Thông tin tuyên truyền

Những cái chết được báo trước trên Cao nguyên đá

21/04/2015 00:00 870 lượt xem


Đến hẹn lại lên, vào khoảng thời gian từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng ba Âm lịch hàng năm, ở vùng đồng bào Mông tại 4 huyện vùng cao phía Bắc lại xảy ra tình trạng ngộ độc chết người do ăn cùng một loại thực phẩm làm từ ngô. Từ năm 2007 - 2014 đã xảy ra 19 vụ với 105 người ngộ độc, trong đó có 43 người chết.

Ngô mốc – “Thủ phạm” giết người:

Ngô là loại ngũ cốc được người Mông Hà Giang sử dụng là lương thực chính hàng ngày. Nhưng tình trạng xảy ra ngộ độc (NĐ) chỉ được ghi nhận ở một số gia đình ở rải rác cả 4 huyện vùng cao. Thời gian xảy ra ngộ độc cũng mang tính chu kỳ hàng năm trong khoảng từ sau Tết Nguyên đán đến tháng ba Âm lịch.

Chị Trần Thị Nhị, Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm Y tế huyện Đồng Văn, là huyện có tới 6/19 vụ NĐ bột ngô mốc đã thống kê được, cho biết: “Thực phẩm là nguyên nhân gây ra các vụ NĐ lại là bánh trôi ngô. Nó làm từ những hạt ngô nếp ngâm trong nước cho đến khi có vị chua mới xay rồi cho vào túi vải treo trên gác bếp. Khi nào ăn, thì nặn ra thành từng viên tròn nhỏ bỏ vào nồi nước nấu cùng đường đỏ. Nhà khá giả, mỗi khi tết đến cũng ngâm vài chục cân ngô để làm bánh ăn dần và biếu những người thân. Nó quý như phong tục người Kinh làm bánh chưng vậy”.
 
Những mẫu bột ngô mốc thu giữ tại huyện Yên Minh, Quản Bạ.
Những mẫu bột ngô mốc thu giữ tại huyện Yên Minh, Quản Bạ.

 
Theo ông Nguyễn Trần Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh: “Để ngâm chua được hạt ngô cũng mất khoảng từ 10 - 15 ngày. Nhưng để bột ngô sau khi xay cho đến lúc lên nấm mốc cũng chỉ mất khoàng từ 3-5 ngày đối với thời tiết lạnh, 1-3 ngày vào lúc trời nắng nóng. Khi người dân ăn phải bánh trôi được làm từ bột ngô mốc thường có các biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau bụng, rối loạn các chức năng gan, thận, hô hấp và tử vong rất nhanh chỉ sau khoảng 8- 48 giờ”.

Trong 26 vụ NĐ thực phẩm được ghi nhận tại Hà Giang từ năm 2007 -  2014 thì có tới 19 vụ do ăn phải bánh trôi làm từ bột ngô mốc với 105 người mắc, làm 43 người chết. Trong đo, 8/19 vụ có tỷ lệ người chết chiếm 100% trong tổng số người bị NĐ. Địa phương xảy ra NĐ nhiều nhất là huyện Mèo Vạc, chiếm 10/19 vụ, 20/43 người chết. Nhiều vụ cả gia đình bị NĐ chết hết người lớn chỉ còn lại trẻ con. Có gia đình lại chết hết trẻ con, chỉ còn lại người lớn. Điều đau lòng hơn là trong tổng số 105 người bị NĐ do ăn bánh trôi ngô mốc thì có tới 56 trẻ em và 23/43 ca tử vong là trẻ dưới 15 tuổi, trong đó có có 02 trẻ mới ở lứa tuổi 18 tháng.

Biết nhưng vẫn ăn

Trao đổi về vấn đề này, Bác sỹ Nguyễn Như Chưởng, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Dựa trên tỷ lệ hộ đói, nghèo, trình độ dân trí thấp để đổ lỗi đó là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ NĐ thì cũng chưa hẳn đã đúng. Điển hình như vụ xảy ra vào tháng 6. 2014 tại xóm Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) cả 3/3 người ăn đều tử vong lại xảy ra tại một gia đình khá giả trong xóm.

Bản thân ông Giàng Sìa Sính, chủ hộ cũng là Công an viên, đã từng được tập huấn và có trách nhiệm đi tuyên truyền cho người dân về phòng, chống NĐ bột ngô mốc, nhưng ông cũng chính là người đem bột ngô mốc đi nấu ăn và tử vong. Hay vụ NĐ xảy ra tại xóm Nhù Xa (xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn) làm 15 người mắc, 3 người tử vong; vụ NĐ tại Lùng Vài, xã Cán Tỷ (Quản Bạ) làm 11 người mắc, 4 người tử vong... Các vụ đông người này đều xảy ra trong quá trình chủ hộ làm tiệc thết đãi anh em họ hàng, làng xóm”.

Những vụ NĐ thường xảy ra vào thời điểm giáp hạt “tháng ba ngày tám” nên ngoài việc lên rừng tìm củ sắn củ mài, rau rừng làm lương thực chính thì việc “tiếc của” sử dụng những nắm bột ngô bị mốc để chống đói cũng khó lòng tránh khỏi. Có những vụ bản thân gia đình bị NĐ chết người cũng không có bột ngô để ăn mà họ được nhận lại bởi sự cho, biếu của người thân, hàng xóm. Có những người biết là ăn bột ngô mốc sẽ dẫn đến NĐ nhưng vẫn cố tình ăn thử, ăn trong lúc cơn đói không đừng được...

“Bài toán sinh mạng” đang “khát” nhiều lời giải:

Đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Sử dụng bánh trôi ngô là phong tục tập quán truyền đời của người Mông vùng cao cực Bắc Hà Giang. Vậy thì cùng với các biện pháp tuyên truyền khuyến cáo người dân không ăn bột ngô mốc, thanh kiểm tra, thu giữ gắt gao, thì việc nghiên cứu quy trình bảo quản, chế biến để tìm ra độc tố gây NĐ cũng là lời giải quan trọng. Từ đó tìm các giải pháp khoa học can thiệp, bài trừ từ khi nó chưa phát sinh, hay tìm ra các biện pháp “hóa giải” khi nó đã được đưa vào cơ thể người, giúp ngành Y tế cứu chữa kịp thời, giảm tỷ lệ lệ tử vong. Đây là những giải pháp đã và đang được UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở Khoa học Công nghệ nhiều lần đặt lên bàn hội thảo và kêu gọi nhiều nhà khoa học nghiên cứu từ những năm 2004.
 
http://baohagiang.vn/dataimages/201504/original/images1104714_1.jpg
 

 
Cùng với đó, những sáng kiến ngắn hạn đã và đang được chính quyền địa phương triển khai mạnh mẽ như: mở các chiến dịch truyền thông, làm mẫu sơ cứu người bị NĐ bằng ngôn ngữ địa phương; thành lập các đoàn kiểm tra liên thôn, xã, huyện để đến từng nhà lục tìm, thu giữ, tiêu hủy bột ngô mốc ngay tại các gia đình; đưa công tác truyền thông vào trong trường học, mỗi học sinh tại Trường Dân tộc nội trú phải ký cam kết tuyên truyền cho gia đình không sử dụng bột ngô mốc...

Theo chị Hoàng Thị Doan, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Quản Bạ, người trực tiếp tham gia vào những “Chiến dịch” truyền thông và truy lùng bột ngô mốc thì: “Có nhiều nhà thấy cán bộ đến còn đem bột ngô mốc cất dấu trong chum, vại, thậm trí treo cao, dấu trên mái nhà. Khi bị thu giữ còn chống đối, giằng co, nói dối để giữ lại, nên tập trung nhiều nhân lực cũng rất khó đạt hiệu quả tối đa”.

Trong cuộc họp tại Bộ Y tế, đã có nhiều ý kiến đưa ra các tác nhân gây NĐ và trực tiếp Viện Dinh dưỡng đã cử chuyên gia lên nằm vùng nghiên cứu. Gần đây nhất đề tài “Nghiên cứu độc tố nấm mốc ở bánh trôi ngô gây NĐ tại tỉnh Hà Giang và xây dựng một số giải pháp can thiệp” cũng đã được UBND tỉnh cấp nguồn kinh phí lên đến 700 triệu để thực hiện. Cùng với  PGS.TS Hoàng Công Minh, Chủ nhiệm bộ môn Độc học thuộc Trung tâm Phòng, chống nhiễm độc Học viện Quân Y làm chủ nhiệm, đề tài còn có sự tham gia nghiên cứu của Tiến sỹ Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTPQG cùng nhiều chuyên gia đầu ngành về Độc chất và dược lý, Phòng nhiễm độc, Hóa học, Ký sinh trùng y học, Sức khỏe nghề nghiệp của Học viện Quân y. Đề tài có quá trình khảo sát, đánh giá bước đầu từ năm 2012, triển khai thực hiện từ tháng 1.2013, dự kiến báo cáo kết quả vào tháng 3.015. Nhưng đến nay, vẫn chưa có báo cáo chính thức. Trong đề tài, PGS.TS Hoàng Công Minh đã nhận định: “Các vụ NĐ bánh trôi ngô ở Hà Giang có tỷ lệ tử vong cao có thể là do việc xử trí bước đầu ở tuyến cơ sở chưa đúng phương pháp và nạn nhân đưa đến bệnh viện hầu hết là muộn vì đường xá xa xôi. Vì vậy việc xác định độc tố gây NĐ cũng như điều tra, phân tích đầy đủ thông tin từ các vu NĐ độc là rất quan trọng, từ đó xây dựng các giải pháp can thiệp nhằm không để phát sinh NĐ hoặc hạn chế tối đa số vụ, số người bị NĐ và tử vong”. Nhưng để làm được điều đó xem ra còn phải tốn thêm nhiều thời gian, công sức.

Hiện đang là mùa vụ giáp hạt, thời điểm “chu kỳ” hàng năm đều xảy ra NĐ chết người. Cùng với các hoạt động triển khai Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP, chính quyền và các cấp ban, ngành trong tỉnh lại đang dáo diết vào cuộc để phòng, chống NĐ bột ngô mốc. Nhưng để “Cuộc chiến” này thắng lợi lâu dài thì họ cũng đang khát khao lắm sự vào cuộc của cả người dân, các cấp chính uyền và nhà khoa học để ngăn chặn được những cái chết được dự báo trước trên vùng Cao nguyên đá còn nghèo khó này.

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập