Xây dựng nông thôn mới

Đổi thay trên vùng đất Sà Phìn

08/01/2015 00:00 330 lượt xem

Là một trong những xã điểm về XDNTM với 11 thôn, bản; giờ đây, xã Sà Phìn đã mang một bộ mặt mới khác xa so với cái thời kỳ lạc hậu, là thôn bản huyền bí, ẩn trong sương mờ. Ánh sáng của điện lưới Quốc gia đã làm thôn bản nơi đây bừng lên trong sương sớm. Những con đường bê - tông chạy qua các ngôi nhà kiên cố thay cho những con đường, đất đá nhỏ, hẹp; cuộc sống của người dân thoải mái hơn, trẻ em được cắp sách đến trường... Ở trung tâm xã, không còn hình ảnh tĩnh mịch nữa mà thay vào đó là những cửa hàng tạp hóa, chợ phiên tấp nập người mua bán.
Ban đầu “Nông thôn mới” là cụm từ khó hiểu với người dân; cấp ủy, chính quyền xã thì bối rối chưa biết triển khai ra sao, làm thế nào để thay đổi những phong tục đã ăn sâu vào cuộc sống hàng trăm năm nay của người dân. Chủ tịch UBND xã Sà Phìn, Vàng Mí Lía cho biết: “Xã thực hiện chương trình XDNTM từ năm 2011, Ban chỉ đạo xã xác định tập trung vào tuyên truyền thay đổi nhận thức của nhân dân. Từ đó, huy động MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể của xã tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong các kỳ họp, cuộc họp về Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM để bà con hiểu và nắm được 19 tiêu chí trong xây dựng NTM; phát động đăng ký giao ước thi đua ở các thôn, bản. Cụ thể, hàng năm vận động người dân chỉnh trang lại khuôn viên nhà cửa, thay đổi cách canh tác, làm đường bê - tông... kết hợp với thực hiện những điều Bác Hồ căn dặn nhân dân các dân tộc trong tỉnh”.

Với phương châm “phát huy nội lực là chính”, xã Sà Phìn đã lựa chọn tiêu chí dễ, cần ít kinh phí làm trước, lồng ghép các nguồn vốn như Chương trình 30a, 135. Trong năm 2014, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã làm đường bê - tông cho 6 thôn là: thôn Há Hơ, Thành Ma Tủng, Lỳ Chá Tủng, Lũng Thầu, Sà Phìn C, Lũng Hòa A có tổng chiều dài là 3.992m, rộng 2,5m với sự tham gia của nhân dân 6 thôn gồm: 15.000 ngày công lao động, hiến 5.102 m2 đất nương. Việc triển khai theo nguyện vọng của nhân dân nên bà con rất đồng tình, đoàn kết cùng đóng góp công sức. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sà Phìn, Sùng Thị Ly chia sẻ: “Thực hiện chương trình XDNTM, các hội viên phụ nữ cũng chung tay tham gia làm đường bê - tông, từ đổ cát, đến đập đá... Bên cạnh đó, phụ nữ cũng đảm nhận vai trò chính trong việc chỉnh trang khuôn viên gia đình, phấn đấu thực hiện chương trình “Nhà sạch, vườn đẹp”, xây 3 công trình vệ sinh”.

“Từ khi thực hiện XDNTM đến nay, bà con đồng bào Mông nơi đây đã thay đổi dần nhận thức, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, ăn ở hợp vệ sinh hơn, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, tỷ lệ học sinh đến trường đảm bảo hơn so với trước đây. Công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm, người ốm đã ra trạm xá lấy thuốc, không còn ở nhà cúng nữa”, Chủ tịch UBND xã, Vàng Mí Lía khẳng định: Được sự quan tâm đầu tư, bà con tích cực tham gia tổ chức lại sản xuất, đăng ký các nhóm sở thích, trồng các giống ngô lai, đậu tương, chăn nuôi dê, lợn, nuôi o­ng, nuôi bò vỗ béo... áp dụng KHKT để tăng thu nhập cho gia đình. Ở các thôn còn có Quỹ phát triển thôn như Lũng Hòa A và Sà Phìn A đã đầu tư 30 triệu đồng cho người dân phát triển chăn nuôi lợn. Ngoài ra, được Chương trình 30a hỗ trợ 486 triệu đồng cho các hộ phát triển trồng cỏ, chăn nuôi. Nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm 7%, thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/người.

Đến tìm hiểu đời sống của bà con, được Bí thư Chi bộ thôn Thành Ma Tủng, Sùng Xía Chá vui vẻ cho biết: “Nhờ có Đảng và Nhà nước hỗ trợ các chương trình xóa nhà tạm, 30a, đưa giống mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... cuộc sống của bà con đã thay đổi nhiều theo sự phát triển của xã hội. Trước đây, nhân dân chỉ biết trồng 1 vụ ngô thôi, bây giờ thì biết trồng thêm vụ 2 rồi. Trẻ con đều được đến trường, việc sinh đẻ cũng an toàn hơn, những ca khó sinh đều được đưa ra trạm xá”. Được biết, cả thôn có 55 hộ thì hầu hết đều có xe máy, ti vi để xem thời sự, nhờ vậy mà cuộc sống được mở rộng ra khỏi phạm vi “cái bậc cửa nhà”. Ngoài việc phát triển kinh tế, công tác xây dựng Đảng, bồi dưỡng đảng viên cũng được quan tâm. Trong năm, xã đã kết nạp thêm 17 đảng viên là người có đủ phẩm chất, năng lực ở các Chi bộ thôn; trình độ của Bí thư Chi bộ là từ lớp 9 trở lên.

Dù còn nhiều hạn chế như tỷ lệ giảm nghèo chưa bền vững, việc phát triển kinh tế gặp khó khăn, mới đạt được vài tiêu chí trong xây dựng NTM... song cần nhìn nhận rằng với điều kiện khó khăn của địa phương, để đạt được thành quả như hiện nay là cả sự nỗ lực lớn của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân nơi đây. Tin rằng thực hiện XDNTM sẽ còn mang lại nhiều đổi thay tích cực trong cuộc sống của bà con vùng cao Sà Phìn.

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập