Thông tin tuyên truyền

Những ảnh hưởng của tảo hôn

24/01/2015 00:00 216 lượt xem

“Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật” (Khoản 4 Điều 8 Luật HN&GĐ). Tảo hôn là một tập tục (hủ tục) tồn tại lâu đời ở nhiều nhóm cộng đồng và các dân tộc. Tảo hôn không chỉ gây hại cho sức khỏe, sự trưởng thành của trẻ em mà còn tước đoạt nhiều quyền con người của các em, ảnh hưởng đến sự tồn vong và phát triển của nhóm cộng đồng và dân tộc.

Tình trạng tảo hôn diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi và tập trung chủ yếu là ở các làng quê, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tảo hôn đã mang đến sự nghèo đói, thất học, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và các mối quan hệ xã hội như:

 Về sức khỏe: Tảo hôn sẽ làm cho sức khỏe của trẻ em bị ảnh hưởng đặc biệt là trẻ em gái dưới độ tuổi 15 mang thai sẽ có nguy cơ chết do mang thai và sinh đẻ cao so với phụ nữ  trên 20 tuổi. Những đứa trẻ có mẹ dưới 18 tuổi có nhiều khả năng nhẹ cân hoặc chết non hơn những đứa trẻ khác. Đây chính là sự cảnh báo thầm lặng về sức khỏe, bởi các nguyên nhân cốt lõi của tử vong và bệnh tật của người mẹ không được quan tâm đúng mức.

Về môi trường giáo dục: Trẻ em buộc phải kết hôn sớm ít khi được tiếp tục việc học hành, cản trở họ có hy vọng về sự độc lập, cản trở họ được tiếp thu những nền giáo dục tiên tiến, hiện đại nhằm phát triển tối đa nhân cách, tài năng, các khả năng về trí tuệ và thể chất của trẻ em;

Về kinh tế: Tảo hôn khiến khả năng kiếm sống hoặc đóng góp về kinh tế cho gia đình là rất thấp dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng tăng cao.

 Về  tinh thần: Khi kết hôn sớm trẻ em sẽ không được nghỉ ngơi và thư giãn, không được tham gia vui chơi, tham gia những hoạt động giải trí và được tự do tham gia các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi….

Về mặt xã hội: Tảo hôn có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển xã hội do ảnh hưởng của chất lượng dân số, một xã hội mà tỷ lệ người thiểu năng về thể chất, thiểu năng về trí tuệ, người tàn tật, khuyết tật lớn sẽ là gánh nặng cho xã hội. Mặt khác, phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn khi tuổi đời còn ít, phải nghỉ học, mất cơ hội học tập, thiếu kiến thức xã hội, thường rơi vào cảnh nghèo túng, nhiều cặp đi đến phá vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em.
Đây chính là những ảnh hưởng lớn đối với trẻ em không chỉ hiện tại mà cả tương lai. Vì một tương lai tươi sáng cho các em, để cho các em có được sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cũng như tâm sinh lý, được tham gia học tập, giao tiếp với với cộng đồng và xã hội... mỗi chúng ta cần phải có những hành động thiết thực như tuyên truyền, vận động cùng với các biện pháp xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật mới có tác dụng vừa giáo dục, vừa dăn đe đối với những trường hợp vi phạm. Có như vậy mới hạn chế thấp nhất tình trạng tảo hôn đang diễn ra hiện nay.

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập