Chính trị

Góp phần cho sự bình yên nơi biên giới Mà Lủng

01/10/2014 00:00 157 lượt xem

Theo sự dẫn đường của Bí thư Đảng ủy xã Lũng Táo (Đồng Văn), anh Lầu Mí Pó, vượt qua những đoạn đường đá sóc cứng bụng, chúng tôi mới lên được thôn biên giới Mà Lủng, nơi có 17 hộ với 85 khẩu là đồng bào Mông. Qua giới thiệu của các cán bộ xã, mấy chục năm qua ở đây có một “cột mốc sống”, đó là trưởng thôn Ly Vả Sèo, người góp phần cho sự hữu nghị, bình yên nơi biên giới Mà Lủng.

Nửa đời người làm... trưởng thôn.
Ông Ly Vả Sèo năm nay 65 tuổi. Ngày trước, ông là một trong số ít người ở địa phương từng học hết lớp 4/10. Cũng bởi vậy, ông từng được tham gia dạy tiểu học ở xã. Ông Sèo cho biết, “sự nghiệp” làm trưởng thôn của ông bắt đầu từ năm 1980 ở thôn Mà Lủng. Khi chiến tranh Biên giới ác liệt, ông cùng người dân Mà Lủng di tản xuống xóm Lũng Táo. Ở xóm mới, ông tiếp tục được bầu làm phó thôn rồi làm trưởng thôn Lũng Táo. Hòa bình lập lại, năm 1992 Nhà nước cho bà con trở về xây dựng lại thôn Mà Lủng, ông Sèo tiếp tục được bầu làm trưởng thôn.
 
Trưởng thôn Ly Vả Sèo trò chuyện với các cán bộ xã Lũng Táo.
 
Trưởng thôn Ly Vả Sèo nhẩm tính, từ năm 1980 đến nay, sau nhiều thay đổi, ông đã làm trưởng thôn đến... 34 năm rồi. Cái tuổi càng nhiều, sức càng vơi, thấy lớp trẻ có trình độ, ông đề nghị xã lựa chọn người khác thay ông. Nhưng Bí thư Đảng ủy xã Lầu Mí Pó nói, xã cũng biết và rất thông cảm, đồng tình để ông Sèo nghỉ, nhưng bà con tín nhiệm và không nhất trí cho ông nghỉ. Anh Pó nói, ở Lũng Táo, ông Sèo là một trong số ít trưởng thôn chưa biết đi xe máy, mỗi lần ra xã họp, dù phải đi bộ trên đoạn đường gập ghềnh đá mất chừng 1,5 tiếng đồng hồ, nhưng bao giờ cũng vậy, ông Sèo cũng là người đến sớm nhất. Vì thế đến năm 2014 này, dù đã 65 tuổi, nhưng “sự nghiệp” trưởng thôn của ông Sèo vẫn... phát triển. Qua nửa đời người làm trưởng thôn, có lẽ ông Sèo là một trong số những trưởng thôn kỳ cựu nhất ở Việt Nam!.

Bình yên nơi biên giới Mà Lủng:
Bí thư Đảng ủy xã Lầu Mí Páo cho biết, Lũng Táo có 3 thôn biên giới với trên 5km đường biên. Riêng đoạn biên giới xóm Mà Lủng có 2 cột mốc biên giới. Với vai trò tích cực của trưởng thôn Ly Vả Sèo, Mà Lủng đã xây dựng được quy ước, trong đó ngoài các quy định về đoàn kết phát triển KT – XH, giữ vững ổn định an ninh trật tự, người dân nơi đây còn tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới. Nhờ uy tín và vai trò vận động của ông Sèo, sự đoàn kết của bà con nơi đây, ở thôn không có người theo đạo trái pháp luật; không xảy ra trộm cắp lớn; không có hiện tượng mua bán trẻ em, phụ nữ qua biên giới; 3 năm qua không có hộ nào vi phạm chính sách dân số; tỷ lệ hộ nghèo còn rất ít...
 
Khung cảnh bình yên ở thôn biên giới Mà Lủng.
 
Đến Mà Lủng, điều chúng tôi biết được đó là mối quan hệ hữu nghị giữa người dân Mà Lủng với người Mông của xóm đối diện bên nước bạn Trung Quốc cũng có tên là Mà Lủng. Trưởng thôn Ly Vả Sèo nói, ngày trước, người ta vẫn hay gọi 2 xóm Mà Lủng là Mà Lủng trên và Mà Lủng dưới, như là anh em. Sau khi phân giới cắm mốc, dù ở giữa là đường biên, mốc giới nhưng tình hữu nghị 2 bên vẫn vô cùng bền chặt. Nhờ mối quan hệ hữu nghị duy trì mấy chục năm qua, được trưởng thôn Ly Vả Sèo và người dân vun đắp mà đến giờ, bà con 2 bên khi có công việc gia đình vẫn chia sẻ với nhau chai rượu, hạt muối rất tình cảm... Nhờ đó, xưa nay người dân 2 xóm của 2 nước không bao giờ mâu thuẫn. Điều đặc biệt là trước đây nằm trên đường biên giới có một bể nước sinh hoạt. Bà con 2 bên coi đó như tài sản chung, không ai tranh chấp. Sau khi phân giới, cắm mốc biên giới, bể nước thuộc về đất bạn, nhưng với mong muốn của bà con 2 bên, bể nước được gọi là bể Hữu Nghị và hiện được người dân 2 bên sử dụng chung.

Được biết, Mà Lủng chưa có nhà họp thôn, vậy là ông Sèo lấy nhà mình là nơi họp hành cho bà con. Với uy tín của mình, nhiều năm qua trưởng thôn Ly Vả Sèo luôn vận động, thuyết phục được bà con từng bước thay đổi nếp sống cũ không còn phù hợp. Thôn làm tốt nhiều việc trên giao, khi được khen thưởng, ông Sèo đều trân trọng treo những tấm giấy khen của tập thể ở trước nhà mình. Còn tiền thưởng, ông gọi các gia đình đến, công khai số tiền và cùng liên hoan vui vẻ. Người dân Mà Lủng nói, ông Sèo sống, làm việc rõ ràng nên rất tin ông, bản thân gia đình ông cũng là hộ gương mẫu phát triển kinh tế. Vì thế, kể cả cái khó nhất được ông đưa ra như việc vận động các gia đình ở Mà Lủng có tang ma phải đưa người đã khuất vào áo quan để đảm bảo nếp sống mới, được bà con rất đồng tình...

Trong chuyến lên Mà Lủng, chúng tôi gặp anh Sùng Mí Mua, cán bộ Đồn Biên Phòng Đồng Văn đang làm nhiệm vụ ở đây. Anh Mua cho biết, Trưởng thôn Ly Vả Sèo là người luôn gương mẫu, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Uy tín và nỗ lực của ông góp phần bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới trên địa bàn đấy. Bí thư Đảng ủy xã Lầu Mí Pó cho biết, dù Mà Lủng còn nhiều khó khăn, nhưng với những gì bà con nơi đây làm được, đặc biệt là vai trò rất rõ của người có uy tín trong cộng đồng, trưởng thôn Ly Vả Sèo, Đảng bộ, chính quyền xã đang đề xuất các cấp thống nhất với phía bạn Trung Quốc, cho phép 2 thôn ở 2 bên biên giới kết nghĩa. Qua đó, tiếp tục củng cố vững chắc mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi biên giới Địa đầu Tổ quốc.
 

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập