Xây dựng nông thôn mới

Khó khăn trong xây dựng Nông thôn mới ở Đồng Văn

09/06/2016 00:00 518 lượt xem

Những năm qua, Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở huyện Đồng Văn đã có sự vào cuộc của các cấp, ngành và người dân thông qua những chương trình, việc làm cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực, đời sống tinh thần và vật chất của người dân ngày một được cải thiện; mức sống, hưởng thụ văn hóa giữa khu vực nông thôn và thành thị ngày một được rút ngắn. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn khá khiêm tốn so với mục tiêu đề ra do những yếu tố khách quan, chủ quan, là lực cản lớn cho sự phát triển của huyện. Thực hiện Chương trình xây dựng NTN, huyện Đồng Văn đã cụ thể hóa các  nội dung, tiêu chí của tỉnh sát với tình hình thực tế của địa phương. Trong phát triển kinh tế, huyện xây dựng, quy hoạch vùng trồng lúa, ngô, đậu tương chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào đồng ruộng. Khuyến khích người dân cải tạo vườn đồi, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi với nhiều cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất, đâu tư có thu hồi. Cùng với việc phát triển nông nghiệp, lĩnh vực dịch vụ - du lịch được huyện xem là “cánh cửa” mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân. Vấn đề xây dựng, nâng cấp đường giao thông được chú trọng, ngoài các tuyến đường chính được trải nhựa do Nhà nước đầu tư; cấp ủy các cấp còn vận động nhân dân đóng góp theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ý thức làm đẹp cảnh quan trong dân được nâng lên, người dân tại các xã, thị trấn chủ động di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà; trồng cây cảnh quan, làm công trình vệ sinh, láng sân, bó láng nền nhà. Việc khôi phục văn hoá dân tộc truyền thống cũng được quan tâm hơn, hầu hết ở các xã, thôn, xóm đã thành lập được Hội Nghệ nhân dân gian hoạt động theo quy ước, hương ước và thường xuyên biểu diễn những tiết mục mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống phục vụ các ngày lễ, hội...

Cùng với phát triển du lịch, chăn nuôi đại gia súc cũng được xã Sủng Là (Đồng Văn) xem là giải pháp để giảm nghèo bền vững.

Cùng với phát triển du lịch, chăn nuôi đại gia súc cũng được xã Sủng Là (Đồng Văn) xem là giải pháp để giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, kết quả đạt được trong xây dựng NTM của huyện chưa tương xứng với mục tiêu đề ra do xuất phát điểm kinh tế thấp; đại bộ phận nhân dân sống bằng nông nghiệp. Tính đến hết năm 2015, chỉ có xã Sủng Là đạt 13 tiêu chí, xã Lũng Cú đạt 11 tiêu chí; 17 xã, thị trấn khác còn lại mới chỉ đạt từ 4 - 7 tiêu chí; toàn huyện còn 9 xã có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo từ 70 đến trên 90% theo tiêu chí mới. Thêm vào đó là nhu cầu nguồn vốn cần đầu tư nhiều trong khi nguồn lực dành cho đầu tư lại quá ít; nhiều thôn của xã, thị trấn thiếu đất, nước sản xuất. Đây là những dào cản lớn mà huyện Đồng Văn cũng như nhiều huyện vùng cao của tỉnh ta gặp phải. Trong số các tiêu chí khó đạt nhất đối với cấp xã hiện nay là tiêu chí về thu nhập, môi trường và tỷ lệ hộ nghèo. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, huyện Đồng Văn phấn đấu đưa xã Sủng Là và Lũng Cú đạt chuẩn xây dựng NMT. Nhưng nhìn vào thực tế hiện nay, để đạt được mục tiêu này là điều không dễ nếu không có sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận, nỗ lực của nhân dân.

Là xã được huyện chọn làm điểm trong xây dựng NTM, nhưng từ năm 2015 đến nay, do nguồn ngân sách hạn hẹp, xã cũng chỉ được Nhà nước đầu tư xây dựng 3 Nhà văn hóa tại các thôn Sáng Ngài, Pù Chừ Lủng và Mo Pải Phìn từ nguồn vốn của Chương trình 30a và 135 giai đoạn 2. Việc huy động nguồn lực trong dân đóng góp tiền của, vật chất xây dựng NTM ở xã hầu như không thể thực hiện được; bởi tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã chiếm tới trên 60%. Mặc dù, xã đã triển khai đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ lãi suất người dân vay vốn, đầu tư phát triển nông nghiệp; khuyến khích người dân mở rộng, phát triển ngành nghề truyền thống là thế mạnh của xã như, trạm khắc bạc, may mặc,... để tăng thu nhập cho nhân dân; nhưng kết quả đạt được cũng chưa nhiều. Hết năm 2015, bình quân thu nhập theo đầu người của xã cũng chỉ đạt 10,5 triệu đồng/người/năm, còn cách xa tiêu chí đạt chuẩn xây dựng NTM là 18 triệu đồng/người/năm.

Đối với xã Lũng Cú - một trong 2 xã điểm trong xây dựng NTM cũng có những khó khăn riêng, ngoài khó khăn thực hiện tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo cao, rất khó thực hiện tiêu chí về môi trường, xây dựng cơ sở  hạ tầng Nhà văn hóa, trụ sở thôn, xóm; do phong tục tập quán, nguồn lực đầu tư ít. Tuy nhiên, với quyết tâm phấn đấu đến năm 2020 đưa xã Lũng Cú đạt chuẩn NTM đầu tiên của huyện; cấp ủy, chính quyền xã hiện đang xây dựng kế hoạch chi tiết, xác định những nội dung cần tiếp tục chỉ đạo để triển khai thực hiện. Trong đó, xác định đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, khai thác lợi thế địa phương phát triển dịch vụ - du lịch, đoàn kết giúp nhau XĐGN; huy động nguồn lực cho xây dựng NTM thông qua nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, tập trung thực hiện các tiêu chí theo phương châm việc dễ làm trước, khó làm sau...


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập