Chính trị

71 năm một chặng đường lịch sử của Đảng bộ huyện Đồng Văn

05/01/2019 00:00 184 lượt xem

TTĐT: Cách đây đúng 71 năm, (ngày 06/01/1948 – 06/01/2019), Chi bộ đầu tiên của huyện Đồng Văn được thành lập tại Phân khu Yên Minh, Chi bộ được thành lập có nhiệm vụ cấp bách là thực hiện việc lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở Đồng Văn lúc bấy giờ.

Trong bối cảnh chung của đất nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Đặc biệt đối với huyện Đồng Văn thời kỳ này lại càng khó khăn hơn. Cơ sở của ta chỉ có một vài nơi trong phân khu Yên Minh nhưng còn yếu chưa phát triển được, bên cạnh đó thế lực thổ ty đang còn rất mạnh. Các chính sách của Đảng và Nhà nước đã được triển khai ở vùng tự do, nhưng chưa được thi hành ở đây, không có cuộc vận động tăng gia sản xuất, tiết kiệm, nuôi quân, tòng quân giết giặc, không có phong trào xóa nạn mù chữ, các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc, mê tín dị đoan vẫn đương nhiên tồn tại...


         Thực dân Pháp và quân đội tại Đồng Văn (1923-1925) Ảnh: Quốc Tuấn sưu tầm
Nhiệm vụ đặt ra là hết sức cấp bách, để lãnh đạo phong trào cách mạng ở Đồng Văn, lúc này là phải có tổ chức Đảng. Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đó, Tỉnh ủy Hà Giang đã quyết định cho thành lập Chi bộ Đảng ở phân khu Yên Minh. Ngày 6/1/1948, chi bộ được thành lập. Đây là chi bộ đầu tiên của huyện Đồng Văn gồm các đồng chí: Chu Văn Niệm, Kim Sơn, Đức Minh và đồng chí Kỳ. Đồng chí Chu Văn Niệm được chỉ định làm bí thư chi bộ. Các đồng chí Kim Sơn, Đức Minh là dân tộc Tày đây là những đảng viên Đầu tiên của huyện Đồng Văn.
Sự ra đời của chi bộ là bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển phong trào cách mạng của huyện Đồng Văn. Từ đây, phong trào cách mạng trong huyện bắt đầu có điều kiện để đi vào chiều sâu và vững bước cùng cả tỉnh tiến lên trước những thử thách mới. Ngay sau khi thành lập, chi bộ phân khu Yên Minh đã tập chung vào việc xây dựng , củng cố tổ chức Mặt trận Việt Minh và xây dựng cơ sở Đảng, nhất là các xã thuộc vùng thổ ty cai quản, từng bước tuyên truyền trong nhân dân những chủ trương chính sách của Đảng và chính phủ, nhằm thu hẹp dần ảnh hưởng của thổ ty với đồng bào.


                          Chợ Đồng Văn thời Pháp thuộc (Ảnh: Quốc Tuấn sưu tầm)
Để tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng ở khu vực này, ngày 6/3/1949, Tỉnh ủy ra quyết định thành lập Ban Huyện ủy lâm thời huyện Đồng Văn gồm có 4 ủy viên, Đồng chí Triệu Quý Gia được chỉ định làm bí thư Huyện ủy lâm thời và cũng là bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện Đồng Văn, nhiều cán bộ được tăng cường lên công tác tại huyện Đồng Văn, tại thời điểm này toàn đảng bộ đã có 17 đảng viên..... Từ sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Tỉnh ủy về mọi mặt, Huyện ủy Đồng Văn đã từng bước được củng cố và kiện toàn. Cuối năm 1950, ta chuyển cơ quan Huyện ủy, Mặt trận huyện và các tổ chức quần chúng từ Yên Minh lên đóng tại xã Đồng Văn và sau đó chuyển hẳn về Phó Bảng. Cùng lúc này ta bàn với chủ tịch huyện lập tòa án tại đây và thiết lập một số đồn Công an ở Phó Bảng, Đồng Văn, Khâu Vai, để giúp Ủy ban hành chính huyện trong việc xét xử và giữ gìn trật tự an ninh.
Cùng với những thắng lợi ngày càng to lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, đặc biệt là từ chiến dịch biên giới tháng 10 năm 1950, Pháp rút khỏi Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Lào Cai và Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang. Bên kia biên giới, Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch bị quét sạch, "thổ ty ở Đồng Văn" mất chỗ dựa, buộc phải thay đổi thái độ với ta. Việc Huyện ủy Đồng Văn công khai hoạt động trên đất thổ ty là một quyết định đúng đắn, khẳng định lợi thế so sánh giữa ta và thổ ty, việc làm này đã góp phần rất lớn vào công tác xây dựng, phát triển cơ sở quần chúng trong vùng thổ ty, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, từng bước cải tạo chế độ thổ ty ở Đồng Văn. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, trong điều kiện dân chúng còn mù chữ, đói nghèo, khổ cực, đường xá đi lại khó khăn, từ tháng 6 năm 1950, Huyện ủy Đồng Văn đã rất cố gắng khắc phục mọi trở ngại, cải thiện dân sinh, thường xuyên mở các cuộc vận động sản xuất, cứu đói, cứu rét, tiếp tế cho dân chúng, giúp đỡ dân nghèo, khai phá rừng hoang, tăng gia sản xuất, tăng diện tích trồng ngô... nhờ đó, đời sống của nhân dân tương đối dễ chịu hơn trước. Việc lãnh đạo đấu tranh giảm tô đã được thực hiện ở các xã Yên Minh, Mậu Duệ, Bạch Đích nhưng mới có ruộng để cấy rẽ. Tình trạng cho vay nặng lãi ở Đồng Văn vẫn còn nhưng đã giảm từ 350% xuống còn 150%. Mặt khác, ngoài số tiền được tỉnh cho dân nghèo vay được 1 triệu đồng, huyện đã cố gắng tìm cách giúp đỡ dân nghèo bằng cách huy động vốn của người giàu có tinh thần tiến bộ cho vay được 10 con trâu, bò và một số tiền dự trữ. Các đợt vận động chính trị đoàn kết dân tộc , tuyên truyền vạch trần âm mưu chia rẽ của địch... đã góp phần làm cho nhân dân hiểu biết về chính quyền cách mạng, mở rộng ảnh hưởng của chính phủ trong nhân dân, gây dựng được một số cơ sở trong dân, tuy còn rất mỏng và chưa vững chắc.
                                               (Toàn cảnh Đồng Văn năm 2018)
71 năm, một chặng đường lịch sử với 20 nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn đã và đang từng bước khắc phục mọi khó khăn, cùng cả nước chung tay xây dựng và bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Từ 1 chi bộ phân khu Yên Minh năm 1948 đến nay Đảng bộ huyện Đồng Văn có 68 chi, đảng bộ cơ sở; Có 324 chi bộ dưới đảng bộ với 4.553 đảng viên. Dưới sự lãnh đạo toàn diện về mọi mặt của Đảng, sự đoàn kết thống nhất ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, năm 2018, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 603,7 tỷ đồng; độ che phủ rừng đạt 40,60%; Giá trị sản phẩm thu hoạch/Ha diện tích canh tác cây đạt 35,8 triệu đồng/ha; Sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 354kg. Đảng bộ huyện tập chung chỉ đạo phát triển các loại cây trồng vật nuôi có lợi thế trên địa bàn như: "3 cây" Cây tam giác mạch, cây lê, cây dược liệu và "4 con" con bò, con dê, con lợn và con ong. Lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Đồng Văn năm 2018 trên 300 nghìn người. Kinh tế phát triển đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Các chính sách ưu đãi cho người dân như: vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi và kinh doanh; Chính sách người có công với nước; Hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư; Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ổn định và giữ vững.
Đến với Đồng Văn hôm nay, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự chuyển mình của một huyện vùng cao biên giới nơi cực Bắc, mỗi người dân, mỗi thôn bản và toàn Đảng bộ đang chung sức xây dựng nông thôn mới, tiếp bước thế hệ cha anh đi trước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.


 


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập