Văn hóa - Xã hội

Đồng Văn: Lễ cúng thần rừng dòng họ Thào xã Sính Lủng

21/09/2023 23:22 154 lượt xem

 

TTTĐT - Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống ngày 16 – 9 dòng họ Thào, thôn Sính Lủng, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn đã tổ chức lễ cúng thần rừng để cầu cho mưa thuận, gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu. Đây là nghi lễ có từ lâu đời và đã trở thành hoạt động thường niên và được tổ chức mỗi năm một lần tại xã Sính Lủng.

Đồng Văn: Lễ cúng thần rừng dòng họ Thào xã Sính Lủng
Bà con thực hiện nghi lễ

Bà con thắp hương trong ngày lễ

Lễ cúng thần rừng của dòng họ Thào thôn Sính Lủng là nghi lễ có từ lâu đời, tồn tại và phát triển cùng với nhiều thế hệ con, cháu trong dòng họ. Theo quan niệm từ xa xưa, thế giới tâm linh của đồng bào người Mông có các vị thần như: Thần núi, thần rừng... bởi vậy, đồng bào tổ chức các lễ cúng, lễ hội để cảm tạ các vị thần đã che chở cho họ trong cuộc sống và hòa mình cùng với thiên nhiên, tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên, coi rừng là bạn, gắn bó với rừng. Thờ thần rừng là để phù hộ dân làng khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt, thú dữ không vào quấy rối và đặc biệt là giữ rừng. Xuất phát từ quan niệm trên, con cháu của dòng họ Thào đã lập miếu đầu làng thờ thần rừng với niềm tin được một cuộc sống thanh bình, an nhiên.

Dòng họ Thào, thôn Sính Lủng có trên 50 hộ với hơn 10 đời con, cháu tiếp nối nhau thực hiện nghi lễ cúng thần rừng vào ngày 02 tháng 8 âm lịch hàng năm. Họ cho rằng đó là ngày sạch, trời đất linh thiêng. Lễ cúng được tiến hành qua 2 bước là cúng lễ sống và lễ chín. Các lễ vật dâng lên bao gồm một con dê và một con gà, 3 miếng đậu phụ 3 miếng bánh trưng. Tiếp đó, con cháu mang lễ vật cúng dâng lên thần rừng và thành kính xin thề trước thần rừng sẽ giữ gìn, bảo vệ, không chặt phá rừng, ai săn bắn, chặt cây sẽ bị thần rừng trừng phạt. Sau khi buổi lễ hoàn tất, thầy cúng và người có uy tín sẽ buộc 3 mảnh vải đỏ lên các vị thần với quan niệm mặc áo mới để con cháu ngày càng đổi mới và thành đạt.

Lễ cúng thần rừng diễn ra trong một ngày với không khí vui tươi, phấn khởi đoàn kết của con cháu dòng họ Thào. Đây không chỉ mang yếu tố tâm linh mà còn nhắc nhở mọi người cần phải bảo vệ rừng cũng như giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên của vùng cao núi đá. Đồng thời, nghi lễ còn mang những giá trị sâu sắc về tinh thần, khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng các dân tộc luôn hòa mình và gắn chặt với thiên nhiên./.

Thiện Ngay - TTVH,TT&DL

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập