Chính trị

Hội tụ những nhân tố thuận lợi giúp Hà Giang vượt khó

20/07/2015 00:00 366 lượt xem


“Trung ương cần ưu tiên, quan tâm đặc biệt, đặc thù hơn nữa tới Hà Giang, cần kịp thời giải quyết trục đường từ Phú Thọ lên Hà Giang và tuyến 4D, đường 279 cho thật tốt, đồng thời phải tìm hướng giải quyết tốt hệ thống thủy lợi. Hai lĩnh vực này nếu không giải quyết được thì không thể phát triển, có nỗ lực mấy Hà Giang cũng khó ra khỏi tỉnh nghèo, đặc biệt khó khăn...” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tại buổi làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh về công tác chuẩn bị Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Hà Giang là một tỉnh miền núi, vùng cao, đặc biệt khó khăn, tuyệt đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, giáp biên giới, phên giậu Tổ quốc; phong tục tập quán, nhất là trình độ phát triển, trình độ canh tác, trình độ sản xuất kinh doanh còn hạn chế; điều kiện hạ tầng, điều kiện tự nhiên rất khó khăn nên ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH. Nhiệm vụ đặt ra đối với Hà Giang trong công tác tư tưởng, phải nói cho được tỉnh ta rất nghèo, rất khó khăn, từ đó xây dựng quyết tâm chính trị, toàn dân vượt lên khó khăn, đoàn kết vượt qua nghèo đói; tính tư tưởng của Báo cáo Chính trị Đại hội XVI phải thể hiện được chúng ta rất nghèo, rất khó khăn, chúng ta phải vươn lên, sử dụng tối đa ngoại lực kết hợp với nội lực để thoát nghèo.

Những nhận xét của Chủ tịch Quốc hội đã gợi mở quyết tâm lớn, đồng thời tiếp thêm sức mạnh, tạo niềm tin để tỉnh ta từng bước vượt qua đói nghèo. Nhìn lại quãng thời gian thực hiện Nghị quyết XV mới thấy nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân thật phi thường, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị đã và đang khơi thông nhiều nguồn lực. Đánh giá thành tựu 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XV, dự thảo Báo cáo Chính trị nêu rõ: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo luôn năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy, tác phong, lề lối làm việc; chủ động mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết với các địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và các địa phương phía Trung Quốc gắn xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; xây dựng, triển khai có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội...

Tuy nhiên, do suy thoái kinh tế thế giới, kinh tế trong nước suy giảm ngay từ thời kỳ đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015; việc thực hiện một số giải pháp tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu thị trường tài chính, chính sách tiền tệ thắt chặt... phần lớn nguồn vốn đầu tư dành cho thanh toán nợ xây dựng cơ bản. Toàn tỉnh nghiêm túc quán triệt sâu sắc, chủ động, tích cực xây dựng, triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án cụ thể hoá “Bốn đổi mới, Tám đột phá, Mười lăm chương trình trọng tâm” với mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và giải pháp cụ thể. BTV Tỉnh ủy đã phân công từng đồng chí ủy viên, cơ quan thường trực phụ trách, chỉ đạo thực hiện các nội dung, chương trình; thành lập đoàn kiểm tra đôn đốc tiến độ thực hiện ở các ngành, các địa phương, cơ sở; chỉ đạo sơ kết, đánh giá toàn diện và điều chỉnh, bổ sung kịp thời, ban hành các cơ chế, chính sách, tập trung hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Vì vậy, Bốn đổi mới, Tám đột phá, Mười lăm chương trình trọng tâm được các cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị nên đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, tạo sự đổi mới và đột phá trên các lĩnh vực. Nổi bật trong đó phải nói đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, thực tiễn chỉ rõ: Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng được đổi mới theo hướng trực tiếp, sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm; tuân thủ tốt hơn nguyên lý khoa học, gắn lý luận với thực tiễn; thực hiện tốt quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, đề án, chương trình và kịp thời điều chỉnh, đề ra những định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo; dân chủ trong Đảng, trong xã hội được tăng cường, vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền được phát huy; cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường đối thoại trực tiếp, giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tác phong, lề lối làm việc của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức được đổi mới theo hướng sâu sát, kịp thời, chống quan liêu, tiêu cực, phiền hà.

Trong lãnh đạo phát triển kinh tế, tỉnh ta luôn coi trọng các quy luật kinh tế thị trường, sản xuất theo hướng bền vững, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất, phát triển các mô hình HTX, tổ hợp tác sản xuất, thực hiện đầu tư có thu hồi, liên kết “bốn nhà”... bước đầu có kết quả tốt, khẳng định hướng đi đúng. Chương trình MTQG Xây dựng Nông thôn mới được triển khai bài bản, nhiều cách làm sáng tạo. Công nghiệp khai khoáng từng bước chuyển sang chế biến sâu, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp thủy điện đạt hiệu quả cao, một số sản phẩm công nghiệp chế biến đạt chất lượng tốt...

Và chúng ta càng tự hào hơn, trong bối cảnh khó khăn luôn bủa vây, nhưng kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng khá, đến hết năm 2014, tốc độ tăng tổng sản phẩm cao hơn 1,3% so với mục tiêu của vùng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.440 tỷ đồng, đứng thứ 9/14 tỉnh trong vùng; giá trị sản xuất công nghiệp gần 3.605 tỷ đồng, đứng thứ 10/14; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt gần 5.758 tỷ đồng, đứng thứ 11/14; bình quân lương thực đạt 488kg/người/năm, đứng thứ 3/14; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 4,7%/năm, giảm nhanh hơn mục tiêu vùng 0,72%.

Những bước đi, cách làm và kết quả của tỉnh được T.Ư dõi theo, đánh giá và ghi nhận, nhiều lĩnh vực đã trở thành điểm sáng, tạo được tiền lệ để thực hiện trong gian đoạn tiếp theo. Tại buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, T.Ư, Bộ chính trị, Ban Bí thư rất quan tâm đến Hà Giang và cần có ưu tiên, quan tâm đặc biệt, đặc thù hơn nữa. Hà Giang Anh hùng, giặc xâm lăng chưa bước qua được cổng trời, chỉ Cụ Hồ lên tận Đồng Văn mời ông Vương Chí Sình về làm đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, nếu T.Ư không kịp thời giải quyết trục đường từ Phú Thọ qua Tuyên Quang lên Hà Giang và tuyến 4D, đường 279, rồi hệ thống thủy lợi sao cho thật tốt thì không thể phát triển, có nỗ lực mấy Hà Giang cũng khó ra khỏi tỉnh nghèo, đặc biệt khó khăn. Nỗ lực của Hà Giang giỏi lắm cũng chỉ ăn no, để vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo cần có sự chung tay của các địa phương, sự quan tâm của các bộ, ngành. Tới đây, chúng ta sẽ nói nhiều về giảm nghèo, giải quyết khó khăn, chương trình giảm nghèo của Quốc hội không chỉ quan tâm đến nội dung, còn quan tâm đến địa chỉ và Hà Giang là địa chỉ quan trọng...

Sự chia sẻ, giúp đỡ của T.Ư, sự chung tay, góp sức của các địa phương, tinh thần đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân được phát huy... đây sẽ là những nhân tố thuận lợi để Hà Giang vượt khó.

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập