Xây dựng Đảng, Chính quyền

Đảng bộ huyện Đồng Văn nỗ lực trong công tác triển khai, thực hiện xoá bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh

15/09/2023 20:30 61 lượt xem

 

Trong hai năm qua, công tác triển khai, thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/5/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện xoá bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Đảng bộ huyện Đồng Văn được quan tâm, triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở; nhiều nét đẹp văn hoá, tín ngưỡng truyền thống trong đời sống của đồng bào các dân tộc được gìn giữ, bảo tồn và phát huy như tiếng nói, trang phục, kiến trúc nhà ở, nghi lễ truyền thống, lễ hội dân gian…đã được bảo tồn và phát triển; tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước; góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 09-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.

 

Tuy nhiên, một số phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số còn lạc hậu như: không đưa vào áo quan trước khi làm tang lễ 378 đám; số đám tang tổ chức quá 48 tiếng là 201 đám; số đám giết mổ từ 02 con trâu, bò trở lên là 81 đám (dân tộc Mông); số đám tang ngoài trời (tục phơi nắng) 501 đám; số người chết còn chôn quá nông 163 đám, số đám còn tục rải vàng mã xuống đường khi đưa tang là 28 đám. Hiện tượng tảo hôn còn xảy ra ở một số xã trên địa bàn huyện; một số làn điệu dân ca, dân vũ, một số nét văn hóa bị mai một như: trang phục, dân ca, dân vũ, nghệ nhân nhạc cụ; kiến trúc nhà ở bị mai một “lai tạp”…

Các cấp uỷ, tổ chức Đảng từ huyện đến cơ sở triển khai đến 100% cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện nội dung các văn bản của Đảng, Chính phủ về bài trừ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, qua các hình thức: Tổ chức Hội nghị học tập quán triệt;  hội nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức triển khai đến Đoàn viên, Hội viên và nhân dân; hội nghị mạn đàm tại cơ sở đến với các ban, ngành đoàn thể, Bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân vận thôn, tổ dân phố, Hội nghệ nhân dân gian, người có uy tín, trưởng dòng họ, nhánh dòng họ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Kết quả, tuyên truyền bằng loa không dây lưu động tại các phiên chợ, các xã, thị trấn, các khu, cụm dân cư; cụm loa phát thanh tại cơ sở; xe thông tin lưu động của huyện được 412 buổi; đăng tin, bài trên trang Thông tin điện tử 169 tin bài (trong đó, biên tập tin bài bằng tiếng Mông 05 tin); tuyên truyền trực quan 373 Băng zôn, khẩu hiệu, áp phích.

Đưa nội dung bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu giảng dạy cho học sinh thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, các môn học có nội dung liên quan. 31/31 đơn vị trường học tuyên truyền được 124 buổi thu hút trên 37.200 phụ huynh, học sinh tham gia. Tổ chức sân khấu hoá và loa phát thanh để tuyên truyền về nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết (trường PTDTBT THCS Lũng Phìn); tuyên truyền tập trung cho phụ huynh và học sinh (trường PTDTBT THCS Ma Lé); tuyên truyền qua loa của trường và các hoạt động đội Bài trừ các hủ tục lạc hậu, tảo hôn, hủ tục ma chay, cưới hỏi (trường Tiểu học Phố Bảng).

Qua công tác tuyên truyền, đã vận động được 06 dòng họ, nhánh dòng họ đưa người chết vào áo quan khi làm tang lễ với số người chết đã đưa vào áo quan là 13 người, 07 dòng họ, nhánh dòng họ cam kết khi có người chết sẽ đưa vào áo quan; số đám không giết mổ gia súc là 86 đám; số đám giết mổ 01 con trâu, bò là 652 đám. Có 06 đám được đem đi hoả táng tại Đài Hoa thân hoàn vũ.

Các đám cưới cơ bản đều thực hiện theo nếp sống văn minh, trang trọng, vui tươi, tiết kiệm; các nghi lễ được tổ chức đơn giản hoá, gọn nhẹ, phù hợp với văn hoá truyền thống của từng dân tộc. Trong 1.260 cặp kết hôn (đã đăng ký kết hôn), có 533 cặp không tổ chức đám cưới mà chỉ tổ chức (tiệc nhẹ) với hai gia đình nội ngoại. Xử lý dứt điểm 282 cặp tảo hôn.

 Việc truyền dạy nghề tín ngưỡng dân gian được phát huy và mở được nhiều lớp dậy khèn, lớp thầy tạo và truyền dạy nghề truyền thống. Tổ chức thành công các Lễ hội như: Lễ hội khèn Mông; Lễ hội hoa tam giác mạch, Lễ cúng thần rừng của dân tộc Giáy, dân tộc Cờ Lao; Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô Đen; Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông…

Huyện đã xây dựng được 05 mô hình hay, cách làm hiệu quả. Các mô hình đã có sự thay đổi phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương như: Mô hình “Dân vận khéo” trong việc vận động nhân dân đưa thi thể người chết vào áo quan ngay khi làm lễ tang tại nhà, kết quả vận động được 06 dòng họ, nhánh dòng họ đưa người chết vào áo quan khi làm tang lễ với số người chết đã đưa vào áo quan là 13 người; mô hình Câu lạc bộ phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, mô hình bảo vệ môi trường, thu gon rác thải; mô hình nhà sạch, vườn đẹp gắn với phát triển du lịch; mô hình vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi đã có hiệu ứng tích cực.

Qua đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân được nâng lên, thực hiện đồng bộ quyết liệt trong bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương như: trong việc cưới trên địa bàn 19 xã, thị trấn không còn ăn uống linh đình, kéo dài ngày, gây tốn kém, lãng phí, không có hôn nhân cận huyết thống, không còn tục kéo bắt vợ, thách cưới cao, hiện tượng tảo hôn, nạn tự tử giảm hẳn so với trước đây, không có mê tín dị đoan; các vấn đề học đạo, truyền đạo và theo đạo trái pháp luật không có phát sinh phức tạp. Trong đám tang không kéo dài ngày, không mổ nhiều gia súc, không uống nhiều rượu, tổ chức ăn, uống hợp vệ sinh và một số thủ tục rườm rà được loại bỏ. Việc truyền dạy nghề tín ngưỡng dân gian được phát huy và mở được nhiều lớp dậy khèn, lớp thầy tạo và truyền dạy nghề truyền thống.

Dương Quỳnh Anh - Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập