Thông tin tuyên truyền

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT

20/01/2021 08:28 721 lượt xem

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT HỎI ĐÁP CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHỐNG TẢO HÔN, HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT

HỎI ĐÁP CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHỐNG

 TẢO HÔN, HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG



Như chúng ta đã biết, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một hủ tục lạc hậu, tồn tại lâu đời ở nhiều nơi, nhiều dân tộc. Tình trạng này thường tập trung chủ yếu ở các làng quê, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Vậy, hiểu thế nào là tảo hôn? Hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là như thế nào? Hành vi tảo hôn và hôn nhân cận huyết có vi phạm pháp luật không và bị xử lý như thế nào? Sau đây Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật huyện Đồng Văn, sẽ giải đáp những thắc mắc về vấn đề này cho bà con và các bạn thông qua tài liệu hỏi đáp pháp luật như sau:

- Hỏi: Tảo hôn là gì ?

- Trả lời: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên nam và nữ chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

- Hỏi: Theo quy định của pháp luật thì nam, nữ bao nhiêu tuổi thì đủ tuổi kết hôn ? 

-Trả lời: Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ phải từ đủ 18 tuổi trở lên; Nghĩa là tính từ ngày, tháng, năm sinh đến ngày kết hôn đối với nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ phải từ đủ 18 tuổi trở lên. Những trường hợp một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi theo quy định mà lấy nhau đều là tảo hôn.

- Hỏi: Tảo hôn có vi phạm pháp luật không, vì sao ? 

- Trả lời: Tảo hôn là hành vi vi phạm pháp luật, vì đó là hành vi bị cấm trong Luật Hôn nhân và gia đình.

- Hỏi: Tại sao pháp luật lại cấm tảo hôn?

- Trả lời: Pháp luật cấm hành vi tảo hôn bởi vì tảo hôn sẽ gây nên nhiều hậu quả có hại cho gia đình và xã hội và chính bản thân những người tảo hôn.

-Đối với bản thân và gia đình: Tảo hôn làm mất đi cơ hội về học tập của trẻ em. Do phải làm vợ, làm mẹ sớm, khi cơ thể chưa phát triển đến độ hoàn thiện, sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sức khỏe, nhất là trẻ em gái dẫn tới thoái hóa và các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe của bố, mẹ và con, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống những đứa trẻ được sinh ra. Những trẻ em được sinh ra từ những cặp vợ chồng tảo hôn thường mắc các dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng và có nguy cơ dẫn đến gây tử vong.

Những gia đình tảo hôn thường có cuộc sống rất khó khăn, do chưa có kiến thức kinh nghiệm trong cuộc sống, thiếu hiểu biết nhiều về kiến thức nuôi dạy con cái, cũng như trách nhiệm, bổn phận của những người làm cha, làm mẹ, nên các cặp vợ chồng trẻ thường xảy ra mâu thuẫn. Hạnh phúc gia đình dễ bị rạn nứt, tỷ lệ ly hôn cao.

-Đối với xã hội: Tảo hôn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi và là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói nghèo gây gánh nặng cho xã hội.

Hỏi: Nếu vi phạm về tảo hôn thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời: Tảo hôn là hành vi vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm. Nếu người nào vi phạm thì có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật về hành chính hoặc nặng hơn có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

-Về xử lý vi phạm hành chính: Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

+Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

+Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó.

-Về hình sự: Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. 

Hỏi: Hôn nhân cận huyết là gì?

Trả lời:  Hôn nhân cận huyết là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

- Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau; 

- Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.

 Như vậy, hôn nhân cận huyết được hiểu là hôn nhân giữa nam và nữ trong cùng họ hàng thân thuộc chưa quá ba thế hệ. 

- Hỏi: Hôn nhân cận huyết có vi phạm pháp luật không, vì sao ? 

-Trả lời: Hôn nhân cận huyết là hành vi vi phạm pháp luật, vì đó là hành vi bị cấm trong Luật Hôn nhân và gia đình.

- Hỏi: Tại sao pháp luật lại cấm hôn nhân cận huyết ?

Trả lời: Pháp luật nghiêm cấm hôn nhân cận huyết Bởi vì hôn nhân cận huyết gây nên những tác hại như sau:

-Hôn nhân cận huyết làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật,  gây suy thoái chất lượng giống nòi. Những trẻ em được sinh ra từ cha mẹ có quan hệ hôn nhân cận huyết dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền, bệnh tật, suy giảm sức khỏe, như: Các bệnh về máu, bệnh dị dạng về xương, thiểu năng trí tuệ, lùn, ốm yếu và nhiều dị dạng khác và những bệnh lý này làm cho thai chết non, trẻ chết sớm hoặc trở thành bệnh mãn tính không thể chữa khỏi dứt điểm được.

Đối với xã hội, hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực, tăng áp lực và chi phí của xã hội để chăm sóc, điều trị các bệnh di truyền, bệnh tật. Bên cạnh hậu quả suy giảm sức khoẻ, hôn nhân cận huyết còn ảnh hưởng không tốt đến văn hóa, đạo đức gia đình, phá vỡ các mối quan hệ đang tồn tại giữa các dòng tộc, gia đình và làm xói mòn, biến đổi giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Hỏi: Nếu vi phạm về hôn nhân cận huyết thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời: Hôn nhân cận huyết là hành vi vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm. Nếu người nào vi phạm thì có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật về hành chính hoặc nặng hơn có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

-Về xử lý hành chính: Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

-Về xử lý hình sự: Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội loạn luân: Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy chúng ta có thể thấy rằng Tảo hôn và hôn nhân cận huyết đều là những hành vi vi phạm pháp luật vì nó gây ra nhiều hậu quả lâu dài và rất nghiêm trọng, làm suy thoái giống nòi của gia đình, dòng họ, là nguyên nhân gây nên đói, nghèo. Đó là những hủ tục lạc hậu, vi phạm thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam, vi phạm pháp luật và trái với đường lối của Đảng. Vì vậy mỗi cộng đồng, mỗi gia đình chúng ta phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và đấu tranh bài trừ nạn tảo hôn, cùng chung tay xây dựng một xã hội văn minh giàu đẹp.

                                                    Đồng Văn, tháng 01 năm 2021

                                  HỘI ĐỒNG PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

                                                              HUYỆN ĐỒNG VĂN



 




Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập