Tin địa phương

Đột phá trong thực hiện chương trình trọng tâm ở Đồng Văn

03/10/2018 00:00 99 lượt xem

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định tập trung thực hiện 5 chương trình trọng tâm. Trong đó có chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển du lịch, thương mại; Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm; phát triển cây dược liệu… Qua gần 3 năm triển khai thực hiện, nhất là đối với các chương trình trọng tâm đã cho thấy sự chuyển biến rõ nét, với những kết quả đáng ghi nhận.

 Để thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng tâm, BCH Đảng bộ huyện Đồng Văn nghiêm túc xây dựng quy chế, chương trình công tác toàn khoá. Tại các cuộc họp thường kỳ, tập thể BTV, BCH Đảng bộ huyện tập trung vào đánh giá, kiểm điểm công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn trong việc triển khai nhiệm vụ; đi sâu làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại và tìm ra những bài học kinh nghiệm. Tại các kỳ họp HĐND huyện, những khuyết điểm trong từng lĩnh vực, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước trên địa bàn được các cử tri chất vấn các ngành chuyên môn, đơn vị liên quan làm rõ, kịp thời khắc phục. Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết XX Đảng bộ huyện, các mục tiêu trong chương trình trọng tâm đã dần hình thành, phát triển rõ nét.

Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện ban hành Đề án phát triển 3 cây (Tam giác mạch, lê, dược liệu), 4 con (bò, dê, lợn, ong) tại những vùng, xã có lợi thế. Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện; tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 209 và 86 của HĐND tỉnh về hỗ trợ vốn vay phát triển đàn bò, ong. Qua đó ngày một xuất hiện nhiều các mô hình chăn nuôi như: Vỗ béo bò tại xã Sủng Là, Phố Cáo, thị trấn Phố Bảng; nuôi lợn nái sinh sản tại xã Sà Phìn, Lũng Phìn; nuôi gà siêu trứng tại xã Thài Phìn Tủng… điều này đã tạo ra “đầu kéo” khuyến khích và thúc đẩy chăn nuôi phát triển . Đến nay, toàn huyện đã có100.990 con gia súc; trên 410.000 con gia cầm; phát triển đàn ong nội lên tới 12.000 đàn. Cùng đó là huyện Đồng Văn triển khai quyết liệt công tác thụ tinh nhân tạo (TTNT) cho đàn bò, ủ chua thức ăn cho gia súc trở thành điểm sáng về áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Tính đến tháng 8.2018, toàn huyện TTNT được gần 2.000 con bò, đạt trên 150% kế hoạch và trở thành địa phương dẫn đầu toàn tỉnh trong TTNT cho đàn bò. Thực hiện có hiệu quả chương trình trồng cây lê hàng hóa với trên 70 ha.

Trong chương trình phát triển du lịch, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, huyện Đồng Văn đã có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư như làm thủ tục cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế thuê đất xây dựng cơ sở hạ tầng; áp dụng chính sách ưu đãi về phát triển du lịch, dịch vụ miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiếu số. Trong hơn 2 năm, huyện Đồng Văn đã khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân đến đầu tư phát triển du lịch với tổng số tiền trên 186 tỷ đồng; đến nay toàn huyện có 47 khách sạn, nhà nghỉ, 211 nhà khách và nhà lưu trú homstay với tổng số trên 1.100 phòng ngủ và 2.300 giường ngủ; 43 nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch. Trung bình mỗi năm, huyện Đồng Văn đón trên 300.000 lượt khách;doanh thu từ dịch vụ ăn uống và lưu trú đạt 158,6 tỷ đồng, tăng 155% so với năm 2015.

Với 54,6 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Trung Quốc, có 9/19 xã, thị trấn biên giới. Huyện Đồng Văn cũng đặc biệt quan tâm, chú trọng phát triển kinh tế biên mậu, thúc đẩy thương mại thông qua việc nâng cấp, cải tạo, mở rộng các tuyến đường từ thị trấn Phố Bảng - Mốc 379 xã Phố Là; xây dựng bãi tập kết hàng hóa, đỗ xe tại các lối mở; củng cố, duy trì hoạt động hiệu quả 6/9 chợ tại các xã, thị trấn biên giới. KT - XH, đời sống người dân ngày một phát triển kéo theo sự giao thương, trao đổi hàng hóa trên địa bàn ngày một sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng kỷ lục, đạt 456,2 tỷ đồng, tăng 137% so với năm 2015, tăng 81% so với chỉ tiêu nghị quyết đại hội. Điều đáng nói là, trong quá trình phát triển lĩnh vực thương mại, du lịch, huyện Đồng Văn đã xây dựng được 32 sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương. Trong chương trình phát triển cây dược liệu và đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm theo chương trình của tỉnh, huyện đã chú trọng vào các cây bản địa và các cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Đến nay, diện tích dược liệu hiện có 130,12 ha, gồm óc chó, thảo quả, đỗ trọng, ấu tẩu. Đã đào tạo nghề được 2.887/4.000 người, đạt 72,2% so chỉ tiêu Nghị quyết đại hội đề ra; nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề lên 34%; tỷ lệ người học nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 80%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm là trên 6%...

Bằng định hướng đúng, có giải pháp phù hợp, huyện Đồng Văn đang cho thấy sự phát triển toàn diện, khẳng định sự đúng đắn, sâu sát trong chỉ đạo điều hành, sự cố gắng nỗ lực của mỗi người dân vì mục tiêu chung xây dựng Đồng Văn ngày một đổi mới.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập