Hoạt động của tỉnh

Hội thảo lấy ý kiến vào các dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

17/09/2019 00:00 498 lượt xem

Chiều ngày 16/9, Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội thảo tham gia ý kiến vào các dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung này. Đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà và đồng chí Nguyễn Trung Tài, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức - Nội vụ tỉnh đồng chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành, thường trực HĐND, UBND một số huyện, thành phố, lãnh đạo các phòng, ban liên quan các huyện.

 Tại Hội thảo, trên cơ sở đề dẫn của Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung. Trong đó, đối với Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho thấy: Sau gần 03 năm triển khai thi hành Luật, hoạt động của Chính phủ khóa XIV đã và đang đạt được nhiều kết quả tích cực; hoạt động của các cấp chính quyền địa phương dần đi vào ổn định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã phát sinh nhiều vấn đề cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Dự thảo Luật lần này sửa đổi, bổ sung 5 điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 29 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đối với một số nội dung về chính quyền địa phương còn thiếu so với Hiến pháp năm 2013, như: Thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; quy định đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; quy định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; quy định về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; quy định về phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương; về việc thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước cấp trên giao.

Về việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, đa số các vị đại biểu đều đồng tình và nhất trí với nội dung dự thảo Luật như: Về khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập các tổ chức hành chính (khoản 3 Điều 23); về số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của người đứng đầu tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (khoản 3 và khoản 4 Điều 23), tuy nhiên cần thực hiện thí điểm để đánh giá hiệu quả rồi mới thực hiện.

Về việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề như: Việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền trong việc điều hành của chính quyền địa phương các cấp như dự thảo luật là hợp lý. Đồng thời cần quy định rõ, cụ thể những nội dung được phân cấp, phân quyền làm cơ sở để thực hiện.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND: Trong đó quy định về số lượng đại biểu HĐND các cấp, số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; về Thường trực HĐND, số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh và việc thành lập các Ban HĐND tỉnh; về HĐND cấp xã đa số các đại biểu đều có ý kiến đề nghị giữ nguyên theo quy định của luật là 2 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, huyện để tham mưu, giúp việc cho Chủ tịch HĐND tỉnh, huyện. Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, huyện là đại biểu nhân dân hoạt động chuyên trách. Có nhiều ý kiến cho rằng đề nghị cơ quan soạn thảo giữ nguyên nội dung này không sửa đổi, bổ sung.

Về cơ cấu thành viên UBND, số lượng Phó Chủ tịch UBND và hoạt động của UBND, quy định như dự thảo chưa đảm bảo đối với những tỉnh, huyện, xã vùng đặc biệt khó khăn có địa hình phức tạp, đề nghị giữ nguyên không sửa đổi.

Đối với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cho thấy: Sau hơn 8 năm thực hiện Luật CBCC và hơn 6 năm thực hiện Luật Viên chức thì một số quy định của Luật CBCC và Luật Viên chức đã bộc lộ những bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ với các quy định mới của Đảng; giải quyết các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn; đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung các luật quy định về tổ chức bộ máy và định hướng cải cách tiền lương đã được đề ra. 

Dự thảo sửa đổi quy định tại Điều 6 về chính sách đối với người có tài năng theo hướng Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách đối với người có tài năng trong từng ngành, lĩnh vực và phân cấp cho bộ, ngành địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể của bộ, ngành, địa phương quy định chi tiết chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ người có tài năng.

Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 34 về phân loại công chức, theo đó đề xuất Luật CBCC sẽ không khống chế số lượng ngạch công chức từ cao xuống thấp chỉ có 4 loại (A,B,C,D) như trước đây mà giao cho Chính phủ quy định cụ thể thứ bậc các ngạch công chức chuyên ngành từ cao xuống thấp để tạo cơ sở thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm và trả lương theo vị trí việc làm.

Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 44, Điều 45 và Điều 46 về ngạch và nâng ngạch công chức theo hướng quy định 2 phương thức thi hoặc xét nâng ngạch; bổ sung quy định công chức trúng tuyển kỳ thi hoặc xét nâng ngạch được bổ nhiệm vào ngạch cao hơn, đồng thời được bố trí vào vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức mới được bổ nhiệm để gắn công tác thi hoặc xét nâng ngạch công chức với công tác bố trí sử dụng.

Bổ sung khoản 5 vào Điều 78 và sửa đổi Điều 79 quy định kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, bảo đảm đồng bộ với kỷ luật đảng nhằm mục đích xử lý nghiêm những người có sai phạm…

Về nội dung này, đa số các đại biểu đều đồng tình nhất trí, tuy nhiên nhiều đại biểu cũng bày tỏ quan điểm và đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ thêm những quy định cụ thể đối tượng là công chức (khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật - sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 của Luật Cán bộ, công chức).

Về chính sách đối với người có tài năng (khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật - sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Luật Cán bộ, công chức), cần chỉ rõ khái niệm như nào là người có tài năng.

Về phân loại đánh giá cán bộ (Điều 29 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức); phân loại ngạch công chức (khoản 4 Điều 1 của dự thảo Luật - sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 34 của Luật Cán bộ, công chức); phân loại đánh giá công chức (khoản 11 Điều 1 của dự thảo Luật - sửa đổi, bổ sung Điều 58 của Luật Cán bộ, công chức), có ý kiến cho rằng hàng năm đã tổ chức đánh giá, bình xét phân loại cán bộ công chức tuy nhiên do các cơ quan, tổ chức chưa đánh giá đúng thực chất, còn nể nang, né tránh chính vì vậy chỉ cần làm tốt theo đúng quy định của Luật đã ban hành là được.

Về phương thức tuyển dụng công chức (khoản 5 Điều 1 của dự thảo Luật - sửa đổi, bổ sung Điều 37 của Luật Cán bộ, công chức). Quy định như vậy có bảo đảm thống nhất Luật Giáo dục về chế độ cử tuyển không; việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức (khoản 6 Điều 1 của dự thảo Luật - sửa đổi, bổ sung Điều 39 của Luật Cán bộ, công chức); tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi nâng ngạch và xét hạ ngạch công chức (khoản 8a Điều 1 của dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 45 của Luật Cán bộ, công chức). Quy định như dự thảo là chặt chẽ tuy nhiên cần giảm bớt các văn bằng, chứng chỉ để tránh tình trạng nhiều bằng cấp không cần thiết.

Nhất trí về ngạch công chức (khoản 7 Điều 1 của dự thảo Luật - sửa đổi, bổ sung Điều 42 của Luật Cán bộ, công chức) và nội dung đánh giá công chức (khoản 10 Điều 1 của dự thảo Luật- sửa đổi, bổ sung Điều 56 của Luật Cán bộ, công chức), quy định như dự thảo đã đầy đủ.

Về hình thức kỷ luật giáng chức (khoản 13 Điều 1 của dự thảo Luật - sửa đổi, bổ sung Điều 79 của Luật Cán bộ, công chức); thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức (khoản 14 Điều 1 của dự thảo Luật - sửa đổi, bổ sung Điều 80 của Luật Cán bộ, công chức); xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu (khoản 16 Điều 1 của dự thảo Luật - sửa đổi, bổ sung Điều 84 của Luật Cán bộ, công chức). Đa số các ý kiến đều cho rằng cần xem lại thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức cho phù hợp với quy định điều tra, xét xử; cần tăng nặng mức xử lý kỷ luật cho đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và tương thích với quy định về xử lý kỷ luật đảng viên. Có ý kiến cho rằng đề nghị quy định rõ, cụ thể đối với những trường hợp nào vi phạm thì có mức hình thức kỷ luật như cách chức, buộc thôi việc, kỷ luật trong chính quyền, truy tố trách nhiệm hình sự...

Về việc sửa đổi, bổ sung của Luật Viên chức: Dự thảo sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 7 về vị trí việc làm, theo đó xác định rõ vị trí việc làm là căn cứ để xác định biên chế, thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và trả lương đối với viên chức.

Sửa đổi, bổ sung các điều 25, 28, 29 về các loại hợp đồng làm việc để thể chế hóa chủ trương thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới và để giải quyết vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 41 về nội dung đánh giá viên chức bảo đảm xuyên suốt, liên tục, đa chiều, dân chủ, khách quan, phù hợp với từng ngành nghề, lĩnh vực.

Đồng thời bổ sung khoản 5 vào Điều 52 quy định kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc đã chuyển công tác nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, bảo đảm tương thích với kỷ luật đảng nhằm mục đích xử lý nghiêm những người có sai phạm. Đa số các đại biểu tập trung vào những nội dung sau: Về thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới (khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật - sửa đổi, bổ sung Điều 25 của Luật Viên chức). Về nội dung đánh giá viên chức (khoản 4 Điều 2 dự thảo Luật- sửa đổi, bổ sung Điều 41 của Luật Viên chức); thời hiệu xử lý kỷ luật viên chức (khoản 6 Điều 2 của dự thảo Luật - sửa đổi, bổ sung Điều 53 của Luật Viên chức); xử lý kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu (khoản 7b Điều 2 của dự thảo Luật - sửa đổi, bổ sung Điều 60 của Luật Viên chức).  

Về quy định chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức (khoản 7a Điều 2 của dự thảo Luật - sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 58 của Luật Viên chức) có nhiều đại biểu cho rằng cần bổ sung, quy định rõ chế độ, chính sách chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức. Đề nghị bổ sung công chức xã vào luật…

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức - Nội vụ tỉnh phát biểu tại Hội thảo.

Trên cơ sở những ý kiến thảo luận của đại biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trung Tài, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức - Nội vụ tỉnh cũng đã giải thích rõ một số nội dung liên quan đến Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, đồng thời cũng đề nghị bộ phận chuyên môn văn phòng tổng hợp đầy đủ các ý kiến và tham gia ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang trong lần họp tới.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập