Du lịch Đồng Văn

Du lịch Đồng Văn một năm bứt phá

11/01/2024 16:09 42 lượt xem

TTTĐT - Đồng Văn là huyện vùng lõi của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi đây được du khách biết đến bởi vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Năm 2023, huyện Đồng Văn tiếp tục phát huy và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, qua đó tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển du lịch của huyện nhà.

Du lịch Đồng Văn một năm bứt phá
Những cánh đồng hoa Tam giác mạch hấp dẫn du khách.

Các hoạt động du lịch tại trung tâm Phố Cổ hấp dẫn du khách.

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý ngành du lịch huyện Đồng Văn trong năm 2023 đó là đã tổ chức thành công: Lễ đón nhận bằng công nhận tái đánh giá công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III và Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ 9, tỉnh Hà Giang năm 2023. Trong dịp diễn ra lễ hội huyện Đồng Văn đã đón trên 2.000 đoàn, với hơn 20.000 nghìn lượt du khách đến thăm quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tổ chức thành công nhiều lễ hội truyền thống khác như: Lễ hội Khèn Mông lần thứ 9 năm 2023, Lễ cúng tổ Tiên của dân tộc Lô Lô, xã Lũng Cú, Lễ cúng Thần rừng dân tộc Pu Péo,...Thông qua các lễ hội vừa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vừa phục vụ du khách đến thăm quan, trải nghiệm. Đến nay, hầu như vào tất cả các ngày trong tuần huyện luôn đón lượng khách du lịch lớn đến tham quan, nghỉ dưỡng; nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức vừa thu hút khách du lịch vừa tạo nên những món ăn tinh thần phong phú cho người dân địa phương.

Năm 2023 huyện Đồng Văn đã đón trên 850 nghìn lượt du khách.

Bên cạnh đó, huyện Đồng Văn cũng thường xuyên duy trì và thực hiện tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ các trò chơi dân gian truyền thống. Điển hình tại trung tâm Phố Cổ để tạo sân chơi cho du khách khi đến thăm quan huyện đã thường xuyên duy trì các hoạt động văn hóa văn nghệ vào tất cả các buổi tối trong tuần. Đến đây, ngoài được ngắm Phố Cổ thưởng thức các món ẩm thực du khách còn được tham gia các hoạt động du lịch về đêm như hoạt động đốt lửa trại, chơi các trò chơi dân gian truyền thống… Nếu ban ngày du khách có thể được trải nghiệm nhiều phong cảnh sơn thủy hữu tình, thì khi màn đêm đêm buông xuống du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa đầy màu sắc. 

Ngoài ra, huyện cùng đã quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, tổ chức các lớp tập huấn cho người dân làm du lịch cộng đồng. Đồng thời, làm tốt công tác quảng bá giới thiệu các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến nay tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng như: Làng văn hóa thôn Lũng Cẩm Trên, Làng văn hóa thôn Má Lé, xã Má Lé và Làng văn hóa thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú luôn là “địa chỉ đỏ” hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Những bản làng trước đây còn hiu quạnh bóng người thì nay đã được người dân biến thành những bản làng rộn rã tiếng cười, nói của du khách.

 Bằng sự quyết tâm cao, cách làm bài bản năm 2023 được đánh giá là một năm bứt phá mạnh mẽ của du lịch Đồng Văn. Tính đến hết năm 2023, huyện Đồng Văn đã đón khoảng 850 nghìn lượt khách, tăng khoảng 25% so với năm 2022. Doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 1.008 tỷ đồng, tăng 31,7% so với năm 2022. Con số này là một tín hiệu đáng mừng, là tiền đề để huyện Đồng Văn tiếp tục tạo nên bước đột phá, với kỳ vọng trong tiến trình phát triển du lịch của huyện nhà trong thời gian tới. 

Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Để tiếp tục tục phát huy tiềm năng, lợi thế và phát triển ngành du lịch, thời gian tới huyện Đồng Văn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch; bảo tồn, phát huy và khai thác hợp lý các giá trị các Khu di tích, điểm danh thắng; bảo vệ các di sản địa chất, địa mạo của công viên địa chất toàn cầu đã được UNESCO công nhận; quy hoạch chi tiết các điểm du lịch; đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các làng văn hoá du lịch và gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương; duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống và những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đạt tiêu chuẩn hướng tới những sản phẩm đặc trưng được đăng ký thương hiệu và có chỉ dẫn địa lý để tham gia các kênh bán hàng online được niêm yết trên các sàn giao dịch thương mại, dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương./.

Thiện Ngay - TTVHTTDL

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập