Gương người tốt - việc tốt

TẤM GƯƠNG TIÊU BIỂU “PHỤ NỮ LÀM KINH TẾ GIỎI”

30/08/2023 00:07 86 lượt xem

Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. Nhiều chị đã biết vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống gia đình.

TẤM GƯƠNG TIÊU BIỂU “PHỤ NỮ LÀM KINH TẾ GIỎI”
Hình ảnh chị Mỷ

Điển hình là chị Vàng Thị Mỷ, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Sủa Pả A, xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn được biết đến là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát, luôn nhiệt tình trong mọi hoạt động của Hội, đồng thời là tấm gương sáng cho những hội viên khác noi theo trong việc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.

Gian hàng của chị Mỷ

Chị Mỷ sinh năm 1984, chị sinh ra, lớn lên và xây dựng gia đình trên chính chính mảnh đất quê hương Phố Cáo đầy gian khó. Vào thời điểm đó, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, cả gia đình đều sinh sống bằng nghề làm nương rẫy, hàng năm thiếu ăn từ 3 - 4 tháng, con đi học không có tiền mua sách vở, bố mẹ ốm đau cũng không có tiền mua thuốc. Là người vợ, người mẹ trong gia đình chị luôn suy nghĩ, trăn trở làm cách nào để thoát khỏi cái đói, cái nghèo mà bao lâu nay vẫn đeo đẳng theo gia đình chị mãi.

Đến năm 2013, chị suy nghĩ và bàn với chồng chị: “Với diện tích đất canh tác của gia đình mình quá ít, quanh năm làm lụng vất vả mà vẫn không đủ ăn, không đủ mặc giờ đã đến lúc mình phải nghĩ thay đổi cách làm kinh tế” và chị đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của chồng chị. Ban đầu anh chị thống nhất làm nghề may mặc trang phục dân tộc bán tại các chợ phiên trong huyện. Cùng thời điểm đó chị được Tổ TK&VV thôn Sủa Pả A, xã Phố Cáo bình xét cho vay số tiền 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của nguồn vốn NHCSXH để phát triển kinh tế. Chị đã mạnh dạn đầu tư mua máy khâu, mua vải; vì vốn quá ít nên chị chỉ may được ít sản phẩm và bán tại các chợ phiên, năm đó nhờ mua bán thuận lợi nên trừ chi phí gia đình chị cũng thu lợi nhuận được trên 50 triệu đồng. Năm sau đó khi có chút vốn chị lại bàn với chồng chị tiếp tục đầu tư mua thêm 2 máy khâu và thuê 2 nhân công làm thường xuyên (mức chi trả tiền công: 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng) sản phẩm làm ra được tiêu thụ ra thị trường trong tỉnh, ngoài ra chị còn đưa hàng sang tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Đắc Lắc để tiêu thụ. Đến năm 2015 chị lại tiếp tục tham gia vào mô hình tổ may liên kết do Hội LHPN tỉnh thành lập tại xã Phố Cáo và được chị em trong tổ tín nhiệm bầu chị làm tổ trưởng, chị luôn động viên tạo điều kiện giúp đỡ chị em trong tổ may, giúp chị em tìm đầu ra để tiêu thụ sản phẩm, thấy nghề may phát triển thuận lợi sản phẩm làm ra cung không đủ cầu nên gia đình chị và các chị em trong tổ lại thuê thêm nhân công ở các xã lân cận may theo mùa (mức chi trả tiền công là 200 nghìn đồng/người/ ngày) để đáp ứng một phần nhu cầu của nhân dân về trang phục dân tộc và quần áo may sẵn vào mùa đông đặc biệt là vào dịp cuối năm. Hàng năm gia đình chị tạo thêm việc làm cho 8 đến 10 người (lúc nông nhàn) với thu nhập khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Nghề may phát triển giúp phụ nữ nông thôn trong vùng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Không dừng lại ở đó, cuối năm 2016 gia đình chị tiếp tục mở rộng thêm một gian hàng tạp hóa nhỏ bán tại nhà phục vụ bà con nhân dân trong thôn, xã, với thu nhập (trừ chi phí) còn thu được 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Cho đến năm 2020 - 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng lớn tới giao thông đi lại cũng như mọi sinh hoạt, kinh tế của người dân trong khu vực và trên toàn cầu, thu nhập của gia đình chị từ nghề may mặc trang phục dân tộc vì thế mà giảm sút. Không cam chịu, lại một lần nữa, chị bàn với chồng tiếp tục chuyển đổi hướng kinh doanh. Đến đầu năm 2022, anh chị đã mạnh dạn chuyển hẳn từ nghề may mặc trang phục dân tộc sang mở cửa hàng kinh doanh bán hàng tạp hoá tại trung tâm chợ xã Phố Cáo huyện Đồng Văn. Tính đến nay, sau đại dịch Covid-19 kinh tế của gia đình anh chị đã ổn định, thu nhập từ cửa hàng tạp hoá bình quân từ 45 -> 50 triệu đồng/tháng.

Không chỉ lo làm giàu cho bản thân, cho gia đình, chị Mỷ còn vận động những hội viên khác cùng nhau xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Cho những hội viên khó khăn hơn vay vốn không lấy lãi để phát triển kinh tế gia đình, sẵn sàng giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn sản xuất vươn lên thoát nghèo, chung tay góp sức vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Chị Mỷ cho biết: “bản thân tôi luôn ý thức được việc phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình là rất cần thiết, khi kinh tế gia đình ổn định thì mới có điều kiện giúp đỡ những chị em khác có hoàn cảnh khó khăn hơn”.

Trong những năm qua, chị Mỷ luôn được chính quyền địa phương và các cấp Hội đánh giá cao về mọi mặt, nhất là trong các phong trào thi đua yêu nước, phong trào hoạt động Hội. Bản thân chị và gia đình luôn chấp hành tốt Chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực ủng hộ các phong trào quyên góp ở địa phương được ghi nhận và đánh giá cao.  Nhiều năm liền gia đình chị đạt gia đình văn hoá, bản thân chị được Chủ tịch tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp biểu dương và khen thưởng là nhân tố điển hình về phát triển kinh tế, cụ thể:

- Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen: Đã có thành tích trong PTTĐ yêu nước giai đoạn 2010 - 2015, Quyết định số 672/KT ngày 22/4/2015.

- Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen: Đã có thành tích trong PTTĐ “Phụ nữ tích cực lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” giai đoạn 2010 - 2015, Quyết định số 1251/QĐ-TTg ngày 05/8/2015.

- Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen: Đã có thành tích xuất sắc trong PTTĐ “Dân vận khéo” giai đoạn 2011 - 2015, Quyết định số 1981/KT ngày 08/10/2015

- Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng chứng nhận: Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước (ngày 08/3/2016).

Có thể nói chị Vàng Thị Mỷ là tấm gương điển hình tiêu biểu làm kinh tế giỏi; chị đã góp phần tô thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn Việt Nam chịu thương, chịu khó, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc./.

Bùi Thị Thanh Hải - Hội LHPN huyện Đồng Văn

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập