Xây dựng Đảng, Chính quyền

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG

07/09/2023 08:13 24 lượt xem

Nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là khâu quan trọng, là tiền đề để nghị quyết được triển khai, trở thành hành động nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Chính vì thế, đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết là việc làm có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.

 

Nghị quyết của Đảng là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân; thể hiện đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, được xây dựng trên cơ sở yêu cầu phát triển của cách mạng trong mỗi hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “cần nghiên cứu sâu để thấm nhuần tinh thần Nghị quyết; nghiên cứu càng sâu thì càng thêm phấn khởi, hoàn thành nhiệm vụ càng tốt. Nhưng cán bộ thấm nhuần chưa đủ. Phải làm cho tinh thần Nghị quyết thấm nhuần trong toàn Đảng, toàn dân, làm cho mọi người thấy hết thắng lợi, khả năng và khó khăn của ta, thấy rõ khả năng của ta to lớn hơn khó khăn nhiều, làm sao cho mọi người vui vẻ, hăng hái làm tròn nhiệm vụ, vì khi nhân dân vui vẻ, hăng hái thì mọi khó khăn sẽ vượt được”(1). Người cũng chỉ ra rằng khi đã có nghị quyết, phải lập tức đốc thúc thực hành nghị quyết ấy; phải nắm rõ tình hình sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân của từng địa phương; có như thế, mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn để sửa đổi khuyết điểm và tìm ra cách vượt qua mọi khó khăn trong quá trình thực hiện nghị quyết.

Để nghị quyết của Đảng kịp thời được quán triệt, học tập, tuyên truyền triển khai thực hiện đòi hỏi cấp ủy đảng phải luôn chủ động, sáng tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quán triệt, học tập, tuyên truyền triển khai thực hiện nghị quyết, nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động hiểu sâu, thấu đáo nội dung nghị quyết, từ đó vận dụng vào tình hình thực tiễn ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp góp phần “đưa nghị quyết vào cuộc sống”.

Việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng giúp đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên theo Điều lệ Đảng và các nhiệm vụ được chi bộ, đảng bộ phân công; đồng thời, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần tự học tập, tự nghiên cứu, tăng cường trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Thông qua học tập, quán triệt Nghị quyết, các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc xây dựng chương trình hành động, giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng vừa là nhiệm vụ vừa là quyền lợi của đảng viên. Đây cũng là khâu đầu tiên rất quan trọng nhằm tạo sự thống nhất trong Đảng, là tiền đề bảo đảm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi trong các nhiệm vụ mà nghị quyết đề ra.

Phải làm cho nghị quyết của Đảng thấm nhuần trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.

Nghị quyết của Đảng là những định hướng chính trị phát triển đất nước, tỉnh, ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn cách mạng, là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng, thể hiện ý chí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức. Do đó, sau khi Nghị quyết được ban hành, cấp ủy các cấp lãnh đạo tổ chức học tập, quán triệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhằm tạo sự nhất trí giữa nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong quần chúng Nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý cần phải làm cho nghị quyết của Đảng thấm nhuần trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, làm cho toàn Đảng, toàn dân hiểu sâu sắc, cặn kẽ những nội dung trong nghị quyết của Đảng.

Giải pháp nâng cao chất lượng học tập, quán triệt Nghị quyết

Thứ nhất: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của các nghị quyết; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong học tập, quán triệt nghị quyết. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống; có trình độ về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ.

Thứ hai: Coi trọng việc xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết sát với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; dành thời gian để nghiên cứu, thảo luận chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết.

Thứ ba: Đối mới nội dung học tập theo hướng:

Đối với cán bộ chủ chốt, báo cáo viên cần đi sâu vào những nội dung cơ bản và mới, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của các quan điểm trong nghị quyết; giải pháp thực hiện; liên hệ thực tiễn và định hướng vận dụng những nội dung của nghị quyết vào lĩnh vực công tác; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Đối với đảng viên ở cơ sở, báo cáo viên giới thiệu những nội dung “cốt lõi”, ngắn ngọn, dễ hiểu, gắn với tình hình thực tiễn của từng lĩnh vực, của ngành, nhằm tạo sự thông suốt về nhận thức, tư tưởng và vận dụng vào thực tế công tác.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai, quán triệt nghị quyết; trình chiếu powerpoint hình ảnh, số liệu sinh động, phù hợp nhằm thu hút người học.

Thứ tư: Đổi mới về hình thức tổ chức học tập nghị quyết:

 Tùy điều kiện và hoàn cảnh cụ thể để sử dụng linh hoạt hình thức truyền thống (tổ chức tại hội trường) hay hình thức trực tuyến (thông qua cầu truyền hình).

 Tổ chức lớp học tập trung cho đối tượng là cán bộ chủ chốt, kết nối trực tuyến đến các cấp ủy cơ sở. Tiếp tục tổ chức hội nghị học tập nghị quyết cho các đơn vị có số lượng đảng viên ít.

Cấp ủy cơ sở tổ chức cho cán bộ, đảng viên học trực tuyến hoặc học tập trung.

 Những đơn vị không có điều kiện lắp đặt phòng học trực tuyến, đồng chí Bí thư chủ trì, chịu trách nhiệm trực tiếp triển khai, truyền đạt Nghị quyết tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình.

- Đối với cán bộ, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội, tùy tình hình cụ thể và số lượng đoàn viên, hội viên, ban thường vụ các đoàn thể tổ chức các lớp học đảm bảo chất lượng và thời gian theo quy định.

Thứ năm: nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của đồng chí bí thư, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp trong chỉ đạo, chủ trì, trực tiếp quán triệt Nghị quyết; đưa việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá phân loại, khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên hàng năm.

Thứ sáu: đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, sinh động, sáng tạo, bằng nhiều phương tiện, như sử dụng các kênh thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương (cổng thông tin điện tử, báo, tạp chí...), mạng xã hội, hoạt động sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội thi tìm hiểu, thi báo cáo viên giỏi... Trong quá trình tuyên truyền, cần chú ý nắm bắt, lắng nghe tâm tư, thắc mắc của cán bộ, đảng viên về nội dung nghị quyết để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, nâng cao hiệu quả định hướng, tạo sự đồng thuận trong nhận thức của toàn xã hội; kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc nghị quyết.

Thứ bảy: Kết thúc đợt học tập nghị quyết của Đảng, cấp ủy chỉ đạo kịp thời việc sơ kết rút kinh nghiệm, qua đó, biểu dương những tổ chức đảng và đảng viên thực hiện tốt, đồng thời phê bình, xử lý những tổ chức đảng, đảng viên chưa nghiêm túc khi học nghị quyết; yêu cầu cán bộ, đảng viên viết bài thu hoạch cá nhân bằng hình thức trắc nghiệm, liên hệ rõ trách nhiệm bản thân sau mỗi lần học tập nghị quyết của Đảng.

Với vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị đất nước, các nghị quyết của Đảng khi được hiện thực hóa tạo ra sự chuyển biến căn bản của đất nước trong từng giai đoạn. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết phải luôn được đổi mới để tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất trong ý chí và hành động; từ đó, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đưa đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc./.

                                    

       Vàng Thu Hương – Chi bộ BHXH huyện Đồng Văn

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập