Kinh tế

Đồng Văn tập trung duy trì, phát triển và cải tạo giống Bò vàng địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

05/02/2018 00:00 206 lượt xem

TTTDT - Xác định phát triển chăn nuôi là một trong hướng đi chính, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và là thế mạnh của địa phương. Trong những năm gần đây, huyện Đồng Văn đã triển khai nhiều giải pháp gắn với việc lồng ghép, vận dụng linh hoạt các chương trình, chính sách mới nhằm phát triển đàn gia súc. Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh Hà Giang, ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh đang được huyện Đồng Văn triển khai thực hiện chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

  Huyện Đồng Văn, hiện có tổng đàn bò trên địa bàn huyện là: 20.489 con; trong đó bò trưởng thành: gần 15 000 con chiếm 72,35% so với tổng đàn.Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành; sự chỉ đạo sát sao của Đảng bộ huyện, Ủy ban nhân dân huyện; sự phối hợp chặt chẽ của cấp Ủy, Chính quyền các xã, thị trấn, Trung tâm Giống cây trồng và Gia súc Phó Bảng về triển khai thực hiện công tác cải tạo giống bò vàng địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Bước đầu đã đem lại hiệu quả tính cực, chỉ tính riêng năm 2016 huyện Đồng Văn đã thực hiện thành công 500 con bò. Số bê con ra đời từ thụ tinh nhân tạo là hơn 400 con, mỗi con có trọng lượng mới sinh đạt từ 23 – 26kg, cá biệt có con đạt tới 27 kg, cao hơn bê con sinh ra do phối giống tự nhiên từ 4 – 5 kg. Tỷ lệ thành công từ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò đạt trên 70 %. Ngoài ra, công tác thụ tinh nhân tạo đã góp phần khắc phục hiện tượng gia súc giao phối đồng huyết và cận huyết dẫn đến suy thoái chất lượng đàn bò của địa phương. Bên cạnh đó, công tác thụ tinh nhân tạo đã phát huy được những ưu điểm vượt trội trên đàn đàn bò như thể trạng lớn hơn, khả năng chống chịu với dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt cao hơn so với gia súc sinh ra từ giao phối tự nhiên. Thấy rõ được hiệu quả đó, bước sang năm 2017, để đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo cho đàn bò có hiệu quả và quyết liệt hơn. Ngay từ đầu năm huyện Đồng Văn đã khảo sát và bình chọn được trên 2.000 con bò cái giống đạt tiêu chuẩn tại các hộ chăn nuôi trong toàn huyện. Theo kế hoạch trong năm 2017,  huyện Đồng Văn phấn đấu thực hiện thụ tinh nhân tạo cho 800 con bò, tăng 300 con so với năm 2016. Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt cho đến thời điểm hiện tại hết tháng 9/2017, hầu hết các xã, thị trấn đã thực hiện đạt từ 80% trở lên, thậm chí có một số xã đã thực hiện vượt chỉ tiêu cả năm.

Bê con được sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo tại xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thụ tinh bò bằng phương pháp nhân tạo cho đàn bò năm 2017, huyện Đồng Văn đã thành lập bổ sung thêm 02 trạm cung ứng Ni tơ bảo quản tinh bò tại Trung tâm giống cây trồng và gia súc Phố Bảng và UBND xã Lũng Phìn, đảm bảo việc cung ứng tinh bò cho các xã, thị trấn, giúp cho các dẫn tinh viên có điều kiện thực hiện thuận lợi hơn. Việc nâng cao tay nghề cho cán bộ thú y, các dẫn tinh viên cơ sở được huyện phối hợp với Trung tâm giống cây trồng và gia súc Phố Bảng mở 02 lớp tập huấn được 40 người gồm: cán bộ nông nghiệp và trưởng ban thú y các xã, thị trấn về quy trình kỹ thuật thu tinh nhân tạo; tiến hành tập huấn cho người dân cách nhận biết chu kỳ, giai đoạn động dục của bò cái được hơn 1.100 người/ 19 xã, thị trấn. Bên cạnh đó để tạo điều kiện thuận lợi cung cấp thông tin kịp thời cho các dẫn tinh viên, UBND huyện chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, công chức Địa chính - Nông nghiệp, Trưởng ban thú y các xã, thị trấn phải thông báo số điện thoại và niêm yết tại trụ sở thôn để chủ hộ nuôi bò biết khi bò động dục kịp thời thông báo để các dẫn tinh viên đến thực hiện. Với cách triển khai chủ động, linh hoạt, từ đầu năm đến hết tháng 9/2017, toàn huyện đã tiến hành thụ tinh nhân tạo được trên 600 con bò. Lũng Táo là xã điểm được huyện Đồng Văn chọn tập trung chỉ đạo thực hiện. Theo chỉ tiêu huyện giao năm 2017 xã thực hiện 50 con, tính đến hết tháng 9/2017 xã thực hiện được 56 con, so với kế hoạch đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm.

    Thực hiện bước đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật, Trung tâm giống cây trồng và gia súc Phố Bảng đã xây dựng Dự án “Tiếp nhận và ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bằng tinh cọng rạ” thông qua việc cán bộ đi tiếp thu kỹ thuật sản xuất tinh cọng rạ, sau đó tự mua trang thiết bị về thử nghiệm. Đến nay, Trung tâm đã làm chủ được kỹ thuật khai thác, pha chế và sản xuất tinh bò bằng tinh cọng rạ đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước về công tác giống. Cùng với việc làm chủ được kỹ thuật sản xuất tinh cọng rạ, Trung tâm đã phối hợp với huyện Đồng Văn thực hiện việc cung ứng tinh cọng rạ, ni tơ; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bò bằng tinh cọng rạ cho cán bộ thú y xã, thôn...Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, do tinh bò được khai thác từ những con bò đực giống đầu đàn của địa phương đã qua chọn lọc và được phối giống với những con bò cái đầu dòng nên chất lượng bê lai sinh ra từ thụ tinh nhân tạo có trọng lượng cao hơn hẳn đạt trên 22 kg/con, trong khi bê con phối giống tự nhiên có trọng lượng chỉ đạt 16,1 kg/con. Sau 3 tháng nuôi, trọng lượng bê thụ tinh nhân tại là 49,7 kg, cao hơn so với cho giao phối tự nhiên 11 kg. Ngoài ra, chương trình thụ tinh nhân tạo trên đàn bò còn giúp huyện phục hồi và cải tạo giống bò vàng đang bị thoái hóa do giao phối đồng huyết và cận huyết

Thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn nơi người dân trong thôn đang hưởng lợi từ chương trình thụ tinh nhân tạo bò, với nhiều hộ dân đang thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản. Hộ anh Vàng Mí Chơ, thôn Sà Phìn A, nuôi một bê con hơn 1 tháng tuổi được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo chia sẻ: “Bê con sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo có trọng lượng lớn hơn bê thụ tinh bằng phương pháp truyền thống; bê con lớn nhanh, sức đề kháng tốt. Trong năm 2016 trong thôn đã có 6 con bê con được sinh ra bằng phương pháp thu tinh nhân tạo. Bước sang năm 2017, gia đình anh và các hộ khác trong thôn rất tin tưởng và tiếp tục thực hiện phương pháp này, thậm chí có nhiều hộ thông qua Nghị quyết 209 đã mua được thêm bò cái để thực hiện.    Cũng như ở thôn Sà Phìn A, hộ gia đình chị Vần Thị Máy, thôn Lũng Táo, xã Lũng Táo có bê con ra đời hơn 3 tháng tuổi. Chị Máy cho biết: Gia đình chị lâu nay chuyên nuôi bò và nguồn thu nhập một phần dựa vào chăn nuôi. Cho bò cái thụ tinh theo phương pháp thụ tinh nhân tạo, bê con ra đời khỏe mạnh, long mượt, có vóc dáng to, gia đình rất phấn khởi. Với đặc điểm này, con bê của gia đình có giá trị cao hơn nhiều so với bê sinh ra tự nhiên. Cũng như gia đình chị Vần Thị Máy, gia đình ông Mua Mí Ná, trú cùng thôn Lũng Táo. Nhìn con bê lông bóng mượt, ngộ nghĩnh, ra đời đến nay hơn 1 tháng. Gia đình anh mong các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm cho thụ tinh nhân tạo giống bò vàng địa phương cho bò của gia đình mình và nhiều hộ khác trong thôn để góp phần bảo tồn, cải tạo giống bò. Có thể nói, kế hoạch đẩy mạnh cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo năm 2017 tại huyện Đồng Văn đã huy động sự tham gia tổng lực của cả hệ thống chính trị, cấp ủy chính quyền địa phương và người chăn nuôi. Nhằm nâng cao khả năng sinh trưởng, tạo được đàn bò có tầm vóc, thể trạng lớn hơn so với đàn bò cho giao phối trực tiếp. Giảm mức độ suy thoái của giống bò địa phương do giao phối cận huyết trong thời gian dài. Góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, tạo thu nhập ổn định cho kinh tế hộ gia đình, đồng thời tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật.

 


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập