Chuyên mục Chuyển đổi số

CÔNG AN HUYỆN ĐỒNG VĂN ĐẨY MẠNH THU NHẬN HỒ SƠ, CẤP CCCD VÀ TÀI KHOẢN ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ

20/06/2022 16:36 51 lượt xem

TTTĐT - Hình ảnh cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Đồng Văn mang theo máy móc thiết bị chuyên dụng đến các xã, thị trấn, địa bàn vùng đặc biệt khó khăn thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử không còn xa lạ đối với người dân. Tại các điểm cấp căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử lưu động, các Tổ cấp CCCD lưu động của Công an huyện Đồng Văn làm việc xuyên đêm, cố gắng quyết tâm hoàn thành việc cấp căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử đúng tiến độ đề ra.

Là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang, với địa hình đi lại phức tạp, dân cư phân bố không đồng đều, nhiều thành phần dân tộc sinh sống nên quá trình triển khai việc cấp căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử ít nhiều bị ảnh hưởng. 

Thực hiện Đề án số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” và chủ trương của Bộ Công an về việc triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo hoàn thành mục tiêu cấp căn cước công dân(CCCD) gắn chip điện tử cho toàn bộ công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên trong diện được cấp CCCD và cấp định danh điện tử hướng đến mục tiêu chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 góp phần thúc đẩy thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số. Công an huyện Đồng Văn đã thành lập 01 Tổ cấp CCCD lưu động để tiến hành thu nhận hồ sơ CCCD trên địa bàn huyện. Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Đội trưởng Đội QLHC về TTXH - Công an huyện Đồng Văn, thông tin: Tổ cấp CCCD và tài khoản định danh điện tử lưu động gồm 04 cán bộ, chiến sỹ, với tinh thần vì nhân dân phục vụ, ngay khi được phân công nhiệm vụ, cán bộ chiến sỹ trong Tổ khẩn trương lắp đặt máy móc, phương tiện, đồng thời hướng dẫn người dân các bước làm căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử một cách nhanh gọn, chính xác, tỉ mỉ, từ khâu thu nhận thông tin cá nhân nhập vào máy; chụp ảnh; lấy dấu vân tay; phát phiếu cho công dân đối chiếu tại chỗ. Trung bình một ngày mỗi Tổ thu nhận hồ sơ CCCD thực hiện được 50 - 10 hồ sơ cấp căn cước công dân và 150-200 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử.

 


 

Tổ cấp CCCD tới tận nhà người dân ốm đau, già yếu không đi lại được để thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho nhân dân

 

Được sự hướng dẫn nhiệt tình của CBCS tổ cấp CCCD lưu động, mọi người dân đến, ngồi chờ theo thứ tự, gọi tới tên ai thì người đó vào làm. Mặc dù làm việc đến tận đêm khuya nhưng CBCS ở trong Tổ rất hòa nhã, niềm nở với người dân, nhiều đồng chí tận tâm chỉnh sửa trang phục, tóc tai cho người dân để mọi người có một thẻ căn cước công dân đẹp, đúng quy định.

 

Theo chia sẻ của những cán bộ trực tiếp làm CCCD, khó khăn nhất hiện nay trong công tác cấp căn cước công dân tại xã là việc lấy dấu vân tay. Đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động sản xuất nông nghiệp lâu năm đã khiến các ngón tay bị cứng, chai sạn, đường vân tay bị mờ nên công đoạn lấy vân tay mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, một phần do bà con nhân dân không biết nói tiếng phổ thông, khi tới làm thủ tục thu nhận hồ sơ cấp CCCD, CBCS hiểu tiếng phải mất thời gian để hướng dẫn cụ thể cho từng người, dẫn tới tiến độ thu nhận hồ sơ cấp CCCD trên địa bàn huyện Đồng Văn bị ảnh hưởng nhất định.

 

Để nhân dân hiểu được những lợi ích của thẻ CCCD mẫu mới và tài khoản định danh điện tử, Công an huyện Đồng Văn đã phối hợp với các cơ quan trong việc hướng dẫn, tuyên truyền và phổ biến những điểm mới, thuận lợi khi có CCCD và tài khoản định danh điện tử cho bà con nhân dân nắm được, cụ thể như:

1. Vị trí, vai trò của dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD đối với công tác quản lý nhà nước, phục vụ Nhân dân và ý nghĩa, vai trò trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm

- Tạo điều kiện rất thuận lợi cho công dân và tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, đồng thời khi thực hiện các giao dịch khác cũng rất thuận tiện và nhanh chóng.

- Việc triển khai thành công dự án sẽ tạo dựng được cơ sở dữ liệu về thông tin của công dân trong toàn quốc với độ chính xác cao, đầy đủ và khả năng truy nguyên đồng nhất mỗi công dân được cấp 01 số thẻ CCCD cũng là Số định danh cá nhân; trên thẻ CCCD được gắn chíp điện để lưu trữ thông tin cá nhân của công dân để các Bộ, ngành, đơn vị có thể khai thác thông tin và ghi thông tin trên chíp phục vụ quản lý nhà nước.

- Việc triển khai thành công dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội rõ rệt. Công dân được đảm bảo quyền lợi về CCCD phục vụ giao dịch cá nhân nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí, công sức đi lại; cơ quan nhà nước sẽ được hưởng những dịch vụ công tốt nhất, được kết nối, khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý của mình nhanh chóng, chính xác, độ tin cậy cao; các giao dịch của người dân rất thuận tiện, minh bạch hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian trả kết quả của các dịch vụ hành chính công.

- Qua triển khai dự án Sản xuất, cấp, quản lý CCCD thông tin của người dân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ được thu thập cập nhật vào Cơ sở dữ liệu CCCD và trao đổi với Cơ sở DLDC để thống nhất, quản lý. Thông tin có độ chính xác cao, có ảnh chân dung, vân tay lăn và các thông tin cơ bản của công dân do vậy phục vụ đắc lực cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

2. Tính ưu việt của thẻ CCCD có gắn chíp

Thẻ CCCD có gắn chíp điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân. Đáng chú ý, khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng thẻ CCCD có gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch. Ngoài ra, việc tích hợp chíp trên CCCD đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành bởi cơ quan công an. Dữ liệu trên chíp có thể truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp, giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay lập tức, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính. 

3. Tiện ích của tài khoản định danh điện tử: Người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công; có thể thay thế CCCD và các loại giấy tờ khác như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế... thực hiện các giao dịch như thanh toán hóa đơn điện và nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền... người dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.

 

4. Lợi ích của việc sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân.

Việc gắn chíp điện tử trên thẻ CCCD với mục đích là thuận tiện trong các giao dịch hành chính của công dân cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hướng tới nền Chính phủ số, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, đây là xu hướng tất yếu trong việc phát triển xã hội hiện nay.

Thẻ CCCD gắn chíp được cho rằng có ưu điểm hơn rất nhiều so với loại thẻ mã vạch, như dung lượng chứa dữ liệu nhiều hơn, truy xuất dữ liệu nhanh, thuận lợi, được tích hợp thêm dữ liệu của công dân như Giấy phép lái xe, thẻ Bảo hiểm y tế,...để có thể sử dụng cho nhiều giao dịch, giải quyết nhiều thủ tục, không lo ngại việc lộ lọt thông tin cá nhân, có khả năng bảo mật cao, không dễ bị xâm nhập và khó có khả năng bị làm giả.

4. Các trường hợp cần thiết phải cấp, đổi, cấp lại CCCD; các trường hợp không cần thiết cấp, đổi, cấp lại CCCD

Trong thời gian đầu thực hiện cấp thẻ CCCD gắn chíp,với điều kiện kỹ thuật và hệ thống thiết bị trên toàn quốc đang vận hành thử nghiệm, để tránh lãng phí, góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước, giảm phiền hà cho công dân khi chuyển từ CMND và thẻ CCCD đối với công dân còn CMND 9 số, CMND 12 số, thẻ CCCD nguyên vẹn và còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục sử dụng, không bị xáo trộn, ảnh hưởng gì.

Đối với những trường hợp công dân chưa được cấp CMND, CCCD hoặc đã được cấp nhưng bị hỏng, mất, hết thời hạn mà phải thực hiện các giao dịch cần có CMND, CCCD thì cơ quan Công an sẽ tổ chức các đoàn công tác về thực hiện cấp căn cước công dân tại địa bàn các xã, phường, thị trấn và duy trì tiếp dân tiếp nhận hồ sơ tại trụ sở Công an tỉnh, Công an huyện, thị xã, thành phố.

Theo quy định của Luật CCCD và pháp luật hiện hành, công dân vẫn được sử dụng 03 loại thẻ (CMND 9 số, CMND 12 số và CCCD mã vạch) đến khi thẻ hết giá trị sử dụng.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện các giao dịch, cải cách hành chính hướng tới thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Công an khuyến khích công dân thực hiện đổi sang sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử khi dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD được vận hành thông suốt./

Công an huyện Đồng Văn

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập