Văn hóa - Xã hội

ĐỘC ĐÁO NGÀY HỘI VĂN HÓA VÀ LỄ CÚNG THẦN RỪNG DÂN TỘC CỜ LAO XÃ SÍNH LỦNG

08/10/2019 00:00 92 lượt xem

TTTĐT - Nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa của người dân tộc thiểu số và thực hiện theo đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cờ Lao tỉnh Hà Giang. Ngày 05.10 (9/9 âm lịch) tại Thôn Má Trề xã Sính Lủng huyện Đồng Văn, Ban Dân tộc Tỉnh Hà Giang đã phối hợp với UBND huyện Đồng Văn đã tổ chức Ngày hội văn hóa và lễ cúng thần rừng dân tộc Cờ Lao năm 2019.

Dân tộc Cờ Lao là 1 trong 5 dân tộc thiểu số rất ít người trên địa bàn tỉnh Hà Giang, các dân tộc ít người thường xuyên được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm bảo tồn, phát triển, trong đó hoạt động phục dựng Lễ hội là một hoạt động quan trọng trong việc bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói chung và địa bàn huyện Đồng Văn nói riêng.                                      

Các thôn trên địa bàn xã giao lưu môn kéo co ở phần hội

 Ngày hội văn hóa và lễ hội cúng thần rừng dân tộc Cờ Lao tại xã Sính Lủng, là một hoạt động được tổ chức thường niên, Lễ hội được diễn ra gồm hai phần: Phần lễ: có các nghi thức cúng thần rừng tại khu rừng thiêng thôn Má Trề, do các nghệ nhân dân gian là thầy cúng của người Cờ Lao thực hiện. Phần hội bao gồm các trò chơi dân gian như: Kéo co, đánh yến, đánh sảng và đan lát các vật dụng gia đình. Lễ cúng thần rừng của dân tộc Cờ Lao thôn Má Trề đã có từ rất lâu đời, được lưu giữ và truyền từ đời này sang đời khác, tại thôn Má Trề họ có một khu rừng cấm riêng được giữ gìn và bảo vệ, rừng cấm là nơi “thần rừng” cư ngụ vì vậy dân làng không được phép xâm phạm vào nơi ở của thần rừng, không được chặt phá, lấy củi hay săn bắt thú rừng, lễ cúng được tổ chức vào một lần duy nhất vào ngày 9 tháng 9 âm lịch hàng năm tại khu rừng chính giữa của ngôi làng Cờ Lao thôn Má Trề.                      

Hội thi đan lát tại lễ hội

Nghi lễ cúng thần rừng của dân tộc Cờ Lao cũng được chia thành 2 phần: Phần cúng dâng lễ và phần cúng chín. Phần cúng dâng lễ: Người dân mang các lễ vật như dê, gà, cơm, rượu…với ý ngĩa bày tỏ hôm nay là ngày tốt đẹp dân làng tỏ lòng thành kính với thần rừng, cảm ơn thần rừng che chở, bảo vệ trong năm vừa qua, cứ đến 09/09 âm lịch hằng năm dân làng lại chuẩn bị lễ vật đến để mời các vị thần chứng nhận lòng thành kính của người dân. Phần thứ hai là phần cúng chín: Lễ vật mang lên thần rừng là một con dê đã làm chín, được bày lên, nội dung chính là bày tỏ về công lao của thần rừng và các vị thần với thành ý dân làng không quên nguồn gốc công lao của thần rừng, tổ tiên người Cờ Lao. Cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng có một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng được tươi tốt, con người được mạnh khỏe, no đủ, xua đuổi thú rừng, ma quỷ không quấy rối phá hoại mùa màng của dân làng.                       

Đ/c Nguyễn Ngọc Thanh - TUV, Bí thư Huyện ủy trao giải cho các đội thi có thành tích xuất sắc trong Hội thi

Lễ hội là một hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng mang tính nhân văn và là một món ăn tinh thần vô cùng quý giá cho cộng đồng. Việc thực hiện các nghi lễ sẽ tạo niềm tin, tăng sức mạnh, đoàn kết các dân tộc, hăng say phát triển lao động sản xuất làm giàu cho gia đình và xã hội. Đồng thời lễ hội cũng là dịp để phát hiện và tôn vinh những tài năng, nghệ nhân trong văn hóa, văn nghệ, thể thao, gìn giữ bản sắc văn hóa trong cùng cộng đồng DTTS. Thông qua các hoạt động này, cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con sẽ nâng cao ý thức trong việc gìn giữ bảo vệ bản sắc văn hóa  dân tộc, tự hào về cái hay, cái đẹp trong phong tục tập quán. Khôi phục những nét đẹp truyền thống, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT - XH ở địa phương.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập