Kinh tế

Huyện Đồng Văn triển khai Đề án phát triển trồng cây Lê ăn quả giai đoạn 2016-2020

18/11/2016 00:00 314 lượt xem

TTTĐT - Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đồng Văn khóa XX, nhiệm kỳ 2015-2020 về thực hiện chương trình trọng tâm 3 cây, 4 con là nhiệm vụ hàng đầu trong tăng trưởng kinh tế. Một trong “3 cây” mà huyện Đồng Văn chú trọng phát triển đó là cây Lê, loài cây đặc trưng của địa phương và đang chứng tỏ tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế của huyện. Để giúp cho bà con tạo thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh theo hướng hàng hóa. Năm 2016 huyện Đồng Văn đã triển khai Đề án Phát triển trồng cây Lê ăn quả trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 - 2020.

 Cây Lê là cây bản địa được người dân địa phương trồng từ lâu đời, trên địa bàn huyện Đồng Văn, hiện có nhiều giống Lê khác nhau, như: giống Lê vỏ xanh, vỏ nâu; giống chín sớm, chín muộn; giống Lê địa phương, giống Lê đài loan được đưa vào trồng từ năm 2008 đến nay. Cho đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích cây Lê các loại của huyện Đồng Văn là 409,63 ha, chủ yếu được trồng phân tán, chưa chú trọng thâm canh, đây là số liệu thống kê hàng năm trên cơ sở phát động trồng cây đầu xuân, nên chưa phản ánh chính xác được diện tích, năng suất, sản lượng thực có trên địa bàn huyện. Diện tích cho sản phẩm 200,8 ha, năng suất bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt 7,65 tấn/ha, năng suất bình quân trên tổng diện tích trồng đạt 3,75 tấn/ha, sản lượng đạt 1.536,12 tấn. Để cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XX, cũng như Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Năm 2016, UBND huyện Đồng Văn đã triển khai Đề án Phát triển trồng cây Lê ăn quả trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của dự án là chuyển đổi đất hoa màu sang trồng 66 ha cây Lê ăn quả, tạo vùng sản xuất tập trung chuyên canh theo hướng hàng hóa; tổ chức liên kết lại sản xuất chặt chẽ giữa  “4 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà sản xuất”, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tái cơ cấu sản xuất, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Đề án được triển khai bắt đầu từ năm 2016 đến năm 2020 tại 19 xã, thị trấn, trong đó phát triển tập trung tại 8 xã, thị trấn: Đồng Văn, Phố Bảng, Lũng Cú, Sảng Tủng, Sủng Là, Phố Là, Phố Cáo, Lũng Táo. Đối với diện tích trồng mới cây Lê ăn quả, được hỗ trợ một lần tiền mua giống, phân bón với định mức 8 triệu đồng cho 01 ha trồng mới và được hỗ trợ một lần 100% lãi suất tiền nay vốn ngân hàng trong thời gian kiến thiết cơ bản trồng cây Lê trong 5 năm đầu tính từ ngày giải ngân, với định mức 15 triệu đồng/ha thông qua ngân hàng chính sách xã hội huyện với mức lãi suất hỗ trợ tính theo thời điểm giải ngân. Đối với các xã nằm trong dự án hiện nay đã thành lập Ban chỉ đạo trồng cây Lê và thành lập tổ trồng Lê.

Đ/c Nguyễn Ngọc Thanh - TUV - Bí thư Huyện ủy Đồng Văn kiểm tra cải tạo vườn Lê kém chất lượng tại thị trấn Phố Bảng huyện Đồng Văn

Đối với hộ, nhóm hộ có cây Lê đã trồng cho quả chất lượng kém, quả chua, chát, không ngon, đảm bảo mật độ cây cách cây 4m, hàng cách hàng 5m và số lượng cây Lê trồng tập trung tại một điểm tối thiểu được hỗ trợ từ 50 cây, không hạn chế diện tích tối đa được hỗ trợ cải tạo 10.000đ/cây. Đến với Gia đình anh Vi Học Lần thôn Lán Xì, xã Phố Cáo là một trong những chủ hộ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nương từ năm 2010 để trồng 1ha cây Lê, tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm nên chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên chất lượng kém. Từ khi triển khai đề án, Trung tâm khuyến nông huyện đã xuống hỗ trợ kỹ thuật để cải tạo vườn Lê nhà anh. Đối với giống Lê của đề án được lựa chọn từ các cây giống đầu dòng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bình tuyển công nhận trên địa bàn huyện. Giao UBND các xã, thị trấn Hợp đồng thông qua Trung tâm Giống cây trồng và Gia súc Phó Bảng nhân giống cung ứng cho các xã, thị trấn theo lộ trình từng năm. Theo lộ trình của Đề án năm 2016 trồng 29,6 ha; 2017 là 22,5 ha; 2018 là 14,5 ha. Tính đến tháng 10/2016, Trung tâm giống cây trồng và gia súc Phố Bảng đã nhân giống và cung ứng cho 8 xã, thị trấn được quy hoạch thành vùng tập trung trồng cây Lê là 9,6 ha. Đối với các xã, thị trấn, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi ngay đầu tháng 10/2016 có mưa nên đã tiến hành trồng xong số diện tích các hộ đăng ký.

Tổng kinh phí thực hiện đề án trên 24 tỷ đồng, trong đó: Nhân dân đóng góp trên 21 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ trên 3 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách Tỉnh, vốn các Chương trình 135, 30a, sự nghiệp phân cấp cho huyện và các nguồn kinh phí khác. Dự án được thực hiện góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người/năm, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết XX của Đảng bộ huyện Đồng Văn đề ra giai đoạn năm 2015 - 2020. Tạo công ăn việc làm, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Làm thay đổi nhận thức của nông dân về sản xuất nông nghiệp thuần tuý dần chuyển sang sản xuất hàng hóa, sản xuất cây trồng có giá trị kinh tế cao; thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị cây trồng trên đơn vị diện tích. Tạo thành vùng cây ăn quả đặc hữu thu hút du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập và xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm “Lê Đường huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang”.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập