Xây dựng nông thôn mới

NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG 10 NĂM XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI CỦA HUYỆN ĐỒNG VĂN

16/07/2019 00:00 388 lượt xem

TTTĐT - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng những cách làm sáng tạo, sau gần 10 năm huyện Đồng Văn thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, đã tạo được nhiều kết quả quan trọng, giúp nông nghiệp phát triển vượt bậc, hạ tầng cơ sở ở nông thôn đổi mới, cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Thành quả đó đã góp phần quan trọng trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền ở địa phương.

Đồng Văn là huyện vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn và có trên 90% là dân tộc thiểu số, điều kiện sống  không tập trung, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, điều kiện tự nhiện không thuận lợi cho phát triển kinh tế, khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế phát triển chậm, diện tích đất trồng trọt thiếu và xấu, việc chuyển dịch cơ cấu còn chậm, hạ tầng cơ sở còn thiếu, nguồn hỗ trợ của Nhà nước chưa đáp ứng được cho phát triển sản xuất và kết cấu hạ tầng nông thôn. Trên cơ sở xác định rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, ngay từ khi bắt đầu thực hiện, Đảng bộ huyện Đồng Văn đã xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ, toàn diện, sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm; cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã có sự vào cuộc tích cực. Theo đó, công tác tuyên truyền được triển khai sáng tạo, đồng bộ đã tạo sự thay đổi rõ nét trong nhận thức của nhân dân các dân tộc về mục tiêu và ý nghĩa của chương trình. Huyện đã chủ động tổ chức phát động phong trào “Toàn dân Huyện Đồng Văn chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ và bảo vệ thành quả xây dựng nông thôn mới”. Nhờ vậy, ở các cấp, đặc biệt là tại cấp cơ sở, mọi công việc đều được bàn bạc, thống nhất cao, dân chủ, minh bạch.                        

Các đ/c lãnh đạo các cấp, ban ngành UBND huyện kiểm tra công tác XD NTM 

Nhằm hướng đến hiệu quả thiết thực, quá trình thực hiện xây dựng NTM, huyện Đồng Văn đã tổ chức rà soát, đánh giá mức độ đạt được 19 tiêu chí NTM của từng xã, từ đó xây dựng lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn theo quan điểm “Dễ làm trước, khó làm sau”. Tại các xã, thị trấn, việc phát triển hệ thống giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và các hoạt động văn hóa xã hội. Đồng thời, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cũng được ban hành và phát huy hiệu quả trong thực tiễn như: hỗ trợ xi măng, hỗ trợ xây dựng các công trình giao thông, y tế, giáo dục; hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các mô hình…                                                                                                       

Đ/c Hoàng Văn Thịnh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện cùng lãnh đạo các ban ngành, kiểm tra các mô hình phát triển kinh tế gia đình trong công tác XD NTM

Với các chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của Đảng bộ huyện, do vậy mục tiêu phấn đấu đạt các tiêu chí NTM nói chung và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng. Nhận thức rõ vấn đề này, huyện Đồng Văn đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Huyện đã tích cực tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua nhiều kênh thông tin về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua lớn. Từ đó đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Chỉ tính riêng phong trào làm đường giao thông nông thôn giai đoạn 2010-2015 đã được cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất để làm các công trình phúc lợi xã hội, đóng góp gần 35 nghìn ngày công lao động để mở mới đường giao thông nông thôn được hơn 25 km. Giai đoạn 2016-2020, nhân dân đã hiến đất được gần 99 m2, đã đóng góp được 105.281 ngày công lao động, mở mới đường đất đá được gần 51 km, nâng cấp đường nông thôn được hơn 90 km. Vì vậy hệ thống giao thông trên địa bàn toàn huyện đã được thuận lợi thông suốt giữa các địa phương trong huyện và giữa các xã, các thôn với nhau.

Sính Lủng là một xã nội địa, cách trung tâm huyện 18 km, có tổng diện tích đất tự nhiên  toàn xã là 2.202,9 ha, xã có  9 thôn, bản với 740 hộ và 3.595 nhân khẩu,trong đó có 450 hộ nghèo, chiếm 60,81%, kinh tế chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi.  Qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng KT-XH của xã phát triển nhanh, nổi bật là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, Y tế. Đời sống, trình độ văn hóa, nhận thức của nhân dân đang từng bước được nâng cao. Kết thúc giai đoạn 2010-2020, cơ bản hệ thống đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, 9/9 thông đều có đường bê tông đến trung tâm thôn, Trường học, Trạm y tế dược nâng cấp sửa chữa, đầu tư trang thiết bị cho công tác dạy học và khám chữa bệnh cho nhân dân. Ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, không còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Các phong trào được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực 100% thôn đã được xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Việc vận động người dân tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất để xây dựng công trình đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng  ngày 1 nhiều. Qua 10 năm xây dựng NTM,  nhân dân xã Sính Lủng đã hiến 19.495 m2 đất, đóng góp được trên 8000 ngày công lao động, mở mới được 620m đường, nâng cấp được 25.230m đường, Ngoài hiến đất và ngày công lao động thì nhân dân cũng đã đóng góp được 1.321 triệu đồng để xây dựng NTM, toàn xã đã có 45/740 hộ đảm bảo 3 sạch là” có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước”

Chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, kinh tế phát triển ổn định hơn, chất lượng đời sống ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 60,81% năm 2019. Hưởng ứng chương trình phát động phong trào thi đua “ Hà Giang chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2010-2020 của UBND tỉnh Hà Giang và phong trào “ Đồng Văn chung sức xây dựng NTM” xã Sính Lủng đã có 45 tập thể và 594 cá nhân là những tấm gương điển hình, tiêu biểu về phong trào làm đường nông thôn, chăn nuôi phát triển kinh tế và phong trào nhà sạch, vườn đẹp đã được Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã khen thưởng kịp thời cho 10 tập thể và 18 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào làm đường giao thông nông thôn, Chủ tịch UBND huyện đã khen thưởng cho 2 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng trào xây dựng NTM của huyện. Xã Sính Lủng đã được huyện lựa chọn đề nghị Bộ giao thông vận tải tặng Bằng khen năm 2018 và 2 năm liên tiếp xã là đơn vị đứng đầu trong phong trào thi đua của huyện và được UBND tỉnh tặng 2 cờ thi đua.

Hưởng ứng chương trình phát động phong trào thi đua “ Hà Giang chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2010-2020 của UBND tỉnh Hà Giang, UBND huyện Đồng Văn đã phát động nhiều đợt thi đua như “ Đồng Văn chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015” và “ Giai đoạn 2016-2020”. Xác định mục tiêu quan trọng nhất trong xây dựng NTM chính là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nên hệ thống trung tâm y tế các cấp ở huyện Đồng Văn đã được đầu tư toàn diện. Đến nay, trên địa bàn huyện Đồng Văn có tổng số cán bộ, Y bác sỹ là 242 người, trong đó có 54 Bác sỹ và có 171 giường đạt 21,3 giường/vạn dân, số Bác sỹ đạt 6,7/vạn dân. Đến thời điểm này các trạm Y tế xã, phòng khám Đa khoa khu vực đã được chuẩn hóa và đảm bảo về số lượng và cơ cấu chuyên môn theo quy định, hiện tại đã có 13/19 xã, Thị trấn có Bác sỹ thường trực tại trạm, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 100%, đã góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe cho người dân vùng nông thôn, trên địa bàn huyện đã có 19/19 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế.

Đối với kinh tế và tổ chức sản xuất, huyện Đồng Văn đã quan tâm đến việc xây dựng mô hình sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ cao, tạo chuỗi giá trị liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đạt nhiều kết quả tích cực như:  Mô hình thụ tinh nhân tạo bò; Mô hình ủ cỏ chua gắn với chăn nuôi bò vỗ béo; Mô hình phát triển chăn nuôi bò hàng hóa; Mô hình chăn nuôi ứng dụng đệm lót sinh học và các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm sở thích được thành lập và hoạt động, đây là đầu mối liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giúp nhân dân ổn định sản xuất và tạo ra các sản phẩm thương hiệu, nhãn hiệu như: Bánh, kẹo, rượu, miến được làm từ hạt Tam Giác Mạch, Mật ong bạc hà, rượu ngô, Đậu xị, Làm khèn Mông, may mặc trang phục dân tộc, thêu dệt thổ cẩm, thịt lợn treo, xúc xích, thịt bò... Nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia vào quá trình sản xuất tạo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với phát triển kinh tế thì nông nghiệp cũng đã huyện quan tâm, chú trọng từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, mở rộng diện tích, đẩy mạnh áp dụng KHKT đưa giống mới vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu mùa vụ. Đặc biệt, 1 số cây trồng, vật nuôi thế mạnh của huyện được ưu tiên phát triển đã tăng trưởng mạnh cả về quy mô và giá trị kinh tế, hình thành vùng trồng rau chuyên canh, gia trại chăn nuôi tập trung. Nhờ đó giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2018 đạt 603,7 tỷ đồng, tăng 91,2% so với năm 2010, tăng 36,4% so với năm 2015. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện là 48,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/người/năm. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Đồng Văn, lũy kế đạt tiêu chí tại các xã điểm XDNTM như Lũng Cú đạt 16/19 tiêu chí; Sủng Là 14/19 tiêu chí; Sà Phìn 12/19 tiêu chí; Phố Cáo 11/19, 13 xã còn lại đạt từ 7 đến 11/19 tiêu chí.

Cùng với đó, chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được chú trọng nâng cao, 100%  thôn, tổ dân phố đã được xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đã có 98/225 thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa. Toàn huyện có các di tích di sản phi vật thể cấp Quốc gia như: Nhà vương Sà Phìn; Cột cờ Quốc gia Lũng Cú; Phố Cổ Đồng Văn; Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo xã Phố Là, Lễ cúng tổ tiên của dân tộc LôLô xã Lũng Cú; Di sản Hóa thạch tay cuộn xã Má Lé; Công tác bảo tồn và phát huy các nét văn hóa truyền thống các dân tộc được quan tâm như: Lễ hội Gầu tào, Hội xuân Khèn Mông; chọi Dê. Đặc biệt 19 xã, Thị trấn đều thành lập Hội nghệ nhân dân gian, qua đó đã góp phần xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, khuyến khích nhân dân tích cực lao động sản xuất. Hệ thống chính trị ở cấp xã và các khu dân cư thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn được giữ vững, ổn định.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời đã cụ thể hóa phong trào bằng những chương trình, kế hoạch, việc làm phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, địa phương. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới một cách thiết thực, hiệu quả; như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; chương trình “5 không 3 sạch”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn hóa”, “Cựu chiến binh thi đua làm kinh tế giỏi”; phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc”, “Cuộc vận động “Tuổi trẻ Đồng Văn chung tay xây dựng nông thôn mới”. Kết quả thực hiện các phong trào, các cuộc vận động đã góp phần tích cực vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hóa, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện mức sống của người dân tại khu vực nông thôn. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất phát triển kinh tế để thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng; tham gia hiến đất làm các công trình công cộng; đóng góp công sức lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn...

Để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới đã đạt trong giai đoạn 2010 - 2020, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thôn nông thôn mới trên địa bàn huyện đảm bảo thực sự nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hướng tới xây dựng, một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh đòi hỏi các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục chung tay xây dựng nông thôn mới, trước mắt là tiếp tục phát huy thực hiện tốt phong trào thi đua “ Hà Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Sau 10 năm triển khai, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo nên những bước đột phá, hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội, diện mạo các Thôn, tổ dân phố ngày càng thay da, đổi thịt; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, an ninh trật tự ngày càng được củng cố vững chắc. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới huyện Đồng Văn sẽ tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM theo hướng phát triển mọi mặt chất lượng đời sống người dân; qua đó tăng cường sự đồng thuận xã hội, tạo động lực để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã được xác định trong Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, xây dựng huyện Đồng Văn ổn định, phát triển, mạnh giàu./.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập