Văn hóa - Xã hội

Thêm 02 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia trên Công viên địa chất được công nhận

27/09/2014 00:00 329 lượt xem

Vừa qua, Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL công bố danh sách 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia mới được công nhận.

19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận lần này thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Nghề thủ công truyền thống; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian.
 


Thổ canh hốc đá – phương thức sản xuất lâu đời của đồng bào vùng cao Hà Giang Ảnh: Sưu tầm
 
Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn vinh dự có 02 trong tổng số 19 di sản văn hóa phi vật thể được xếp hạng lần này là: Tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang; Lễ hội năm mới của người Giáy, xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc.

Cao nguyên đá Đồng Văn được du khách biết đến là một “Vương quốc” với những dãy núi đá tai mèo sắc nhọn trùng điệp. Để thích nghi với điều kiện địa hình khó khăn này, người dân bản địa đã sáng tạo ra tri thức canh tác hốc đá để biến những bất lợi của tạo hóa thành những điều kiện thuận lợi phục vụ cuộc sống của bao thế hệ. Phương thức thổ canh hốc đá là kỹ thuật canh tác truyền thống và khá độc đáo ở những nơi có diện tích đá nhiều hơn đất. Tại Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, vào mùa Xuân khi tiết trời ấm áp, bà con rẫy cỏ, xếp đá làm hàng rào giữ đất. Đối với những bãi đất nhỏ, bằng phẳng thì dùng cày, bừa cho đất tơi xốp. Còn với những hốc đá trên cao thì phải gùi đất đổ vào, tra các loại hạt giống xuống đất rồi chờ những cơn mưa chúng sẽ nảy mầm, chỉ vài tháng sau cho những khóm xanh tốt.

Đối với Di sản Lễ hội năm mới của người Giáy, đây là một nghi lễ truyền thống được cộng đồng người Giáy tại khu vực Mèo Vạc gìn giữ qua nhiều thế hệ.  Lễ hội “Mừng năm mới” của người Giáy diễn ra trong suốt cả tháng Giêng, bắt đầu từ ngày mùng một Tết. Đây là dịp để mọi người khấn cầu thần linh mang lại cho họ mùa màng bội thu, cây lúa trổ bông dày hạt, dân bản ấm no và hạnh phúc. Năm mới đến cũng là lúc để mọi người xua đi những rủi ro của năm cũ; điều tốt lành ở lại, cái xấu ra đi. Lễ hội “Mừng năm mới” của người Giáy không kiêng kỵ với người ngoài, vì thế các dân tộc khác cùng sinh sống trong vùng có thể cùng tham gia.

Là một khu vực có điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn nhưng với số lượng những di sản được công nhận cho đến nay trong toàn khu vực, Công viên địa chất đã khẳng định đây là một khu vực có nền văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của các dân tộc thiểu số sống ở miền núi phía Bắc của tổ quốc.

Cũng trong Quyết định này, Hà Giang vinh dự có thêm di sản Tết Khu Cù Tê của người La Chí (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
 
Danh sách các di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia được công nhận theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
1. Chữ Nôm của người Tày – Tỉnh Bắc Kạn
2. Lượn Slương của người Tày – Tỉnh Bắc Kạn
3. Hát Bội Bình Định – Tỉnh Bình Định
4. Nghệ thuật Bài Chòi – Tỉnh Bình Định; Phú Yên; Quảng Nam
5. Nghi lễ Then của người Tày – Tỉnh Cao Bằng
6. Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước – Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng
7. Lễ hội năm mới của người Giáy – Tỉnh Hà Giang
8. Tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang – Tỉnh Hà Giang
9.Tết Khu Cù Tê của người La Chí – Tỉnh Hà Giang
10. Kéo co của người Tày, người Giáy – Tỉnh Lào Cai
11. Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu – Tỉnh Quảng Nam
12. Múa Tân “tung Da” dá của người Cơ Tu – Tỉnh Quảng Nam
13. Nghi lễ dựng Cây Nêu và bộ Gu của người Co – Tỉnh Quảng Nam
14. Nghệ thuật sân khấu Dù Kê của người Khmer – Tỉnh Sóc Trăng
15. Nghi lễ cấp sắc của người Dao – Tỉnh Thái Nguyên
16. Múa Tắc Xình của người Sán Chay – Tỉnh Thái Nguyên
17. Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer – Tỉnh Trà Vinh
 

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập