Kinh tế

Công tác giảm nghèo ở Đồng Văn chưa bền vững

13/01/2015 00:00 189 lượt xem

Là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh, Đồng Văn luôn nỗ lực trong công tác giảm nghèo. Năm qua, số hộ thoát nghèo tăng nhanh, toàn huyện có 1.095 hộ thoát nghèo, giảm được 588 hộ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng không bền vững vì có đến 517 hộ tái nghèo và phát sinh mới trong năm 2014.
Thoát nghèo bằng các mô hình kinh tế:
 
Nắm rõ tầm quan trọng của việc giảm nghèo bền vững, năm 2014 huyện Đồng Văn đã nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo như xây dựng kế hoạch cụ thể các hoạt động giảm nghèo đến các xã, thị trấn, từng thôn, bản ngay từ đầu năm. Các ngành thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo của huyện luôn chủ động duy trì các chính sách liên quan trực tiếp đến người nghèo, đảm bảo đúng đối tượng để giúp các hộ nghèo có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập. Cụ thể, thực hiện cơ chế cho vay uỷ thác qua các tổ chức đoàn thể. Năm 2014, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho vay 1.197 lượt hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn với tổng số tiền là 15.323 triệu đồng; mở 47 lớp dạy nghề cho 1.500 người, số lao động được giải quyết việc làm sau đào tạo là 1.100 người, đạt 70%; đã hỗ trợ 59.234 kg giống ngô lai, giống đậu tương vụ thu là 200 ha, 2 ha giống cây chanh; hỗ trợ phân đạm, lân, kali trồng 900 ha đậu tương; 20.000 cây giống lâm nghiệp để trồng rừng và 196 tấn gạo cho 7.445 hộ nhận trồng rừng; hỗ trợ 393 con bò cho các hộ nghèo, cận nghèo chưa có trâu, bò để phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản...
 
Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Hoàng Văn Thịnh, cho biết: “Thực hiện công tác giảm nghèo lồng ghép với xây dựng Nông thôn mới đã tác động tích cực vào mọi mặt của đời sống nhân dân, nhất là việc sắp xếp lại sản xuất, chăn nuôi giúp thay đổi cách nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi làm tăng năng suất, thu nhập cho người dân. Có nhiều mô hình giảm nghèo ở các thôn, bản được thực hiện hiệu quả và nhân rộng như: Mô hình nhóm sở thích trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, theo đó các hộ giúp đỡ nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật, đầu ra sản phẩm; mô hình “2 con bò, 600 khóm cỏ”; nuôi bò vỗ béo; nuôi o­ng lấy mật; trồng rau vụ Đông; phong trào nuôi gia cầm, nuôi lợn; trồng Tam giác mạch vụ Đông phục vụ khách du lịch và làm nguyên liệu sản xuất bánh, kẹo, rượu từ hạt Tam giác mạch... Qua đó, cung cấp cho thị trường những sản phẩm có giá trị cao”. Bên cạnh đó, việc khai thác các thế mạnh dịch vụ thương mại du lịch của Cao nguyên đá cũng tạo thêm việc làm cho người lao động. Năm qua, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho 1.462 người, đạt 110% kế hoạch. Từ những mô hình trên đã giúp 1.095 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Tái nghèo và phát sinh mới:
 
Dù đã cố gắng và có các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù theo Nghị quyết 30a, thế nhưng tỷ lệ giảm nghèo của huyện vẫn chưa đạt yêu cầu là 7% đối với các huyện 30a. Đến thăm xã Sảng Tủng, được Chủ tịch UBND xã, Lầu Mí Chơ tâm sự: Toàn xã có 387 hộ nghèo, trong năm 2014 giảm được 30 hộ nhờ các chương trình giảm nghèo đã hỗ trợ người dân như xóa nhà tạm, hỗ trợ bò giống, chuồng trại,... trừ trường hợp rủi ro mấy năm trở lại đây không có hộ tái nghèo. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo ở xã không đạt chỉ tiêu là do có nhiều hộ mới tách ra không có tài sản, thiếu đất sản xuất nên xếp vào danh sách hộ nghèo. Ngoài ra, việc dư thừa lao động, khó tìm việc làm, sinh nhiều con cũng là lý do khiến số hộ nghèo còn cao.
 
Phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ hộ nghèo còn 45,89%, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Hoàng Văn Thịnh, cho biết: “Năm 2014, liên tục diễn ra các đợt lốc xoáy, mưa đá, mưa lớn làm hư hại đến nhà ở, các công trình và rét đậm, rét hại vào cuối năm gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Số hộ tái nghèo và nghèo mới phát sinh còn cao do thiếu đất canh tác, việc làm; số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn đông; hộ gặp rủi ro trong lao động và còn một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại”.
 
Giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo trong năm 2015 của huyện là rà soát, lập danh sách hộ dự kiến thoát nghèo theo chỉ tiêu giao đến từng thôn để phân công cán bộ, đảng viên, các hội, đoàn thể hướng dẫn, giúp đỡ cách thức sản xuất, chăn nuôi. Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, phù hợp với từng địa bàn như trồng cây Tam giác mạch vụ Thu - đông; trồng rau; chăn nuôi gia cầm... Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và nhân dân nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo. Tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm, tín dụng; ưu tiên đầu tư cho các hộ đăng ký phấn đấu thoát nghèo để hoàn thành mục tiêu giảm hộ nghèo năm 2015. Phối hợp lồng ghép các hoạt động giảm nghèo với việc thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới dựa trên phát triển hàng hóa; thực hiện đề án xã phát triển toàn diện, đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc và các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển KT-XH để tạo nguồn lực trợ giúp các hộ nghèo có việc làm ổn định, cải thiện đời sống.

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập