Kinh tế

Đồng Văn thực hiện nhiều biện pháp giảm nghèo

19/12/2015 00:00 484 lượt xem

 Thực hiện Kế hoạch số 36 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh, thời gian qua huyện Đồng Văn đã luôn chú trọng tới công tác XĐGN, góp phần quan trọng trong phát triển KT – XH tại địa phương.

 

Thực tế cho thấy để giảm nghèo bền vững thì quan trọng là tạo việc làm cho người dân có thu nhập ổn định. Do đó để thực hiện tốt công tác XĐGN, huyện Đồng Văn đã chủ động củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo và triển khai thực hiện đến các xã; trong đó đặc biệt quan tâm tới việc hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế và công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết tại chỗ cho người dân. Từ năm 2011 đến nay, tổng số vốn hỗ trợ cho người dân vay ủy thác qua các tổ chức đoàn thể, Ngân hàng Chính sách xã hội là 122.074 triệu đồng; trong đó năm 2015 có 3.790 số hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn. Song song với sự hỗ trợ, huyện đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề ngắn hạn cho 6.024 người (đào tạo chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp) với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 9 tỷ 946 triệu đồng, qua đào tạo đến nay hơn 71% số học viên đã có việc làm ổn định. Cũng từ sự hỗ trợ về nguồn vốn hay đào tạo nghề ngắn hạn của huyện, đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả như: Mô hình nuôi gà siêu trứng của anh Ly Mí Pó ở xã Thài Phìn Tủng cho thu nhập 50 triệu đồng/năm; mô hình trồng hoa hồng ở Phó Bảng; mô hình nuôi bò vỗ béo ở xã Sủng Là... đều cho thu nhập cao. Cùng với sự hỗ trợ vốn phát triển kinh tế và đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm thì những chính sách hỗ trợ về giáo dục – đào tạo, y tế, nhà ở cho hộ nghèo... cũng được huyện Đồng Văn triển khai kịp thời, nên từ năm 2011 đến nay, toàn huyện có 18.148 học sinh được miễn giảm học phí, 10.247 học sinh bán trú được trợ cấp tiền ăn; cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho 252.642 lượt đối tượng... Ngoài ra các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo như: Vốn đầu tư và vốn sự nghiệp của Chương trình 30a triển khai đạt hiệu quả; vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135 thực hiện đồng bộ...

Mô hình nuôi bò của gia đình chị Ly Mý Phứ, thôn Sủng Trái A, xã Sủng Trái được vay vốn thuộc diện hộ nghèo.

Mô hình nuôi bò của gia đình chị Ly Mý Phứ, thôn Sủng Trái A, xã Sủng Trái được vay vốn thuộc diện hộ nghèo.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau 5 năm thực hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện ước đến cuối năm 2015 còn dưới 39,6%, bình quân mỗi năm giảm 4,34%. Tuy nhiên, những tín hiệu vui đó vẫn còn nhiều nỗi lo vì tình trạng tái nghèo và nghèo phát sinh mới còn cao. Từ năm 2011 đến nay có 3.416 hộ thoát nghèo nhưng con số 1.749 hộ tái nghèo và nghèo mới thực sự đáng lo ngại. Nguyên nhân số hộ tái nghèo có nhiều lí do, nhưng một số lí do cơ bản nhất đó là trình độ dân trí thấp tuy đã được đào tạo ngắn ngày nhưng việc áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, chăn nuôi còn hạn chế; thiếu nước, đất sản xuất vẫn đang là vấn đề nan giải nên khó phát huy từ chính nội lực trong dân để vươn lên thoát nghèo...

Để giảm nghèo một cách bền vững, huyện Đồng Văn đã có những định hướng và lộ trình cụ thể trong giai đoạn tiếp theo. Đồng chí Nguyễn Thị Phương Anh, Trưởng Phòng Lao động – TBXH cho biết: Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ vay vốn và đào tạo nghề cho hộ nghèo; đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã, thôn đồng bộ theo tiêu chí Nông thôn mới; thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn của chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và các chương trình, dự án có mục tiêu trên địa bàn; huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh... Phấn đấu tới năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng 2 lần so với 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm 5% theo chuẩn nghèo đoạn 2016 – 2020 và hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập