Kinh tế

Đồng Văn hỗ trợ tiền mua bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo

06/08/2015 00:00 393 lượt xem

Là một trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước, Đồng Văn có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiếu nước và nguồn đất canh tác. Để giảm bớt những khó khăn, giúp người dân vươn lên XĐGN nhanh và bền vững, thời gian qua, huyện đã có sự linh hoạt, sáng tạo trong việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Một trong những cơ chế, chính sách đó là hỗ trợ tiền mua bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo chưa có bò nuôi.
Chính sách hỗ trợ mua bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo của huyện Đồng Văn chính thức được triển khai thực hiện từ tháng 8.2013 trên địa bàn 19 xã, thị trấn. Trước khi thực hiện chương trình, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách số hộ nghèo, cận nghèo chưa có trâu, bò nuôi dựa trên tiêu chí, sự bình xét tại các thôn xóm. Theo kết quả thống kê, toàn huyện Đồng Văn có 1.368 hộ nghèo, cận nghèo nằm trong diện được hỗ trợ, trong đó hộ nghèo là 1.091 hộ, hộ cận nghèo 277 hộ; các xã có số hộ nằm trong diện được hỗ trợ lớn nhất là Phố Cáo, Sính Lủng, Thài Phìn Tủng, Tả Lủng, Sủng Trái và Lũng Táo. Định mức hỗ trợ tiền mua bò giống sinh sản là 10 triệu đồng/con/hộ (các hộ được hỗ trợ tiền phải mua bò cái giống từ 18 tháng tuổi trở lên). Ngoài việc hỗ trợ mua giống, huyện Đồng Văn còn hỗ trợ tiền làm chuồng trại chăn nuôi 2 triệu đồng/hộ; hỗ trợ trồng cỏ làm thức ăn cho bò 4 triệu đồng/ha (mức hỗ trợ tối đa không quá 1 ha cỏ cho 1 hộ). Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện cho các hộ mua giống với mức cao hơn định mức cho vay 5 triệu đồng/hộ; thời gian hỗ trợ trong 36 tháng với lãi suất hỗ trợ hộ nghèo là 0,65%/tháng, hộ cận nghèo là 0,78%/tháng. Kinh phí hỗ trợ được huyện lồng ghép thông qua các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn.

 Kết quả sau gần 3 năm thực hiện, có tổng số gần 1.000 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Đồng Văn được hỗ trợ; trong năm 2015 huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 487 hộ. Tìm hiểu hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ tại xã Sủng Trái cho thấy: Toàn xã có 90 hộ nghèo, cận nghèo nằm trong diện được hỗ trợ mua bò sinh sản; từ năm 2013 - 2014 có 46 hộ được hỗ trợ; theo kế hoạch năm 2015 này sẽ có thêm 44 hộ được hỗ trợ tiền mua bò sinh sản về nuôi từ Chương trình 30a của Chính phủ. Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tại xã đã giúp hàng chục hộ nghèo, cận nghèo có thêm động lực vươn lên sản xuất, XĐGN.

Hộ gia đình chị Ly Mí Phứ và gia đình anh Sùng Mí Lử, thôn Sủng Trái A, xã Sủng Trái (Đồng Văn) mỗi hộ được hỗ trợ tiền mua 1 con bò cái giống, với định mức 10 triệu đồng/con từ đầu năm 2014. Với số tiền được hỗ trợ, cùng với tiền vay được hỗ trợ lãi suất của Ngân hàng CSXH huyện, gia đình chị Phứ và anh Lử đã mua được 1 con bò giống sinh sản. Sau hơn một năm nuôi, đến nay bò giống của hai gia đình đã đẻ được lứa đầu tiên. Nói về niềm vui khi nhận được tiền hỗ trợ mua bò sinh sản, anh Sùng Mí Lử chia sẻ: Với khoảng từ 15 - 20 triệu đồng để mua được 1 con bò sinh sản thì thật khó cho các hộ gia đình ở vùng cao, nhất là đối với những hộ nghèo, cận nghèo như chúng tôi mua được bò. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của huyện thông qua các chương trình, dự án nên gia đình tôi không những có bò nuôi, làm được chuồng trại, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi mà năng suất, sản lượng ngô của gia đình cũng được tăng theo nhờ có nguồn phân bón từ chăn nuôi. Đây thực sự là động lực giúp gia đình tôi cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.

Anh Nguyễn Thanh Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Văn khẳng định: Chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo mua bò sinh sản về nuôi thông qua việc lồng ghép hiệu quả từ các chương trình, dự án cùng nguồn ngân sách địa phương và của chính người dân với cách làm linh hoạt và sự sáng tạo của huyện Đồng Văn là đòn bẩy tiếp thêm nghị lực giúp người dân trong huyện vươn lên giảm nghèo bền vững. Trong thời gian tới, với vai trò là cơ quan tham mưu ở lĩnh vực nông nghiệp, Phòng sẽ tiếp tục có những đề xuất với huyện ban hành thêm những cơ chế, chính sách mới phù hợp, trên quan điểm không đầu tư dàn trải, đầu tư cho không mà theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “đầu tư có thu hồi để tái đầu tư”.

 Thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ trực tiếp, cụ thể và nhìn từ hiệu quả việc chăn nuôi của người dân thời gian qua cho thấy, đây là cách làm hay, chủ trương đúng của huyện Đồng Văn, đã giúp người dân thay đổi nhận thức, cách tiếp cận nguồn vốn, qua đó từng bước nâng cao thu nhập để XĐGN hiệu quả.

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập