Kinh tế

Hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội

28/01/2015 00:00 204 lượt xem

Với đặc thù là tỉnh chiếm phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), có 6 huyện 30a, 140 xã, 98 thôn đặc biệt khó khăn. Trong 5 năm qua, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã trở thành nguồn lực to lớn giúp người dân yên tâm phát triển kinh tế, XĐGN; bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được hưởng các chính sách ưu đãi gồm: Chương trình 135, vốn đầu tư của Chính phủ Ai Len, Đề án phát triển KT-XH vùng dân tộc Cờ Lao, Quyết định 755/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, chính sách đối với người có uy tín, chính sách tín dụng... hỗ trợ về phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, điện, nước sinh hoạt, giống, phân bón, vật nuôi, sách, báo, tạp chí...

Qua 5 năm thực hiện công tác hỗ trợ đồng bào dân tộc, người dân ở các huyện đều phấn khởi vì đời sống được nâng cao, an ninh lương thực đảm bảo. Nhờ đó, bà con từng bước mở rộng diện tích, áp dụng KHKT vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, luân canh tăng vụ và phát triển cây vụ Đông... nhằm làm tăng năng suất, sản lượng. Cụ thể, đã hỗ trợ 670 ha đất sản xuất cho 3.210 hộ, trên 58.683 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn với lãi suất ưu đãi; 300 nghìn lượt người được tập huấn kỹ thuật khuyến nông, hướng dẫn cách làm ăn; hỗ trợ 17.363 hộ làm mới và sửa chữa nhà cửa; hỗ trợ trực tiếp 93.231 triệu đồng tiền mua giống, phân bón, vật tư... Từ đó, các huyện như: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì dần hình thành và phát triển ổn định vùng chuyên canh cây cam, chè, lạc, đậu tương... có giá trị kinh tế cao. Sau khi tiếp nhận những tiến bộ trong sản xuất, cuộc sống người dân đổi thay hoàn toàn như: Hộ ông Bàn Văn Chuyền, dân tộc Dao ở thôn Thọ Quang, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) phát triển kinh tế bằng cây cam sành cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm; hay hộ ông Vừ Sáu Pó, dân tộc Mông ở xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) với mô hình phát triển chăn nuôi bò, lợn, dê cho thu nhập 700 triệu đồng/năm và còn nhiều mô hình nông nghiệp khác đã biến nhiều hộ nghèo thành những triệu phú trên chính mảnh đất của mình.

Từ các nguồn vốn hỗ trợ đã làm cho diện mạo của thôn, bản vùng cao thay da đổi thịt với 1.631 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp với tổng kinh phí lên tới 558.800 triệu đồng từ nguồn vốn 135; thực hiện các dự án quy tụ tập trung dân cư, ổn định cuộc sống lâu dài ở nơi ở mới cho 247 hộ với kinh phí là 9.528 triệu đồng, xen ghép với dự án định, canh định cư cho 439 hộ với kinh phí là 83.860 triệu đồng. Hiện, 88,2% thôn, bản đã có đường giao thông bê - tông hóa; 128 phòng, lớp học được kiên cố hóa; 83,3% hộ dân dùng điện lưới; mạng lưới viễn thông phủ sóng rộng khắp; hệ thống chợ nông thôn là đầu mối giúp nhân dân trao đổi hàng hóa được xây dựng ở các xã; có 177 trạm y tế tại các xã, phường với 521 giường bệnh kịp thời phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. 100% đồng bào DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế, bà con đã tự giác đến các trạm y tế để khám, chữa bệnh, sinh con không còn tin vào những hủ tục lạc hậu. Bên cạnh đó, đồng bào DTTS cũng tích cực tham gia vào phong trào xây dựng Nông thôn mới, phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận, tự nguyện hiến 740.000 m2 đất, đóng góp trên 1 triệu ngày công để mở mới, nâng cấp, bê - tông hóa 1.435km đường giao thông, 91 nhà sinh hoạt cộng đồng, gần 14.000 nhà vệ sinh, 7.000 bể nước... làm chất lượng đời sống nâng lên.

Thế hệ trẻ được quan tâm bồi dưỡng với 548.743 lượt học sinh bán trú dân nuôi và bán trú đã hưởng chính sách và nhận 7.582 tấn gạo. Do vậy, công tác giáo dục phát triển cả về quy mô và chất lượng, đã hoàn thành việc phổ cập giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở tiến tới phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi. Từ đó, đã đào tạo ra nhiều cán bộ là người DTTS phục vụ cho địa phương. Các lĩnh vực khác như đời sống tinh thần nâng cao, công tác an ninh trật tự đảm bảo...

Đánh giá về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Hoàng Đức Tiến cho biết: “Các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với tỉnh là rất cần thiết vì tỉnh ta có điều kiện kinh tế kém phát triển, đồng bào DTTS chiếm phần lớn. Qua 5 năm, hiệu quả của các chính sách trên đã phát huy rõ rệt như: Sản lượng lương thực bình quân đầu người từ 460 kg/người/năm (năm 2009) tăng lên 493 kg/người/năm (năm 2014); thu nhập bình quân đầu người tăng là 16 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35,38% năm 2011 xuống còn 26,95% năm 2014. Tuy nhiên, các chính sách cũng bộc lộ những hạn chế trong quá trình thực hiện do nguồn kinh phí không được cấp đủ, có chương trình cấp 70% hoặc thậm chí chỉ từ 20 – 30% mức hỗ trợ. Sự hỗ trợ thì nhỏ lẻ, manh mún, chính sách nhiều nhưng chồng chéo, ví dụ: Chương trình 135 và Quyết định 755/QĐ-TTg có đối tượng hỗ trợ giống nhau về đất sản xuất, công trình nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng... song mỗi chính sách có một cơ chế riêng nên khó lồng ghép. Bên cạnh đó, một số chính sách không hiệu quả như việc cấp sách, báo cho người có uy tín do trình độ dân trí còn thấp”.

Để nâng cao hiệu quả của các chính sách này, trước hết các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm, chỉ đạo sát sao đến việc thực hiện các chính sách dân tộc; tuyên truyền cho đồng bào hiểu rõ về chính sách của Đảng, Nhà nước. Tìm cách lồng ghép giữa các nguồn vốn để thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH ở địa phương và nâng cao công tác giám sát của người dân.

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập