100% số chuồng trại theo kế hoạch. Đây là thành công lớn của người dân trong việc thay đổi thói quen, nhận thức và hành động của người dân đối với việc nuôi nhốt gia súc gần nhà. 

Xã Lũng Cú là một trong những địa phương có kinh nghiệm trong việc di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà ở để phát triển du lịch cộng đồng. Trước đây đa phần các hộ dân ở đây đều xây dựng chuồng trại sát nhà ở, gây ô nhiễm, cản trở phát triển du lịch. Xã đã tập trung tuyên truyền vận động lấy người làm trước hướng dẫn người làm sau, lấy thôn làm thành công để làm điểm hướng dẫn các thôn khác làm theo. Khi nhận thấy được lợi ích của việc thay đổi nhiều gia đình đã quyết tâm di chuyển chuồng trại ra xa nhà ở để chuyển sang làm du lịch. Đến nay, xã Lũng Cú đã xây dựng được hai làng văn hóa thu hút du khách đó là làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải và năm 2023 là làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Thèn Pả.

Ông Ma Doãn Khánh, Chủ tịch UBND xã Lũng Cú cho biết: Chấp nhận phát triển mô hình homestay cũng đồng nghĩa với các hộ gia đình sẽ có thêm thu nhập, nếu như trước đây mỗi lứa bò chỉ cho thu nhập khoảng 40 đến 50 triệu đồng thì bây giờ trung bình mỗi hộ gia đình làm du lịch thu về trên 200 triệu đồng một năm. Hơn hết từ những nỗ lực của cấp ủy chính quyền và sự ý thức của người dân đã thay đổi được các thói quen, tập quán sinh hoạt cũ từ đó đã mang lại sự tươi tắn về một diện mạo mới xanh, sạch, đẹp để lại những ấn tượng trong lòng du khách gần, xa. 

Ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Bằng sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động người dân đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường. Từ đó, đã góp phần xây dựng lên các làng văn hóa du lịch cộng đồng, thân thiện, sạch đẹp và trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Đến nay, huyện đã hình thành lên các làng văn hóa tiểu biểu thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến thăm quan mỗi năm như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lũng Cẩm Trên; làng văn hóa du lịch tiêu biểu thôn Má Lé, xã Ma Lé; làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Thèn Pả và thôn Lô Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, xã Lũng Cú. Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lán Xì, Thiên Hương, Khia Lía… trở thành những làng văn hóa du lịch cộng đồng để du khách thăm quan, nghỉ dưỡng.

Có thể nói việc di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở để làm du lịch trên địa bàn huyện Đồng Văn được coi như là “cuộc cách mạng” thay đổi, tư duy, nếp sống mới cho người dân. Từ đó, đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường từng bước mở ra hướng phát triển du lịch cộng đồng bền vững, giúp người dân nơi biên cương nơi địa đầu của Tổ quốc vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê mình./.

Thiện Ngay - TTVH,TT&DL

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập