Kinh tế

Phát triển cây đặc sản Ớt gió trên Cao nguyên đá

10/08/2018 00:00 178 lượt xem

TTTĐT - Thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn – tỉnh Hà Giang) gồm 22 thôn, tổ dân phố, kinh tế chia thành 2 vùng rõ rệt, 7 tổ dân phố tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, 15 thôn còn lại là những thôn thuần nông, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Thực hiện chủ trương phát triển cây, con thế mạnh của địa phương, tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch, trong hơn 3 năm qua, thị trấn Đồng Văn đã tập trung trồng cây Ớt gió, đưa loại cây này trở thành cây trồng góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng Cao nguyên đá.

 Trung bình mỗi ha ớt gió đang cho người dân thị trấn Đồng Văn thu nhập trên  100 triệu đồng. Những người dân khi được hỏi về hiệu quả loại ớt này đều tỏ rõ sự hồ hởi và có chung nhận xét: Đây là loại cây dễ trồng, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Bởi thế, ngày càng có nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Đồng Văn chọn cây Ớt gió để phát triển kinh tế.

HTX Thành Công lên nhận giấy chứng nhận

Ớt gió là loại cây hoang dại, mọc ở trong rừng, được người dân lấy về trồng quanh nhà làm cây gia vị. Lúc đầu, cả thị trấn chỉ có vài hộ trồng. Dần dần, thấy hiệu quả nên đến nay, nhiều thôn của thị trấn trồng loại ớt này, với số lượng lên tới hàng trăm hộ. Một số thôn thu hút được hầu hết các hộ dân tham gia như: Lài Cò, Mã Lủ, Bản Mồ... Nhà trồng nhiều từ 1.000 – 2.000 mét vuông, nhà trồng ít thì 50 – 100 mét vuông. Năng suất bình quân mỗi ha ớt đạt khoảng 4 tạ/năm. Hiện nay, tổng diện tích đất trồng ớt của thị trấn đạt khoảng 4 - 5ha. Với giá bán dao động từ 250 - 300 nghìn đồng/kg (có thời điểm đạt 500 nghìn đồng/kg), mỗi ha Ớt gió đã và đang cho người dân nơi đây thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. Với hiệu quả kinh tế này, theo đồng chí Đào Trung Tâm – Phó Chủ tịch UBND thị trấn thì trong những năm tới, cây ớt vẫn được thị trấn xác định là cây kinh tế mũi nhọn trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích để đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp của thị trấn đạt 45 triệu đồng/ha như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

Các sản phẩm ớt gió HTX Thành Công

Đối với người dân vùng cao, luôn thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, việc tìm ra và nhân rộng loại cây trồng có giá trị kinh tế đã đem lại niềm vui cho người dân nơi đây. Nhiều người dân trong thị trấn đã và đang tận dụng mọi diện tích đất có thể để trồng ớt. Nếu trước đây, cây ớt được đưa từ rừng về trồng quanh nhà để làm gia vị thì bây giờ cây ớt đã được trồng tập trung thành từng đám, từng vùng. Nhiều chân ruộng cao thường bị bỏ không do phụ thuộc vào thời tiết nay đã được người dân phủ kín bằng những luống ớt, một số hộ dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vi sinh để tăng sản lượng cây ớt. Nhờ cây ớt mà nhiều gia đình nơi đây đã thoát được nghèo và mức sống được nâng lên rõ rệt.

Ông Hò A Phủ, Bí thư chi bộ thôn Bản Mồ chia sẻ: Đầu tư trồng 100 mét vuông ớt tương đương với đầu tư 0,03 ha ngô (trên dưới 300.000 đồng) mà thu nhập thì lại cao hơn gấp 8 - 9 lần, khoảng 10 triệu đồng. 3 năm trồng ớt, chưa bao giờ sản phẩm của gia đình ông bị "ế", có chăng chỉ là giá cả thỉnh thoảng không ổn định. Ông Phủ nói vui: Vào mùa ớt, mỗi tuần đi chợ phiên, thay vì đèo hàng bao tải rau đem ra chợ bán, người dân chúng tôi giờ chỉ cần 01 túi nhỏ ớt gió là lại có vài trăm nghìn để tiêu.

Ngoài thị trấn Đồng Văn, một số xã khác cũng đang trồng loại cây này nhưng không thành công, chỉ có cây ớt gió trồng tại thị trấn Đồng Văn mới cho loại quả nhỏ, cay dịu, khi ngâm với dấm và tỏi ăn rất thơm và không nóng bụng…theo những gia đình thường xuyên tham gia trồng ớt, lượng ớt mà người dân sản xuất ra vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Vì thế, việc mở rộng diện tích trồng ớt là điều hoàn toàn khả quan và cần được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, hơn nữa ớt gió là loại cây trồng ngắn ngày, chi phí đầu tư không cao, thích hợp với điều kiện tự nhiên tại một số thôn của thị trấn Đồng Văn….  Ớt gió hiện tại đã được Hợp tác xã Thành công đăng ký thu mua toàn bộ sản phẩm. Sản phẩm ớt gió ngâm dấm của Hợp tác xã Thành công đã được Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chứng nhận đạt danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam, năm 2018”.

Tuy nhiên, theo ông Mai Anh Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Văn – một trong những người phát triển cây ớt gió trở thành cây hàng hóa thì: Khó khăn lớn nhất mà người trồng ớt hiện đang gặp phải chính là thiếu kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh, trồng ớt ở những nơi thấp cây sẽ bị chết khi gặp trời mưa to, kéo dài... Bên cạnh đó, nhân dân Trung Quốc khu vực giáp với thị trấn Đồng Văn cũng  đang trồng tập trung khá nhiều loại ớt này và giá rất rẻ, nhiều người vì thấy lợi nhuận cao nên cũng tham gia mua ớt bên Trung Quốc về bán tại Chợ Đồng Văn và nói dối là ớt trồng tại các thôn của thị trấn làm ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm ớt gió Đồng Văn.

Trước những khó khăn mà người trồng ớt ở thị trấn Đồng Văn nói riêng, trên địa bàn huyện Đồng Văn nói chung đang gặp phải, mong rằng, các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh cần nghiên cứu, sớm có biện pháp giúp đỡ về khoa học kỹ thuật, cũng như sự định hướng để cây ớt gió Đồng Văn phát triển bền vững, đảm bảo cơ cấu cây trồng hợp lý, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong ngành nông nghiệp, từ đó tăng thu nhập cho người nông dân.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập