Kinh tế

Bí thư Chi đoàn người Mông làm kinh tế giỏi

18/09/2014 00:00 156 lượt xem

Đến thăm mô hình kinh tế của anh Và Mí Lùng ở xã Vần Chải (Đồng Văn), được nghe bà con trong thôn Vần Chải B nhắc nhiều về tinh thần dám nghĩ, dám làm của một Bí thư Chi đoàn năng động. Là người tiên phong trong việc phát triển kinh tế ở xã, mô hình kinh tế tổng hợp sửa chữa xe máy, bán hàng tạp hóa, chăn nuôi, trồng trọt mang về thu nhập từ 60 – 90 triệu đồng/năm giúp gia đình anh Lùng trở thành hộ khá giả ở xã.
Để thành công như hôm nay, anh Lùng đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn. Sinh năm 1984, là người dân tộc Mông ở Đồng Văn, cuộc sống của chàng trai Lùng từ bé đã quen với cảnh thiếu đói, thiếu nước, thiếu đủ thứ ở vùng đất khắc nghiệt này. Như nhiều thanh niên khác, học xong lớp 9 vì nhà không có điều kiện để học tiếp nên anh đi nhập ngũ. Sau 2 năm rèn luyện trong quân đội, anh trở về nhà vào đúng lúc nhiều tai họa cùng ập xuống gia đình mình. Bố bị ốm nặng, 2 em trai bị tai nạn cụt tay và bị bỏng đầu nặng; gia đình gồm 7 người phải sống qua ngày trong căn nhà tre nứa lụp xụp. Bao gánh nặng của gia đình dồn vào một mình anh, anh Lùng tâm sự: “Lúc ấy nhà mình nghèo nhất thôn, bố bị bệnh nặng, các em cũng bị tai nạn mà không có tiền chạy chữa. Mình đã quyết tâm phải lao động chăm chỉ để gia đình thoát nghèo, không thua kém với bà con trong thôn”.

Việc đầu tiên anh nghĩ đến là sửa nhà, không có tiền anh Lùng tự chở đất về làm ngói trong suốt một năm trời, được khoảng hơn 1 nghìn miếng ngói để lợp mái nhà. Tiếp đến là tìm cách phát triển kinh tế, dù chăm chỉ làm nương rẫy nhưng nhà vẫn nghèo, anh đã suy nghĩ rất nhiều và tìm ra nguyên nhân là do bản thân thiếu kiến thức nên không biết làm gì khác. Bước ngoặt của cuộc đời anh là vào năm 2010, khi tham gia học lớp dạy nghề sửa chữa xe máy 3 tháng ở xã Sủng Trái. Học xong anh tìm cách áp dụng những kiến thức được học vào phát triển kinh tế. Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, anh được vay vốn 30 triệu đồng ở Ngân hàng Chính sách xã hội và nhờ anh em họ hàng vay thêm 20 triệu đồng nữa để có đủ vốn xây dựng tiệm sửa chữa xe máy và bán hàng tạp hóa. Anh Lùng cho biết: “Tiệm sửa xe máy của tôi là cái đầu tiên trong xã, lúc đó bà con đã sử dụng xe máy nhiều nên công việc sửa chữa xe máy, bán xăng khá đắt khách”. Sau hơn 1 năm làm việc chăm chỉ, anh Lùng đã gom đủ tiền để trả nợ cho ngân hàng và tiếp tục phát triển nghề.

Hiện nay, tiệm sửa chữa xe máy đem lại thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/tháng và tạo thêm việc làm cho 2 lao động vào thời điểm thu hoạch vụ mùa. Có lúc cửa hàng của anh bận rộn đến nỗi không có thời gian nghỉ tay. Tiệm tạp hóa anh giao cho vợ đảm đương cũng cho thu nhập đều đặn khoảng 3 – 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn sử dụng tiền lãi từ tiệm sửa xe máy để đầu tư chăn nuôi bò, lợn. Có thời điểm đàn bò của anh lên đến 8 con và đàn lợn là 14 con. Không bằng lòng với cơ ngơi đang có, anh Lùng còn có ý định phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi lợn và nấu rượu ngô để tận dụng hết số ngô thu hoạch được.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, anh Lùng còn gương mẫu tham gia vào công tác Đoàn của xã và hiện anh là Bí thư Chi đoàn thôn Vần Chải B. “Anh Và Mí Lùng làm Bí thư chi đoàn từ năm 2005, dù rất bận rộn nhưng hễ có việc của thôn, xóm thì anh đều tích cực tham gia. Trong các buổi giao lưu với đoàn viên, thanh niên, anh Lùng thường truyền lại kinh nghiệm của bản thân cho mọi người học hỏi để cùng nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo và làm giàu cho gia đình”- Bí thư Đoàn xã Vần Chải nhận xét. Việc phát triển kinh tế thành công của Và Mí Lùng không chỉ giúp cho bản thân và gia đình thoát nghèo bền vững mà còn là tấm gương để những thanh niên khác noi theo.
 

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập