Kinh tế

Hà Giang: Xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Bò Vàng”

07/08/2018 00:00 119 lượt xem

Bò Vàng là giống bò được đồng bào dân tộc Mông ở 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn (gồm 4 huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ) nuôi dưỡng từ lâu đời. Giống bò vàng có nhiều màu sắc khác nhau từ màu đen, màu xám đến màu vàng cánh gián…Do được thuần hóa từ lâu đời, nên giống bò vàng có khả năng thích nghi cao với các điều kiện bất lợi của ngoại cảnh như giá lạnh và dịch bệnh cũng như các phương thức chăn thả hoang dã của người dân…Ngoài những ưu thế trên, giống bò vàng của Hà Giang còn cho năng suất thịt cao, chất lượng thịt thơm ngon và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bình chọn và đưa vào danh sách bảo tồn. Trong những năm qua, sản phẩm thịt bò vàng đã được chế biến thành thịt bò khô và đã trở thành đặc sản đối với du khách khi lên du lịch trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

 Nhằm xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Bò Vàng”, vừa qua, Ban Điều phối Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh Hà Giang (CPRP) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống nông nghiệp Việt Nam (CASRAD) tổ chức Hội thảo nhằm xây dựng hồ sơ Chỉ dẫn địa lý cho “Sản phẩm Bò Vàng” của Hà Giang.
Hội thảo đã đưa ra mẫu (logo) và phân tích ý nghĩa của logo “Bò Vàng Hà Giang”, xác định khu vực mang chỉ dẫn địa lý của “Bò Vàng Hà Giang”; xây dựng bản đồ vùng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Bò Vàng dựa trên kết quả điều tra và khảo sát của cơ quan chức năng; qui chế, nội qui quản lý Chỉ dẫn địa lý; đề xuất, thống kê về các tiêu chuẩn về giống, chất lượng thịt cũng như thương hiệu của chất lượng thịt bò vàng…
Trong những năm qua, nhằm cải tạo và nâng cao chất lượng giống bò vàng, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Trung tâm Giống cây trồng và Gia súc Phó Bảng (huyện Đồng Văn) phối hợp với Viện Chăn nuôi tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ khuyến nông tại các huyện vùng Cao nguyên đá về kỹ thuật khai thác, bảo quản tinh bò đông lạnh; kỹ thuật phát hiện bò cái động dục và kỹ thuật dẫn truyền tinh nhân tạo trên đàn bò. Tính đến thời điểm cuối năm 2017, đã có gần 2.000 bê con ra đời từ thụ tinh nhân tạo có trọng lượng mới sinh đạt từ 23 – 26kg, cá biệt có con đạt tới 27 kg, cao hơn bê con sinh ra do phối giống tự nhiên từ 4 – 5 kg. Tỷ lệ thành công từ thụ tinh nhân tạo trên giống bò vàng tại 4 huyện cao nguyên đá đạt trên 68%. Ngoài ra, công tác thụ tinh nhân tạo đã góp phần khắc phục hiện tượng giống bò vàng giao phối đồng huyết và cận huyết dẫn đến suy thoái chất lượng đàn bò của địa phương. Bên cạnh đó, công tác thụ tinh nhân tạo đã phát huy được những ưu điểm vượt trội trên đàn đàn bò như thể trạng lớn hơn, khả năng chống chịu với dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt cao hơn so với giống bò được sinh ra từ giao phối tự nhiên.
Nhằm tiếp tục cải tạo và nâng cao năng suất, chất lượng giống bò vàng trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn, các cơ quan chức năng của Hà Giang đã triển khai các biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn để tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác thụ tinh nhân tạo trên đàn bò.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập