Kinh tế

Nghị quyết 30a trên mặt trận xóa nghèo

05/08/2015 00:00 407 lượt xem

Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có 10 huyện và 1 thành phố, trong đó có 6 huyện thuộc diện huyện nghèo được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần). Bên cạnh đó, Hà Giang là một tỉnh có trên 22 dân tộc cùng sinh sống. Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện các chương trình thuộc Nghị quyết 30a, trên địa bàn Hà Giang đã có hàng nghìn hộ dân được thoát nghèo bền vững.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ (từ năm 2009 đến cuối năm 2014), 6 huyện nghèo của tỉnh đã được Trung ương hỗ trợ trên 1.500 tỷ đồng để thực hiện các chính sách về an sinh xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng,... góp phần giảm 18.290 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của 6 huyện nghèo từ 61,64 % vào cuối năm 2010 giảm xuống còn 33,13 % vào cuối năm 2014; thu nhập bình quân của người dân tại 6 huyện nghèo tăng từ 4,4 triệu đồng/người/năm vào đầu năm 2009 tăng lên 11,3 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2014. Riêng trong năm 2014, toàn tỉnh Hà Giang đã giảm được 9.700 hộ nghèo. Tính đến thời điểm cuối năm 2014, toàn tỉnh Hà Giang còn 38.655 hộ nghèo, chiếm khoảng 23,2 % số hộ trên địa bàn toàn tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, trong những năm qua các cấp, các ngành của Hà Giang đã thực hiện sáng tạo các chính sách giảm nghèo. Điển hình trong các chính sách này là gắn các tiêu chí giảm nghèo với Chương trình Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới. Cho tới thời điểm tháng 7/2015, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có 4 xã đạt đủ 19 tiêu chí về Xây dựng Nông thôn mới, đó là xã Việt Lâm thuộc huyện Vị Xuyên, xã Phương Thiện, Phương Độ thuộc thành phố Hà Giang và xã Đông Hà huyện Quản Bạ.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành của Hà Giang đã gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền nhằm thay đối ý thức trông chờ ỷ lại của người dân đối với hỗ trợ của Nhà nước. Chính quyền các cấp ở cơ sở đã phối hợp với ngân hàng thực hiện chương trình đầu tư có thu hồi về cây và con giống cho các hộ nông dân tại các xóm bản nghèo của tỉnh. Nhiều mô hình giảm nghèo bền vững như mô hình trồng cây ăn quả, phát triển cây dược liệu, phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa gắn với trồng cỏ, đẩy mạnh xúc tiến du lịch tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá...đang được các doanh nghiệp phối hợp với các địa phương và người nông dân triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay Hà Giang vẫn là một tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người của toàn tỉnh chỉ đạt 16,2 triệu đồng/người/năm. Vì vậy, công tác xóa đói giảm nghèo của Hà Giang vẫn là một nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Hà Giang là một trong những tỉnh nghèo của cả nước. Vì vậy, công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập